| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thủy sản đón nhận TPP

Thứ Hai 12/10/2015 , 09:18 (GMT+7)

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành thủy sản Việt Nam vừa có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng phải đối mặt không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hải Đăng, GĐ Cty TNHH SXTM La San (Trà Vinh): Ngành tôm phải tổ chức lại sản xuất

Gia nhập TPP sẽ mở ra thị trường lớn hơn cho con tôm Việt Nam, trong đó thị trường Nhật và Mỹ là chủ đạo.

Con tôm Việt Nam bắt buộc sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe nhưng đấy cũng là điều chúng ta phải điều chỉnh lại. Hiện tại, chuỗi liên kết trong SX của con tôm Việt Nam chưa rõ ràng nên khi yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ khó khăn và họ sẽ dùng các tiêu chuẩn này để hạn chế sản lượng tôm nhập khẩu. Thực tế các DN xuất khẩu tôm lâu nay mạnh ai nấy làm, tự cạnh tranh nhau và đây là cái lỗi lớn hại người nuôi tôm trong nước.

Với tình hình hiện tại thì ngành tôm Việt Nam cần phải liên kết lại trong việc tổ chức SX và tiêu thụ.

Hồ Thị Kiểng, GĐ Cty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản XNK Thiên Phú (Bạc Liêu): Tầm quan trọng của công nghệ chế biến

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thuận lợi cơ bản DN có được chính là thuế và thị trường rộng mở hơn. Nhật Bản, Mỹ, Úc… đều là những nước có nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản rất lớn. Khi chúng ta chính thức ký kết hiệp định thì sẽ có lợi thế rất lớn, trong việc tranh thủ được thị trường ở các nước trên.

Tuy nhiên, thách thức là không hề nhỏ. Đặc biệt là áp lực cạnh tranh. DN XK nào không phát triển được công nghệ, không thích nghi, nhanh chóng đổi mới đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu ngày càng khó thì không cạnh tranh nổi. Chúng ta có lợi thế riêng về ưu điểm của con tôm Việt có chất lượng cao (thịt tôm chắc, hương vị thơm ngon…) nên được nhiều nước ưa chuộng.

Nhưng xu thế hiện nay đối với mặt hàng thủy sản, muốn cạnh tranh được ra thị trường quốc tế thì phải phát triển sản phẩm hàng giá trị gia tăng. Nhưng thực tế, rất nhiều DN của ta đang làm sản phẩm thô để xuất đi một số nước trong khu vực, như vậy chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được với các nước có sản phẩm tôm lớn trong khu vực.

Muốn phát triển bền vững và lâu dài DN phải có chiến lược. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mình vùng nuôi tôm được chứng nhận GlobalGAP, đáp ứng được yêu cầu quốc tế. Bên cạnh đó, Cty Thiên Phú luôn đổi mới công nghệ, nghiên cứu ra sản phẩm mới, tạo sự đa dạng sản phẩm để khách hàng chọn lựa.

Thiên Phú là một trong những Cty chế biến XNK thủy sản hàng đầu của Bạc Liêu. Thị trường chính là các nước châu Âu (70%), châu Á (gần 30%). Năm 2014, giá trị XK của Cty đạt hơn 46 triệu USD. Mặc dù tình hình XK năm nay khó khăn hơn, nhưng mục tiêu trong năm 2015, giá trị XK của Thiên Phú ít nhất phải đạt bằng năm 2014, hiện đã XK đạt hơn 30 triệu USD.

Ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Cty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng): Khả năng sẽ không còn tranh chấp

16-01-08_02-ong-ho-quoc-luc-gd-cty-cp-thuc-phm-so-t

Trong TPP, con tôm Việt Nam có tiêu thụ ở Nhật, Mỹ, Canada, Úc, Singapore. Riêng con cá có thêm Mexico. Đó là những nước tiêu thụ tôm cá rất lớn.

Trong TPP, việc cam kết của Chính phủ sẽ được thực thi nghiêm túc hơn, nhất là việc không được trợ cấp sản xuất trong nước. Cho nên khả năng sẽ không còn tranh chấp kiện tụng nhau về thuế chống trợ cấp (CVD) mà phía Hoa Kỳ từng kiện con tôm VN (kết thúc bị hủy vì phía Hoa Kỳ không thấy bằng chứng trợ cấp). Đây là cái lợi thấy rõ cho con tôm, con cá khi TPP hiệu lực.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Cty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang): Thị trường rộng mở

16-01-08_03-ong-nguyen-vn-kich-gd-cty-cp-thuc-phm-cftex-hu-ging-nh-hd

Việt Nam tham gia TPP sẽ gặp thuận lợi hơn, mở ra cơ hội lớn, có chiều sâu hơn WTO trong hợp tác không chỉ đơn thuần chuyện mua bán giữa các nước tham gia ký kết hiệp định.

Mặc dù, vẫn còn hàng rao kỹ thuật nhưng thông qua hợp tác kinh tế các nước trong TPP khả năng hợp tác giải quyết công việc sẽ cao hơn nên không thể xem là trở ngại. TPP không làm cho hàng Việt Nam chết đi mà là mở ra cơ hội, mình phải tự thân phấn đấu sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng theo điều kiện buôn bán với các nước. Do đó tất cả các nước đồng thuận tham gia TPP đều ca tụng vấn đề này.

Sắp tới, tôm, cá và các mặt hàng thủy hải sản khác sẽ có cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường mới ở một số nước chẳng hạn như Mexico, Chi-lê, Pê-ru… Cùng với TPP, trước đó Việt Nam đã có thỏa thuận FTA với các nước EU, Hàn Quốc. Vì vậy khi hàng thủy - hải sản Việt Nam đã có thị trường rộng mở với các nước đã ký kết hiệp định thì khi giao dịch thương mại với các nước ngoại khối họ cũng không chèn ép hàng Việt Nam nữa.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Lasuco hợp tác trồng mía giảm phát thải

Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) hợp tác với một số doanh nghiệp triển khai dự án giảm phát thải carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn.