Tính ra, mỗi tháng có 12 phiên chợ.
Khác hẳn với các chợ truyền thống ở nông thôn, ngày phiên thường là ngày âm lịch, như chợ Gồ (Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), chợ Hệ (Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình) ngày phiên là những ngày 2, ngày 7 âm lịch, hay chợ Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), ngày phiên là các ngày 1;4;6;9 âm lịch... chợ Re thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, lại họp vào các ngày thứ 2, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần.
Dãy hàng thuốc lào ở chợ Re |
Dễ đến mấy chục năm mới gặp lại người bạn thời cùng làm công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, anh nhất định mời tôi lên Ân Nghĩa quê anh chơi mấy ngày, và thế là tôi được dự một phiên của cái chợ đặc biệt này. Ân Nghĩa là xã có đến 90% dân số là người dân tộc Mường.
Gọi là đặc biệt, vì ngoài những hàng hóa như bách hóa, nông cụ, nông sản... Có ở bất kỳ một chợ phiên nông thôn nào khác, thì mặt hàng nhiều nhất ở chợ Re là thuốc lào. Chợ có hẳn một dẫy hàng thuốc lào đến trên hai chục quầy. Quầy nào cũng ngồn ngộn thuốc trên mẹt hay trên tấm ni lông trải dưới nền chợ, và thêm hai, ba cái điếu cày.
Những chợ nông thôn khác mà tôi qua, chợ nào nhiều nhất cũng chỉ có 3 quầy. Hỏi ra mới rõ, đất Ân Nghĩa không trồng được thuốc lào. Thuốc ở chợ Re có được từ 3 nguồn : Hải Phòng, Thanh Hóa và Vĩnh Phúc. Thuốc Thanh Hóa màu đen, sợi chỉ nhỉnh hơn sợi tóc một chút, nhiều nhựa, vê điếu thuốc, các sợi thuốc chảy nhựa dính vào nhau. Thuốc Hải Phòng màu vàng rơm, sợi to như sợi miến tàu, vê điếu thuốc vào, khi buông tay, điếu thuốc nở ra chừng một phần ba. Thuốc Vĩnh Phúc màu râu ngô...Những người ưa loại thuốc nặng thì tìm đến hàng thuốc Thanh Hóa. Vừa vừa là Hải Phòng còn nhẹ nhất là thuốc Vĩnh Phúc.
Loại thuốc lào có nguồn gốc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) bán chạy nhất. Đây là một địa phương nổi tiếng về trồng thứ cây “ra khói” này, đồn rằng thời phong kiến, thuốc lào Tiên Lãng đã được dùng để tiến vua. Hỏi chuyện chị Bùi Thị Mơ, chủ một sạp thuốc trong chợ, rằng mỗi phiên bán được mấy cân, chị bảo:
-Cũng rất thất thường, bác ạ. Phiên thì hai cân, phiên ba cân, có phiên may mắn thì được tới năm cân. Ngoài ra hàng ngày, ngày nào cũng có người đến nhà hỏi mua, mỗi ngày cũng bán được dăm ba lạng nữa...
Như vậy, nếu cộng cả số thuốc bán lẻ trong ngày vào nữa, bình quân mỗi phiên bán được 3 cân, thì mỗi tháng 12 phiên, bán được 36 kg thuốc, mỗi năm một quầy bán được 432 kg thuốc, hơn hai mươi quầy ở chợ bán được trên dưới 9 tấn thuốc. Số thuốc này nếu dồn vào, thì còn to hơn cả một đống rơm.
Xúm quanh các hàng thuốc lào đông nhất là phụ nữ. Từ các chị ba, bốn mươi đến các mế (tiếng Mường : mẹ) bẩy, tám mươi. Họ hút thuốc, nhả khói vô cùng điệu nghệ. Cứ sau mỗi điếu thuốc lào, gương mặt người hút lại dãn ra còn mắt thì lơ mơ, tỏ ra vô cùng sảng khoái.
Người nọ hút xong lại chuyền điếu cho người kia. Xen giữa các điếu thuốc là đủ các thứ chuyện, từ chuyện đồng áng đến chuyện chồng con, chuyện làng xóm.
Họ ngồi rất lâu, hút mỗi người đến hai, ba điếu thuốc, nhưng chủ hàng không những không có bất cứ lời phàn nàn nào, mà còn góp cho câu chuyện thêm rôm rả. Điếu của các hàng thuốc toàn là điếu ục, một loại điếu làm bằng một dóng của cây nứa ngộ (còn gọi là nứa đại, là loại nứa rất to). Mỗi khi hút, người hút phải vục trọn cái miệng vào ống điếu mới vừa. Và đã hút là phải hút hai hơi.
Rất nhiều phụ nữa ở Ân Nghĩa biết hút thuốc lào |
Do ống điếu rất to, nên hút hơi đầu, khói mới lên đến lưng ống. Ngừng một chút, hút tiếp hơi thứ hai, lúc đó khói mới lên đến miệng, vào phổi. Ở nhà anh bạn, buổi sáng, tôi đã thấy vợ anh sai thằng cu út, mới mười lăm tuổi :
- Ra bếp hút cho mẹ điếu thuốc .
- Vâng ạ.
Nói xong, thằng bé lụi cụi ra cái bếp ở giữa sàn nhà, lấy điếu nạp thuốc, chấm lửa rít một hơi, cái điếu kêu ục...ục...ục...như nồi cơm sôi gần cạn nước. Nhưng lúc rời cái điếu, miệng nó không hề có sợi khói nào. Nó lấy tay bịt chặt miệng điếu, mang lại cho mẹ. Mẹ nó đón lấy, rít một hơi rồi khoan khoái thở khói. Hỏi chị :
- Phụ nữ xã này nhiều người hút thuốc lào không chị ?
- Bọn con gái bây giờ thì ít. Nhưng phụ nữ ba bốn mươi trở lên, thì đến hai phần ba là biết hút.
- Còn các xã xung quanh thì sao ?
- Chuyện đó thì em không biết, chỉ biết xã này thôi.
Ở chợ, tôi hỏi chuyện mế Đinh Thị Hiên, bẩy mươi tám tuổi :
- Mế biết hút thuốc lâu chưa.
- Biết hút từ lúc lên mười, đến nay là gần bẩy mươi năm rồi.
- Ai dạy mế hút ?
- Chẳng ai dạy cả. Thấy mế mình hút thì mình cũng tập thôi. Rồi quen.
- Mỗi ngày, mế hút mấy điếu ?
- Chẳng đếm bao giờ. Lúc nào nhạt mồm thì hút thôi.
- Giờ bỏ có được không ?
- Không được. Nhớ lắm. Nhất là lúc sáng dậy, từ trên giường xuống mà không có nó, người cứ bải hoải, mồm miệng nhạt nhẽo. Phải hút ngay một điếu rồi làm gì mới làm được.
Hút thuốc lào là mang độc tố vào người. Điều đó ai cũng biết. Nhưng có một điều lạ, là nếu như trên truyền hình không ngày nào không có chương trình tuyên truyền chống tác hại của thuốc lá, thì lại không bao giờ nhắc đến tác hại của thuốc lào. Phải chăng đó là sự khiếm khuyết?