| Hotline: 0983.970.780

Đọc ‘Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa Tháp’

Thứ Ba 12/01/2021 , 15:38 (GMT+7)

Trời mùa đông lất phất mưa bay, tôi ngồi nhâm nhi tách cafe trước hiên đọc bộ hồi ký của tác giả Trần Ngọc Phú mới đoạt giải thưởng văn học sông Mekong năm 2020…

3 tập hồi ký mang tên “Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa Tháp” do Nhà Xuất Bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành vào các năm 2016 - 2017 - 2018 được viết bởi một người lính trong cuộc - tác giả Trần Ngọc Phú.

“Bây giờ khi viết những dòng hồi ức này, tôi không cầm nổi nước mắt rơi xuống bàn phím, kính đã nhòe. Vô cùng thương nhớ đồng đội thật hiền lành đã  cùng ở với nhau mấy năm đầu quân ngũ…” (trang29 - tập 1) và “Mạng sống của con người là vô giá nhưng trước họa diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Yêng Xa Ry - Khiêu Xăm Pon gây ra, đồng đội tôi đã ngoan cường chiến đấu, hy sinh quên mình. Chúng tôi sẽ trở về quê mẹ, máu của các anh ở lại và đã thấm sâu vào lòng đất nước này. Dòng máu ấy như nguồn mạch chảy mãi không ngừng và xây đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia bất diệt…” (trang 316-tập 1) - những trích đoạn ấn tượng từ bộ hồi ký.

Tác phẩm được Trần Ngọc Phú khởi viết từ năm 2007 phản ánh những diễn biến lịch sử trên đất nước Campuchia và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của nhân dân và quân đội ta ở giai đoạn từ tháng 7/1977 đến tháng 1/1979. Đó là những trận tàn sát đẫm máu nhân dân Campuchia bằng các loại vũ khí thô sơ thời trung cổ bằng búa, rìu và cả cuốc, xẻng… của chính quyền Khơ Me Đỏ đã giết hại hàng triệu người.

Sau năm 1975, Khơ Me Đỏ đã cho quân đánh chiếm và giết hại những người dân Việt Nam ở các đảo Thổ Chu, Cô Tang và lấn sang biên giới Tây Nam Việt Nam, tàn sát nhân dân ta ở khu vực biên giới như Xà Mát, Thiện Ngôn (tỉnh Tây Ninh), Ba Chúc (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang).

Cuộc chiến đối với nhiều người Việt Nam dù giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng ít nhiều vẫn bị bất ngờ. Bởi khó có thể tin được, một Việt Nam bé nhỏ, vừa trải qua 30 năm chiến tranh khốc liệt, mới giành được hòa bình lại bị ngay một nước nhỏ hơn, yếu hơn là chính quyền phản động Khơ Me Đỏ gây chiến, tấn công. Cuộc chiến bảo vệ biên giới rồi cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Việt Nam được người dân Campuchia coi như là thánh sống, tái sinh ra họ lần thứ hai, họ gọi bộ đội Việt Nam là bộ đội của Phật.

Ba cuốn hồi ký. Ảnh: Song Đặng.

Ba cuốn hồi ký. Ảnh: Song Đặng.

Tập 1 và 2 của bộ hồi ký viết về  giai đoạn bảo vệ biên giới dọc từ Tây Ninh đến Hà Tiên, Kiên Giang của quân đội và nhân dân ta. Tập 3 là diễn biến từ đầu tháng 1/1979, Quân đội Nhân dân Việt Nam đáp lời kêu gọi cứu giúp của mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia, tiến công tiêu diệt tập đoàn Khơ Me Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979.

Cả ba tập hồi ký  tác giả đã tường thuật những trận đánh, to, nhỏ, thắng lợi và đôi khi cả những trận “thua mà thắng” chưa được làm sáng tỏ. Khi đối mặt với kẻ thù, trước cái chết cận kề - viên đạn vô tình hay hữu ý có thể hạ sát mình bất cứ lúc nào nhưng những người lính trẻ tuổi chưa tròn đôi mươi vẫn hồn nhiên yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng chính nghĩa, vào tương lai tốt đẹp của đất nước.

Tuổi thanh niên ai mà chẳng có mơ ước, ai mà chẳng có tình yêu nam nữ, nhất là với những người lính trẻ xa nhà, xa người thân? Tình yêu lứa đôi của người lính chiến trường thoáng qua mà sâu nặng. Trong sáng mà thánh thiện. Từ người con gái Tây Ninh tên Cúc bán hàng nước đến cô nữ sinh tên Thanh ở TP Hồ Chí Minh đều là những thanh nữ trẻ đẹp, đáng yêu.

