| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp phân bón bị o ép!

Thứ Tư 28/11/2012 , 11:08 (GMT+7)

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chính thức khước từ đề xuất giảm giá bán than cho các DN SX phân bón. Cách đây chưa lâu, TKV nằng nặc đòi tăng giá bán than trong nước theo cơ chế thị trường do giá XK cao. Nay giá than thế giới giảm mạnh cộng thuế XK than từ 20% giảm xuống 10% TKV lại lờ đi việc giảm giá.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chính thức khước từ đề xuất giảm giá bán than cho các DN SX phân bón. Cách đây chưa lâu, TKV nằng nặc đòi tăng giá bán than trong nước theo cơ chế thị trường do giá XK cao. Nay giá than thế giới giảm mạnh cộng thuế XK than từ 20% giảm xuống 10% TKV lại lờ đi việc giảm giá.

TĂNG NHANH XUỐNG CHẬM

Nếu nói TKV chưa giảm giá bán than trong nước không hẳn đúng. Thực tế TKV có giảm giá bán than cho một số ngành như xi măng, giấy và một chút ít than cám cho SX phân đạm. Việc này, ngày 22/9, Bộ Tài chính đã có văn bản thông báo mức giá than bán trong nước cho các hộ (trừ than bán cho điện) trên cơ sở đăng ký giảm giá bán than trong nước cho các hộ lẻ và các hộ SX xi măng, giấy, phân bón của TKV. Theo đó, giá than bán cho các hộ lẻ giảm 0,9% - 9,5% tùy chủng loại so với hiện hành; đối với các hộ SX xi măng, giấy, phân bón (hộ lớn), giá mặt hàng này giảm 1,5% - 6,7% tùy chủng loại.

Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, TGĐ Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển Hoàng Văn Tại thắc mắc và lấy làm lạ, cách đây vài tháng TKV một mực đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ tăng giá bán than nội địa với lý do để vận hành theo cơ chế thị trường cộng giá than XK thời điểm đó cao, thuế XK than tận 20%. Do đó, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, từ ngày 1/4/2011 - 24/2/2012, TKV đã tăng giá bán than tới 3 lần, khiến chi phí một tấn than từ hơn 2 triệu tăng lên gần 3,4 triệu đồng, tương đương mức tăng trên 30%.


SX phân lân nung chảy tại Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngày đó, dù các DN phân bón phản đối kịch liệt song Bộ Tài chính vẫn chấp nhận đề nghị tăng giá của TKV. Tuy nhiên, những tháng giữa năm 2012, giá than thế giới liên tục giảm, theo nghi nhận của các DN phân bón là trên 30%. Do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ than TKV đã phải giảm giá than cho các hộ lẻ và đề nghị Chính phủ giảm thuế XK từ 20% xuống 10%. Nhưng điều khiến ông Tại và các DN phân lân nung chảy thắc mắc, trong khi TKV đã giảm giá than tới 2 lần cho các hộ lẻ và cho các ngành như xi măng, giấy và mặt hàng than cám SX phân đạm (giảm 0,9%) nhưng TKV lại không hề giảm giá bán than cục cho các đơn vị SX phân lân nung chảy. Từ đó, các doanh nghiệp lân nung chảy đặt dấu hỏi nghi ngờ, phải chăng TKV quên hay còn một lí do nào khác?

Ông Tại chia sẻ: “Trong lúc TKV gặp khó khăn Chính phủ tạo điều kiện giảm thuế XK nhằm giúp đỡ ngành than hoạt động có hiệu quả đáng lẽ ra TKV cũng phải tạo điều kiện cho DN SX phân bón như bao đơn vị khác. Bởi trong thời điểm hiện tại, ngành phân bón cũng vô cùng khó khăn khi lượng tồn kho lớn, xấp xỉ 1 triệu tấn. Hơn nữa, nông sản trong nước rớt giá thê thảm khiến nông dân không dám mạnh dạn đầu tư, nhiều nơi bà con bỏ bón phân và cấy chay vì không có tiền mua phân bón. Chúng tôi nhiều lần đề nghị TKV giảm giá bán than cho DN phân bón để chúng tôi giảm giá bán phân cho bà con nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp nhưng đều bị TKV khước từ”.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Phân lân nung chảy Ninh Bình Phạm Mạnh Ninh cho hay, vừa qua Chính phủ đã điều chỉnh thuế XK than từ 20% còn 10% cộng giá than XK giảm mạnh nhiều tháng qua nên giá than TKV bán cho SX phân lân nung chảy cao hơn cả giá XK rất lâu rồi mà chưa thấy TKV chịu giảm giá. Như vậy là vô lý vì trước đó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giá bán nội địa cho 3 hộ lớn (trừ điện) thấp nhất bằng 90% giá XK quy về cùng loại.

