Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng, đức thánh Cao Sơn Quý Minh, thờ Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn.
Trong lễ hội các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh. Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc. Qua lễ hội sẽ diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng, để những hồn ma đó không dám quay trở lại gây tai họa, dịch bệnh cho người dân trong làng.
Điểm đặc sắc của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, “con đàn cháu đống”, “đông cửa đông nhà”.
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Ở lễ hội Ná Nhèm có mấy cái đặc biệt, khi đánh trận thì họ hoá trang, cho nên bôi mặt tiếng Tày là Ná Nhèm, Nả Nhèm, hoá trang này chính là để phòng thủ. Lễ hội Ná Nhèm thể hiện ở cái thế giới có âm dương, vũ trụ có âm dương, cái sinh ra là vốn quý nhất, là cái con người, tính nhân văn tạo ra hình tượng âm dương, nhật nguyệt, khí cụ ấy tạo ra cái đường sinh, tiếng Tày Bắc Sơn là tàng thinh, cái nơi vô cùng quý, sản xuất ra chính con người, con người xây dựng quê hương, bản quán, chính con người quy tụ, đoàn kết, khát vọng đấu tranh và thần tượng hoá thành lễ hội Ná Nhèm”.
Lễ hội Ná Nhèm năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng (tức ngày 4/2 và 5/2 Dương lịch). Niềm vui đã trở lại với những người dân xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn bởi sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, năm nay lễ hội Ná Nhèm được tổ chức quy mô với cả phần lễ và phần hội. Ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra "Lễ nhập đồ cung tiến lễ vật” tại sân Đình Làng Mỏ. Ngày 15 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi lễ rước nước Tiên, rước nước và cúng lễ tại mỏ nước Bó Vằn và Đình Làng Mỏ.
Tiếp theo sẽ là nghi lễ rước Long Ngai - Bài Vị của Đức Vua từ Đình Làng Mỏ ra Miếu Xa Vùn làm lễ. Cùng với đó là trình diễn Tục Hèm đánh trận và cung tiến lễ vật, chương trình văn nghệ. Buổi chiều là tổ chức các trò chơi dân gian.
Anh Bế Văn Thẩm, thôn Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn phấn khởi cho biết: “Sau mấy năm tạm dừng vì dịch bệnh, năm nay hội được tổ chức lại. Chúng tôi rất phấn khởi, sau tết Nguyên đán, tôi cùng anh em trong đội gươm mác đã tổ chức tập luyện để sẵn sàng phục vụ lễ hội. Mong muốn huyện, xã lúc nào cũng tổ chức cho lễ hội ngày một phát triển hơn”.
Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng nhưng mọi công việc để tổ chức đã được xã tiến hành từ 2 tháng trước. Đến nay công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản hoàn tất từ việc thành lập ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, lễ vật…. Trong đó xã đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Ông Phạm Bá Phương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Năm nay, chúng tôi đang cố gắng khuyến khích đồng bào trong các thôn vùng sâu vùng xa thực hiện mang trang phục đồng bào mình ra, diễn các tiết mục văn hoá văn nghệ bằng tiếng mẹ đẻ. Qua đó bảo tồn văn hóa của dân tộc đồng thời tạo ra những nét văn hóa độc đáo để thu hút khách du lịch đến địa phương”.
Lễ hội Ná Nhèm gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Cùng với các hoạt động tín ngưỡng, trong lễ hội còn có rất nhiều trò diễn đặc sắc như đánh trận tập và tiến cống lễ vật, trò Sỹ - Nông - Công Thương, Ngư – Tiều – Canh – Mục (kén dâu, kén rể) cùng nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, đánh cờ…. nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa của cộng đồng, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách thập phương.
Chị Nông Thị Thương Huyền, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Sau tết tôi cũng thường hay tham gia các lễ hội nhưng chưa được đến hội Ná Nhèm ở Bắc Sơn bao giờ. Tôi nghe nói, năm nay sẽ tổ chức cả phần lễ và phần hội, tôi cùng với bạn bè cũng đã lên kế hoạch để đi chơi hội. Vừa tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời cũng mong muốn được tìm hiểu và thưởng thức những cảnh đẹp của vùng đất Bắc Sơn. ”
Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng, thể hiện một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa người Tày và người Kinh. Sau nhiều năm được phục dựng và duy trì tổ chức, lễ hội Ná Nhèm ngày càng khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Lễ hội không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam mà còn thấm đượm tinh thần dân chủ và mang tính nhân văn sâu sắc.
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức trong một ngày 15 tháng giêng âm lịch (trước đây, các cụ tổ chức 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu). Từ khi phục dựng vào năm 2012 đến nay lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần. Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.