Trong chiến tranh tổn thất đôi bên tham chiến là chuyện tất yếu. Tác giả đã viết rất trung thực những thắng lợi và cả những sự hy sinh tổn thất của đơn vị mình qua từng trận đánh. Có trận chiến ta tổn thất thật lớn, đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, sư đoàn 341 bị thương và hy sinh chỉ còn hai người gồm một anh nuôi, một quản lý đại đội. Hay đại đội 2 tiểu đoàn 7 trung đoàn 64 sư đoàn 320 sau một trận đánh chỉ còn 3 người.

Tác giả Trần Ngọc Phú được xướng tên tại buổi lễ ở Campuchia. Ảnh: Tư liệu.

Tác giả Trần Ngọc Phú được xướng tên tại buổi lễ ở Campuchia. Ảnh: Tư liệu.

Do tính đặc thù của cuộc chiến tranh nên mức độ tuyên truyền của ta cũng nằm trong giới hạn, không nhiều người dân trong nước biết rõ ràng. Có cảm giác người lính Việt Nam phải gồng mình lên nhận điều thua thiệt này. Qua từng trang sách của tác giả ta nhận thấy ở đó các vấn đề lớn như: Nghệ thuật chiến tranh, chiến lược và chiến thuật; Nghệ thuật nghi binh, thời cơ và chớp lấy thời cơ.  

Về chiến lược, sau khi đã xác định được chính quyền Pôn Pốt không phải là bạn mà là kẻ thù của nhân dân Campuchia và của Việt Nam thì phương thức tác chiến không chỉ phòng thủ mà có cả tấn công. Rồi khi thời cơ tới, để bảo vệ biên giới, ta chủ động tấn công địch trên đất Campuchia. Điều này cực kỳ quan trọng, có tính quyết định cho thắng lợi to lớn sau này, tiêu biểu là trận nghi binh dử địch vào khu rừng Hòa Hội, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam đã làm Pôn Pốt trúng kế: “3 sư đoàn bộ binh của địch bị tiêu diệt hơn 1.000 tên, bắt sống hơn 100 tên, thu hàng trăm vũ khí các loại” (trang 25, tập 2).

Sau trận đánh này quân Pôn Pốt rệu rã, hoang mang, hao hụt lực lượng, báo hiệu cho sự thất bại của Khơ Me Đỏ trên toàn tuyến biên giới dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Pôn Pốt khi ta tổng tấn công giải phóng Phnom Penh và hoàn thành thắng lợi chỉ trong một chiến dịch 7 ngày đêm.

Không chỉ có nói tới chiến tranh biên giới Tây Nam mà tác giả còn đề cập tới những vấn đề thực trạng nền kinh tế Việt Nam, nhất là sự biến động bất ngờ tình hình kinh tế miền Nam sau giải phóng. Những khó khăn về vật chất, người dân vượt biên khá nhiều trong giai đoạn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiên.

Vấn đề tâm lý, tình cảm của người lính: Hòa bình và chiến tranh nếu nhìn ở góc độ địa giới thì chỉ cách nhau một mương nước, một con đường đất nhỏ, một bên là hòa bình, bên kia là chiến tranh. Đồng nghĩa với nó, bên là hưởng thụ, bên là cái chết luôn thường trực. Rồi vấn đề công tác tư tưởng về sự có mặt của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia đối với bộ đội Việt Nam và đối với nhân dân Campuchia như thế nào? Thật không đơn giản. Đây là vấn đề lớn trong công tác tư tưởng, công tác dân vận - địch vận lúc đó.

Từng trang hồi ký cho thấy tác giả luôn bầy tỏ nỗi lòng nhớ tiếc và thương yêu những cán bộ chiến sĩ hy sinh nơi chiến trường. Một chiến trường khốc liệt. Họ đã để lại xương máu của mình trên đất nước chùa Tháp, có người đã về được đất mẹ, có người vẫn còn nằm lại trên đất bạn.

Có thể nói bộ hồi ký "Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp" là một pho lịch sử về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến của quân đội tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia những năm tháng hào hùng và đầy bi tráng.

Là sáng tác đầu tay của Trần Ngọc Phú nhưng niềm vui bất ngờ đã đến với anh khi bộ hồi ký được trao tặng giải thưởng Văn học sông Mekong vào tháng 12/2020. Điều đó chứng tỏ cộng đồng thế giới đã nhìn nhận một cách chân thực về sự hy sinh to lớn của bộ đội Việt Nam trong giai đoạn nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt - Yêng Sa Ry…

Giải thưởng Văn học sông Mekong gồm 6 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan được tổ chức mỗi năm một lần, mỗi nước đề cử một tác phẩm văn xuôi và một tác phẩm thơ. Năm nay Campuchia là nước đăng cai.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.