Thị trường giá tôm nguyên liệu đang tốt
Trong hơn 3 tháng qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã làm chi phí Logistics, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Các doanh nghiệp ở ĐBSCL càng gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm vận chuyển ra vào khu vực sản xuất của các nhà máy.
Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Cty CP thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), cho rằng: Chi phí vận chuyển trong nước tăng ít, nhưng vận chuyển tàu biển tăng từ 5 đến 10 lần so với trước khi bùng phát dịch Covid-19 cho các tuyến đi Châu Âu và Bắc Mỹ. Bình quân, mỗi container 40 feet mất hơn 200 triệu đồng, chưa kể chậm trễ và các chi phí phát sinh khác. Hiện nay, doanh nghiệp rất khó khăn về lao động do dịch. Chi phí phòng chống dịch tăng lên nhiều lần nhưng lượng công nhân ngày càng giảm.
Nhận định về tình hình phục hồi sản xuất, ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nói: Hiện nay mọi chi phí đều tăng, toàn cầu đang đi vào lạm phát. Do hậu quả đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và hiện thời đã cuối mùa tôm. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tái phát, lo lắng nhất là rủi ro lây lan dịch bệnh. Mỗi khi có ổ dịch quét qua xã nào là doanh nghiệp sẽ bị giảm số lao động ở địa phương nơi đó vì hạn chế đi lại hoặc phải cách ly. Từ đó dẫn đến lao động trong các doanh nghiệp giảm dần.
Theo ông Lực, doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động tại các nhà máy phải thực hiện đảm bảo an toàn để sản xuất. Phòng dịch nâng lên yếu tố hàng đầu, xuyên suốt cho người lao động trước khi vào ca sản xuất. Doanh nghiệp phải phòng thủ nghiêm ngặt, tăng tần suất kiểm tra từ 15 ngày đến 7 ngày/đợt rút ngắn còn 3 ngày. Đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, ngăn chặn kịp thời không để lây lan. Đó là yếu tố sống còn của doanh nghiệp để duy trì, phục hồi sản xuất cho giai đoạn cuối năm.
Ông Lực cho biết thêm, tình hình thị trường giá tôm nguyên liệu đang tốt. Các doanh nghiệp ngành thủy sản vừa có cuộc họp và khuyến cáo người nuôi tôm ở ĐBSCL an tâm thả con giống tạo nguồn nguyên liệu bắt nhịp sang năm mới cung ứng về nhà máy chế biến.
Thị trường lúa gạo thế giới vẫn là điểm sáng
Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo cho biết, từ nay đến cuối năm và sang năm 2022 thị trường lúa gạo vẫn tốt nhưng hiện vẫn còn trở ngại.
Tại cụm công nghiệp các nhà máy xay xát, xuất khẩu gạo ven sông Hậu (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), hoạt động thu mua chế biến gạo vẫn giữ nhịp độ khá tốt. Trong khi khó khăn vận chuyển gạo theo xe container từ nội vùng ra tới bến cảng được khơi thông nhưng cước phí các hãng tàu còn cao. Một số các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đây đến thời điểm buộc phải giao hàng vào thời điểm này phải chịu lỗ. Doanh nghiệp cần xuất hàng nhưng giá cước phí phụ thuộc vào các hãng tàu biển.
Tuy nhiên, dự báo thị trường lúa gạo thế giới vẫn là điểm sáng. Hơn nữa lợi thế xuất khẩu gạo Việt Nam trong mấy năm gần đây có sự chuyển biến tích cực là do chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao, gạo thơm ngon chiếm tới 60-70%. Thị trường gạo 5% tấm các giống OM5451, Đài Thơm 8…có sức cạnh tranh tốt bán được giá cao. Năm 2020, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt mức 500 USD/tấn, gạo thơm ST24 bán được giá 1.100 USD/tấn.
Làm thế nào tháo gỡ điểm nghẽn cuối năm cho doanh nghiệp?
Từ cuối tháng 7 đến nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, riêng vùng ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội đã khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Điểm qua một số chỉ số kinh tế xã hội để hình dung cho một bức tranh chung của vùng.
Theo Tổng cục thống kê vừa công bố, thu nhập người lao động khu vực ĐBSCL trong quý III năm 2021 giảm bình quân 12% so cùng kỳ. Đông Nam Bộ và ĐBSCL là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong quý này, cao hơn rất nhiều so với mức chung của cả nước. Hơn 6% người lao động trong độ tuổi ở 2 vùng này đang tích cực tìm kiếm việc làm nhưng vẫn không tìm được việc.
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương bị giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Bến Tre giảm 11,2%, Đồng Tháp giảm 9,9%, TP Cần Thơ giảm 9,8%, Trà Vinh giảm 7,3%, Vĩnh Long giảm 4,5% trên các ngành chế biến thực phẩm, chế tạo, dệt may, da giày, hoá chất, điện khí đốt…
Theo đánh giá VCCI Cần Thơ, khả năng phục hồi không thể như kết quả của năm trước. Doanh nghiệp áp dụng chính sách phục hồi cẩn trọng. Vừa qua VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ đã tiến hành các hoạt động khảo sát đề xuất của doanh nghiệp. Nhìn chung doanh nghiệp khu vực ĐBSCL rất cẩn trọng phục hồi dần năng lực sản xuất từng bước trong bối cảnh nguồn nhân lực chưa thể đáp ứng hết các điều kiện phòng chống dịch.
Liên quan hỗ trợ tài chính, trong đợt khảo sát có đề cập đến kiến nghị hoãn, giãn các khoản đóng bảo hiểm xã hội. Đây là khoản tài chính khá lớn có thể doanh nghiệp quan tâm để dành cho nguồn lực trong thời gian đầu trở lại hoạt động. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp chỉ tuân thủ đúng các chính sách đang có liên quan như bảo hiểm thất nghiệp, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Các khoản giãn nợ lớn liên quan bảo hiểm xã hội hầu như doanh nghiệp chưa chủ động mạnh dạn kiến nghị.