| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai quyết liệt di dời các cơ sở chăn nuôi

Thứ Bảy 10/08/2024 , 16:50 (GMT+7)

Đồng Nai đang đẩy mạnh việc di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, với hơn một nửa cơ sở đã thực hiện di dời.

Một cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Một cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến cuối tháng 7/2024, trên toàn tỉnh Đồng Nai, có 1.549 cơ sở chăn nuôi đã di dời đạt tỉ lệ 51,53%. Như vậy, còn tới gần 50% cơ sở sẽ phải tiến hành di dời trong những tháng còn lại của năm nay để đáp ứng được mốc thời gian mà UBND tỉnh giao là trước ngày 1/1/2025.

Khối lượng công việc còn lại rất lớn, trong khi chỉ còn gần 5 tháng để thực hiện, vì vậy, từ nay đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ phải làm việc cật lực cho công việc di dời các trang trại ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Theo đó, trong thời gian còn lại của năm 2024, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ cùng với các địa phương triển khai thực hiện tốt hơn các giải pháp đã đề ra.

Chẳng hạn, đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ hơn đến các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ về chủ trương cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Trong quá trình đó, ngành nông nghiệp cùng các địa phương vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra, vừa tạo điều kiện để các cơ sở có đầy đủ thông tin, hiểu rõ những chính sách hỗ trợ đã có trong các quyết định liên quan cũng như trong Nghị quyết 03 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhằm giúp cho các chính sách đó đến được với bà con nông dân.

Đồng thời, ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng sẽ tìm cách giải quyết lao động dôi dư trong quá trình di dời các cơ sở chăn nuôi thông qua những giải pháp như đào tạo nghề, định hướng để người lao động chuyển đổi sang những công việc, nghề nghiệp mới ngay tại địa bàn mà cơ sở chăn nuôi vừa phải dời đi.

Ở góc độ của người chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ, Hiệp hội đồng tình với chủ trương của tỉnh về việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, cũng như các giải pháp thực hiện như đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo những điều kiện tốt nhất cho các cơ sở trong diện di dời.

Một cơ sở chăn nuôi đã ngừng hoạt động. Ảnh: Minh Sáng.

Một cơ sở chăn nuôi đã ngừng hoạt động. Ảnh: Minh Sáng.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã tiến hành khảo sát và xác nhận hơn 50% cơ sở chăn nuôi đã di dời hoặc ngừng hoạt động đều là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm trong các khu dân cư và không có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Vì vậy, việc những cơ sở này phải di dời hoặc ngưng hoạt động ngay là hoàn toàn hợp lý.

Còn với những cơ sở đến nay vẫn chưa thể di dời, phần lớn trong số đó đã được xây dựng từ lâu tại những nơi chưa có dân cư hoặc xa khu dân cư. Trong tình hình hiện nay, để di dời một trang trại rất khó. Người chăn nuôi không biết phải di dời đi đâu khi Đồng Nai không còn đất. Di dời đến các tỉnh khác cũng không khả thi, vì các tỉnh rồi cũng sẽ áp dụng chủ trương tương tự như ở Đồng Nai.

Chính vì vậy, ông Công cho rằng, những trang trại nào đang hoạt động chăn nuôi mà không nằm trong vùng quy hoạch, không nằm trong vùng dân cư, không xả thải ra môi trường, đặc biệt là sông, suối, và đất ở nơi ấy chưa sử dụng ngay cho các quy hoạch, thì chính quyền nên xem xét, cho phép cơ sở được tiếp tục tồn tại trong một thời hạn nào đó với điều kiện cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng về nhiều mặt.

Xem thêm
Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây Hoàng kim VN77

ĐẮK LẮK Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo giới thiệu giống chanh dây Hoàng kim VN77 và xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất