Công ty Tân Long
Ông Vũ Tuấn Anh, đại diện công ty cho biết mảng kinh doanh chính là nhập khẩu và phân phối thức ăn chăn nuôi, sản lượng năm 2019 vào khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó có khoảng 2,4 triệu tấn ngô, còn lại là khô đậu tương, lúa mỳ và nhiều sản phẩm khác như DDGS (bã ngô lên men), bã cọ.
Khách hàng của Tân Long là khoảng 250 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước và một số nhà máy ở Myanmar và Campuchia. Ngoài thức ăn chăn nuôi, công ty còn làm xuất khẩu gạo, xuất nhập khẩu hạt điều và khoáng sản.
Theo ông Tuấn Anh, mục đích chuyến đi để tìm hiểu cơ hội nhập khẩu hàng Mỹ, điều mà công ty Tân Long đã và đang làm nhưng số lượng còn khiêm tốn.
Cụ thể, với ngô Mỹ, hạt có tỷ lệ vỡ và độ ẩm cao hơn so với ngô Nam Mỹ, Ấn Độ khi về đến Việt Nam, điều này khiến khách hàng chưa ưa chuộng. Ngoài ra, tỷ lệ đạm của khô đậu tương Mỹ thấp hơn khoảng 1% so với nguồn hàng ở Nam Mỹ.
Do đó, qua chuyến đi này, công ty muốn đối thoại với các nhà cung cấp ở Mỹ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục những hạn chế nói trên để mạnh dạn nâng sản lượng nhập khẩu. Bên cạnh đó, Tân Long cũng hy vọng cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, đưa ra biện pháp miễn giảm một phần thuế để giá nguyên liệu Mỹ cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.
Công ty Tân Long cũng đang tiếp cận thị trường thịt lợn, ông Tuấn Anh cho biết, muốn tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm thịt Mỹ về Việt Nam.
Công ty Đông Thành
Bà Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch công ty cho biết mảng kinh doanh chính của Đông Thành là nhập khẩu bò sống từ Australia, sản lượng năm 2019 là 90.000 con, lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước.
Tuy nhiên, thời gian qua Australia trải qua nhiều thiên tai, ảnh hưởng đến sản lượng bò sống như lũ lụt, cháy rừng làm giá bò lên cao. Do đó, công ty đang tìm kiếm một số thị trường bò sống mới như Mỹ, Brazil mặc dù có vị trí địa lý không thuận lợi bằng Australia.
Qua chuyến đi này, bà Hải muốn tìm hiểu sâu hơn về các giống bò Mỹ, để xem khả năng vận chuyển đường dài có khả thi không. Hiện nay, bò từ Australia về Việt Nam mất khoảng 7-13 ngày, trong khi nếu đi từ Mỹ hay Brazil thì phải hơn 20 ngày.
Về thuế nhập khẩu, bò Australia hiện nay đang được miễn trong khi bò từ Mỹ, Brazil phải chịu mức 5%. Tuy nhiên, với số lượng lớn, giá thành rẻ thì Mỹ vẫn có thể trở thành nơi cung cấp bò sống cho Đông Thành dù phải chịu thuế, bà Hải cho biết thêm.
Ngoài ra, một trong những băn khoăn lớn của đơn vị là khả năng thích nghi và đảm bảo chất lượng của bò sau khi được chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Thời gian qua, sản lượng bò của Australia đang giảm và nếu vẫn chỉ duy trì một thị trường nhập thì doanh nghiệp sẽ bị ép giá. Do đó, chúng tôi muốn tìm kiếm những thị trường mới và hy vọng có thể tìm được doanh nghiệp chuyên về bò sống của Mỹ để tìm hiểu thêm, bà Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.
Một mong muốn nữa của công ty Đông Thành là Việt Nam và Mỹ sớm đưa ra được thỏa thuận về tiêu chuẩn chất lượng, sức khỏe của bò để thúc đẩy quá trình nhập khẩu.