“Cũng như nhiều ngành hàng khác thời điểm hiện nay, Cty chúng tôi hàng tồn kho lớn do tiêu thụ chậm, giá nông sản sụt giảm nên nhu cầu phân bón giảm mạnh và Cty đã phải giảm giá bán phân bón. Để giảm bớt một phần khó khăn cho DN trong điều kiện giá phân bón giảm mạnh, đề nghị TKV xem xét để có kế hoạch điều chỉnh giá bán than cho SX phân lân nung chảy xuống từ 5-10%”. Ông Ninh đề xuất.

CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG… NỬA VỜI

Mặc dù được TKV giảm cho 0,9% giá than cám nhưng đại diện lãnh đạo Cty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vẫn vô cùng bức xúc trước việc TKV đối xử không công bằng với DN SX-KD phân bón trong nước. Nếu trước đây TKV tăng giá bán tới 30-40% thì nay giảm giá chưa đầy 1% trong khi giá bán than thế giới mấy tháng qua giảm hàng chục %. Chỉ nhìn vào con số đó thôi đã thấy việc tăng, giảm giá than theo cơ chế thị trường của TKV vô cùng khập khiễng.

Theo vị lãnh đạo này, TKV lúc nào cũng bảo mình vận hành theo cơ chế thị trường nhưng đã là cơ chế thị trường phải là “trăm người bán vạn người mua” còn cơ chế thị trường của TKV là “duy nhất 1 người bán vạn người mua”. Chính vì lẽ đó, khi giá than thế giới lên cao, TKV yêu cầu phải vận hành giá than theo cơ chế thị trường, còn khi giá than hạ xuống thấp TKV lại lờ đi việc giảm giá bán than trong nước theo sự giảm của giá thế giới nhằm tận thu và tăng thêm lợi nhuận.

Hầu hết các DN SX-KD phân bón đều kiến nghị là từ trước đến nay họ hầu như không được ưu tiên ưu đãi gì trong việc mua than của TKV bởi giá than TKV bán cho các DN phân bón luôn bằng giá than bán lẻ. Là ngành quan trọng làm ra đầu vào phục vụ cả nền nông nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong ngành phân bón nói riêng và nông nghiệp nói chung.

TGĐ Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Nguyễn Duy Khuyến cho biết, chuẩn bị đến vụ đông xuân nhưng giá phân bón giảm mạnh. Đơn vị phải tích trữ trong kho tới 400.000 tấn phân bón, ngoài việc phải chịu lãi suất còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thị trường.

Chính vì vậy, ông Khuyến đề nghị TKV nếu không ưu tiên ưu đãi gì DN SX-KD phân bón thì ít nhất cũng phải đối xử sao cho thật công bằng. Việc TKV giảm giá than cho một số ngành mà không giảm cho phân bón là cực bất công.

Mặt khác, các DN SX phân bón mua than của TKV chủ yếu dùng để SX điện vận hành hệ thống máy móc giúp giảm tải cho lưới điện quốc gia, đáng nhẽ ra TKV phải bán than cho DN phân bón với giá ưu đãi như ngành điện. Nhưng đằng này, không những không được mua với giá ưu đãi, các DN phân bón cũng phải mua than với giá như bất kỳ ngành hàng nào khác, thậm chí hiện nay cao hơn cả giá XK là sự vô lý.

Thực chất, việc XK than của TKV là chọn các lô than thật tốt so với trong nước để xuất, so với bán than trong nước chênh lệch lợi nhuận không cách nhau là mấy nhưng có một điều lạ là TKV có vẻ rất thích XK than.

Dư luận từng nhiều lần lên tiếng: hôm nay chúng ta xuất được than với giá 1 đồng, thì chỉ vài năm nữa lại phải nhập khẩu lại với giá 2-3 đồng. Việc phải nhập khẩu than cho SX trong nước đã nhãn tiền! Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng TKV XK than chỉ là cái cớ để hợp thức hóa việc làm nào đó? Hơn nữa, từ trước đến nay TKV vẫn coi mặt hàng than là của riêng mình trong khi than là tài nguyên của quốc gia, TKV chỉ là đơn vị được Nhà nước giao quản lý, khai thác, phân phối mặt hàng này nên than được khai thác lên khỏi mặt đất đầu tiên phải được phục vụ cho việc SX-KD trong nước, kế đến mới đến việc XK.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.