| Hotline: 0983.970.780

Đời sống đồng bào dân tộc Khmer huyện Cờ Đỏ đã đổi thay

Thứ Bảy 18/06/2016 , 07:30 (GMT+7)

Diện mạo nông thôn mới ở vùng quê nay đã đổi thay. Đó là kết quả từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc...

Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ không ngừng được cải thiện.

Diện mạo nông thôn mới ở vùng quê nay đã đổi thay. Đó là kết quả từ việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và sự phấn đấu vươn lên của bà con đồng bào Khmer trong lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.

Huyện Cờ Đỏ nằm ở ngoại thành của TP Cần Thơ, dân số hơn 129.000 người. Trong đó có 2.184 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 7,06% dân số trong huyện và chiếm đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với 2.043 hộ hay hơn 8.600 người.

Trong những năm qua, huyện Cờ Đỏ đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ đến với đồng bào, góp phần thay đổi nhiều nông thôn, cải thiện cuộc sống cho bà con. Trước đây, gia đình bà Thạch Thị Hóa, ở xã Đông Hiệp là một trong những hộ đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở. Đến đầu năm 2016, bà được xét cấp căn nhà Đại đoàn kết ở khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (tọa lạc tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ). Có được nơi ăn chốn ở ổn định, bà Hóa mừng vui khôn xiết.

Bà Hóa chia sẻ: “Trước đây, do không có đất ở, vợ chồng tôi cất nhà tạm bợ ở mé kinh cặp lộ. Những ngày dọn vào nhà mới, tôi cứ thao thức mãi, vì niềm mơ ước bấy lâu về căn nhà mới tinh tươm như thế này, nay đã thành hiện thực”.

Cùng chung niềm vui đó có trường hợp của ông Thạch Tâm, ở thị trấn Cờ Đỏ. Nhà có 6 nhân khẩu, ông sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. 4 người con nay đã lớn, đi làm thuê, phụ giúp vợ chồng ông trang trải các khoản chi phí sinh hoạt trong nhà.

Ông Tâm bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, không có nơi ở ổn định. Nhờ Nhà nước quan tâm cất cho căn nhà nên giờ rất phấn khởi. Sau khi được cấp căn nhà này, các con tôi phụ giúp một ít để lót nền gạch men, làm thêm nhà bếp ở phía sau. Căn nhà không chỉ là nơi để các thành viên trú mưa trú nắng, mà từ đây cũng yên tâm hơn trong lao động sản xuất”.

Trong thời gian qua, huyện Cờ Đỏ đã xây dựng hoàn thành khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đã xét, bố trí cho 87 hộ gặp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thực hiện Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL.

Đến nay, trên địa bàn cơ bản không còn nhà tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn 626/2.184 hộ, chiếm 28,66% và hộ cận nghèo còn 298/2.184 hộ, chiếm 13,64% (theo tiêu chí mới).

102810266085547992
Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng đã được cải thiện rõ rệt

 

Hàng năm, bên cạnh những chính sách hỗ trợ vốn cho đồng bào, chính quyền địa phương còn tham mưu đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như cầu, đường, trường, trạm, cấp nước... giúp đồng bào có điều kiện phát triển hơn.

Hiện huyện Cờ Đỏ đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ để đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và nhân dân trong huyện nói chung, có điều kiện phấn đấu vươn lên, nhằm nâng cao đời sống về mọi mặt. Đi liền đó, huyện chú trọng đến việc nắm số lượng hộ nghèo, phân tích nguyên nhân vì sao nghèo, đầu tư vốn và các nguồn lực phải đúng đối tượng; đầu tư tập trung và có sự lồng ghép với các chương trình, dự án khác để từng hộ có đủ điều kiện thoát nghèo một cách bền vững. Đồng thời, nhiều chương trình mục tiêu khác cũng được triển khai thực hiện tốt như hỗ trợ tiền điện; cấp bù học phí cho học sinh, sinh viên; trợ giá, trợ cước…

Đối với cán bộ y tế, bên cạnh việc khám bệnh tại trạm, các cán bộ y tế xã, ấp thường xuyên xuống các hộ gia đình tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào Khmer đã được đầu tư xây dựng mới và chỉnh trang khang trang, sạch đẹp, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, đồng thời góp phần phát huy quyền tự do tín ngưỡng và những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.

Song song đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho con em đồng bào Khmer được huyện quan tâm đúng mức, từng bước phát triển cả lượng và chất, tình trạng học sinh bỏ học ngày một giảm. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư kiên cố hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia từ bậc học mẫu giáo đến trung học cơ sở.   

Ông Trương Thanh Sang, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Việc thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc được đổi mới rõ nét. Các phong trào học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, hoạt động văn hóa - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường trong đồng bào không ngừng được quan tâm thường xuyên. Các phong trào thi đua yêu nước được đồng bào đồng tình hưởng ứng. Công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, đào tạo; tình hình an ninh chính trị quanh xóm làng của đồng bào Khmer ở Cờ Đỏ luôn được đảm bảo ổn định…”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.