Công ty Interflour Việt Nam
Đại diện Interflour Việt Nam, Giám đốc Lương Quang Minh cho biết công ty kinh doanh trên 2 lĩnh vực là xay xát bột mỳ và cảng biển chuyên làm về nông sản.
Hiện nay, với công suất 1.300 tấn/ngày, nhà máy của Interflour có nhu cầu nhập khẩu lúa mỳ rất lớn, các thị trường chủ đạo là Australia, Canada, Mỹ và Nga. Tuy nhiên, do yêu cầu của sản phẩm bột mỳ, lúa mỳ Mỹ là một trong những nguồn nguyên liệu được ưa chuộng nhất với sản lượng mỗi năm vào khoảng 150.000 tấn.
Vì vậy, qua chuyến đi này, Interflour Việt Nam muốn tương tác, lắng nghe ý kiến của các đơn vị xuất khẩu lúa mỳ lớn của Mỹ, từ đó tìm hiểu thêm về thị trường này trong bối cảnh lúa mỳ Nga và một số khu vực khác đang trỗi dậy. Ngoài ra, xu hướng phát triển chung về kinh doanh nông sản giữa Việt Nam và Mỹ cũng là điều mà ông Minh quan tâm.
Về thuế quan, nếu 2 nước đạt được những thỏa thuận giảm thì sẽ thúc đẩy rất mạnh quá trình xuất nhập khẩu. Hiện nay, lúa mỳ nhập Nga và Australia đang không phải chịu thuế trong khi mặt hàng này nhập từ Mỹ vẫn chịu 5%.
Bên cạnh đó, qua chuyến đi này, ông Minh cũng muốn giới thiệu với các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ về Cảng nước sâu Cái Mép của công ty có công suất 4 triệu tấn/năm với những trang thiết bị chuyên dụng, khả năng bốc dỡ nhanh, bảo quản tốt và giao hàng dưới nhiều hình thức.
Công ty Khai Anh
Là đại diện của lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Bình Thuận, công ty Khai Anh hy vọng qua chuyến đi này sẽ tìm hiểu thêm được về thị trường xuất khẩu của Mỹ và đóng góp các ý kiến cho Bộ NN-PTNT cũng như Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ.
Hiện nay, nguyên liệu từ thị trường Mỹ đang gặp phải không ít khó khăn trong khả năng cạnh tranh khi chịu thuế nhập khẩu 5%, trong khi Nga, Canada và Australia thì được miễn hoàn toàn.
Với lợi thế về chất lượng, nếu được giảm thuế thì các mặt hàng như ngô, lúa mỳ của Mỹ sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh rất lớn, giúp doanh nghiệp nhập khẩu có thêm lựa chọn, ông Trịnh Khắc Điệp, Phó tổng giám đốc công ty Khai Anh cho biết.
Công ty Chánh Thu
Chánh Thu là công ty chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, Mỹ và Trung Đông với doanh thu năm 2018 vào khoảng 400 tỷ đồng và năm 2019 xấp xỉ 480 tỷ đồng.
Ngoài 12ha sầu riêng tự trồng ở Bình Phước, công ty liên kết với nông dân ở nhiều tỉnh thông qua hợp tác xã với hơn 400ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trở lên gồm nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, vú sữa, sầu riêng…
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty cho biết, đơn vị đang nhắm đến xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ trong năm nay nên sẽ tìm hiểu kỹ về công nghệ bảo quản loại quả này. Các công đoạn chế biến bưởi hiện nay thường là phân loại, đánh rửa, cho qua sáp bảo quản rồi làm khô, đóng gói và cho vào kho lạnh.
Bên cạnh đó, các giống bưởi của Mỹ có mẫu mã rất bắt mắt nên Chánh Thu cũng muốn tìm hiểu, đem giống về lai tạo với các loại bưởi trong nước để nâng cao giá trị cho sản phẩm.