| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp tuân thủ quy định gỗ có nguồn gốc hợp pháp

Thứ Ba 15/11/2022 , 14:44 (GMT+7)

Bình Dương Các doanh nghiệp gỗ chủ động tuân thủ các yêu cầu của Việt Nam và quốc tế trong đảm bảo gỗ hợp pháp và bền vững trong chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường.

Công nhân Công ty cổ phần gỗ Minh Dương đang tất bật hoàn thành đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công nhân Công ty cổ phần gỗ Minh Dương đang tất bật hoàn thành đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đánh mã số lô gỗ trước khi nhập kho

Ông Diệp Bảo Trị, Giám đốc tài chính của Công ty cổ phần gỗ Minh Dương (Thuận An, Bình Dương) cho biết, công suất của nhà máy hàng năm đạt 2.500 container 40ft, xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ và châu Á. Trong đó, hàng năm, nhà máy phải sử dụng khoảng 25.000-30.000 m3 khối gỗ, (30% là gỗ có nguồn gốc trong nước và 70% là gỗ nhập khẩu, chủ yếu nhập từ Mỹ).

Theo ông Trị, đối với gỗ trong nước, trước khi thu mua, bộ phân chuyên môn đều phải đánh giá nhà cung cấp như có chức năng mua bán gỗ không, khai thác gỗ từ cánh rừng nào, cánh rừng đó đã được cấp giấy khai thác chưa, trong quá trình khai thác có được sự xác nhận của kiểm lâm địa phương hay không…“Sau khi kiểm nghiệm hết tất cả thì mới tiến hành mua bán. Khi mang một lô gỗ gọi là hợp pháp về nhập kho sẽ cho đánh dấu mã số lô”, ông Trị phân tích.

Ông Trị cho biết, xuất phát từ thực tế để quản lý, ngay từ đầu, công ty đã thực hiện đánh mã số lô trước khi nhập kho (gồm thông tin gỗ gì, mua của ai, ngày mua…). Từ đó, giúp truy xuất ngược trở lại rất dễ dàng, mọi khiếu nại liên quan đến nguồn gốc cũng giải quyết nhanh. Chính việc đó, giúp công ty thực hiện minh bạch gỗ hợp pháp và giá trị bền vững.

Để xuất khẩu hàng hoá sang châu Âu, ông Trị cho biết, bắt buộc doanh nghiệp phải có chứng nhận FSC (chứng nhận gỗ có nguồn gốc – PV), và cung cấp hồ sơ tổng quan ngắn gọn về doanh nghiệp cho khách hàng, cũng như trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong việc gỗ hợp pháp và bền vững.

Công ty đã tham gia vào quá trình đánh giá phân loại doanh nghiệp, một trong những nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT, và được xếp vào nhóm 1 - tuân thủ tốt (loại 1) theo hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS).

Khi được xếp loại 1, trong tương lai, dự kiến vào cuối năm 2023, khi nhận được cấp phép FLEGT, hàng hóa của doanh nghiệp này sẽ được thông quan ngay khi đến cửa khẩu và nhà xuất khẩu không phải thực hiện thêm trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp nào.

Trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương thì mặt hàng đồ gỗ tiếp tục dẫn đầu và được đánh giá ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất, với kim ngạch bình quân trên 500 triệu USD/tháng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương thì mặt hàng đồ gỗ tiếp tục dẫn đầu và được đánh giá ngành hàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu nhanh nhất, với kim ngạch bình quân trên 500 triệu USD/tháng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giữ vững vai trò số 1 xuất khẩu đồ gỗ

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD tăng 17,6%; trong đó Bình Dương là địa phương dẫn đầu với giá trị đạt 6,12 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 6/2022, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của tỉnh ước đạt 3,3 tỷ USD. Đây là một con số ấn tượng, phần nào thể hiện vai trò của Bình Dương - địa phương có giá trị xuất khẩu số 1 của cả nước, đóng góp lớn trong phát triển ngành gỗ Việt Nam.

Ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu cán mốc 18 tỷ USD năm 2022, trong đó “thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương phấn đấu chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với hơn 1.215 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ chủ lực hoạt động trên địa bàn tỉnh. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) Nguyễn Liêm, nhờ các hiệp định thương mại tự do ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Dương đã thuận lợi đưa hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. Các FTA cũng có nhiều thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh khi mức thuế giảm dần về bằng 0. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam. Trong khi với thị trường Mỹ vốn xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Theo ông Liêm, năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam từ 17,5 - 18 tỷ đô la Mỹ hoàn toàn có thể đạt được. Trong đó, 5 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực như ghế ngồi sẽ đạt 4,1 tỷ đô la Mỹ, đồ gỗ, đồ nội thất sẽ đạt khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, dăm gỗ đạt khoảng 2,1 tỷ đô la Mỹ, viên nén đạt khoảng 0,6 tỷ đô la Mỹ và gỗ dán đạt khoảng 1,3 tỷ đô la Mỹ.

Đặc biệt các nhóm sản phẩm đang có sức hút lớn là dăm và viên nén, vật liệu công nghiệp (đồ gỗ nội thất - ngoại thất) có sự dịch chuyển sản xuất rất mạnh từ các nước về Việt Nam. Nhóm hàng vật liệu công nghiệp tập trung sản xuất cho thị trường Mỹ, trong khi thị trường Nhật có nhu cầu lớn về dăm gỗ và viên nén.

Ông Nguyễn Liêm cho rằng, các doanh nghiệp gỗ Bình Dương có thể làm tốt vai trò “nòng cốt” của mình trong việc giữ vững năng lực xuất khẩu.

Tuy vậy, ngành gỗ đang đứng trước những khó khăn, đặc biệt là khó khăn về thị trường tiêu thụ, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều giảm quy mô tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định hiệp định thương mại tự do nói chung và hiệp định đối tác tự nguyện thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản nói riêng, doanh nghiệp còn gặp không ít nhiều khó khăn. Đòi hỏi mỗi doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng, đều phải chủ động nắm bắt thị trường, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp. Đồng thời, tuân thủ các yêu cầu của Việt Nam và quốc tế trong đảm bảo gỗ hợp pháp và bền vững trong chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình phát triển của tỉnh, ngành sản xuất, chế biến gỗ đã tham gia đóng góp rất lớn vào tỷ lệ GRDP của tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp hội, Hiệp định thương mại tự do (FTA) các sản phẩm chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được xuất khẩu nhiều trên thị trường, có lợi thế cạnh cạnh tranh cao. Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, đã tạo cơ hội quan trọng để từng khu vực, từng địa phương có thể tận dụng, phát huy các chuỗi giá trị, chuỗi hội nhập sản phẩm toàn cầu lâu dài, chuyên môn hóa càng sâu trong phạm vi rộng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất