Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiều mục tiêu và lộ trình cụ thể hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất và xuất khẩu sản phẩm xanh; hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm xanh tại thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, xuất khẩu xanh không chỉ là lựa chọn cho tương lai mà còn là hướng đi bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển xanh, tăng trưởng xanh và xuất khẩu xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh các nước ngày càng coi trọng yếu tố bền vững và trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu xanh là một quá trình chứ không thể một sớm một chiều bởi còn không ít rào cản và thách thức.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ về lợi ích của xuất khẩu xanh để áp dụng vào hoạt động sản xuất. Chuyển đổi cho công nghệ và thiết bị mới đòi hỏi chi phí cao, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững để hỗ trợ cho các ngành sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm xanh một cách hiệu quả.
Nhiều công nghệ xanh hiện đại vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, làm hạn chế khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự khác biệt về tiêu chuẩn môi trường, quy định ở mỗi thị trường xuất khẩu cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Chiến lược F2F của Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mặc dù đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khuyến nghị, doanh nghiệp cần có những định hướng rõ ràng và sự chủ động để kịp thời nương theo làn sóng chuyển đổi đang rất mạnh mẽ này; linh hoạt thích ứng được các tiêu chuẩn cao của chiến lược F2F.
"Doanh nghiệp nông sản cần chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, hướng tới môi trường và hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và tái sử dụng các tài nguyên trong quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường", bà Thu Trang cho biết.
Để hỗ trợ cho quá trình đó, đầu tư vào công nghệ nông nghiệp thông minh là một yếu tố then chốt. Công nghệ tưới tiêu thông minh, hệ thống quản lý dữ liệu số hóa, và các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao năng suất. Đồng thời, sử dụng công nghệ hiện đại giúp tăng cường khả năng theo dõi và minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đó đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc của Chiến lược F2F.
Doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng như năng lượng mặt trời, gió... nhằm giảm khí thải carbon và đáp ứng được tiêu chí bền vững mà chiến lược F2F đề ra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ các quy định để cải thiện các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của mình theo hướng tuân thủ đúng những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của thị trường EU. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc đạt được các chứng nhận hữu cơ, Global G.A.P hoặc các chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế khác được EU công nhận.
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhấn mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thực phẩm cần tích cực tham gia các hiệp hội ngành hàng liên quan để nâng cao hình ảnh và cập nhật được những thông tin quan trọng trong ngành. Việc tham gia vào các hiệp hội này không chỉ giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các quy định, tiêu chuẩn mới nhất mà chiến lược F2F đưa ra mà còn mở rộng cơ hội kết nối với các đối tác và khách hàng tiềm năng tại thị trường châu Âu thông qua những hội thảo, hội chợ và các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại do hiệp hội tổ chức.