| Hotline: 0983.970.780

Đôi vợ chồng về quê ươm hoa cúc Nhật

Thứ Hai 16/09/2019 , 08:25 (GMT+7)

Sau 4 năm lập nghiệp, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Cường (Thạch Thất, Hà Nội) sở hữu vườn hoa rộng hơn 2ha. Mô hình trồng và nhân giống hoa cúc chi vàng Đà Lạt (cúc Nhật) đem lại thu nhập cao cho anh chị.

Bén duyên nghề trồng hoa

Anh Nguyễn Hữu Cường (1977) và vợ là chị Trịnh Mỹ Trinh (1981) gặp nhau lần đầu tiên tại một trang trại hoa ở Đà Lạt. Năm đó, chị Trinh là sinh viên thực tập của Học viện Nông nghiệp còn anh Cường là công nhân làm việc tại vườn hoa. Với sở thích đam mê trồng hoa, sau 2 năm quen nhau, anh chị về quê kết hôn và lập nghiệp tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

16-09-16_nh_1
Hệ thống nhà màng hiện đại trồng và nhân giống hoa cúc.

Ban đầu, vợ chồng anh Cường tập trung trồng các loại hoa ly. Tuy nhiên, do thời tiết miền Bắc khắc nghiệt và thất thường nên hoa ly không đem lại hiệu quả. Có năm thời tiết quá lạnh, 24 vạn cây hoa ly không nở đúng dịp trước tết, cả gia đình bỏ cả tết để thu hoạch.

Không bỏ cuộc giữa chừng, hai vợ chồng vẫn kiên trì theo đuổi và quyết tâm tìm hướng đi mới cho vườn hoa. Nhờ vay vốn của Quỹ Khuyến nông, anh Cường từng bước hiện đại hóa mô hình trồng hoa. Ban đầu là hệ thống nhà màng, hệ thống điện, hệ thống tưới nước,…

Qua quá trình canh tác và tích lũy kinh nghiệm, hoa đồng tiền và hoa cúc chất lượng cao dần thay thế hoa ly. Đến nay, mô hình vườn hoa đã mở rộng hơn 2ha với 1.000m2 được đầu tư nhà màng hiện đại. Thu nhập mỗi năm của gia đình từ 150 - 250 triệu đồng, gấp 2-3 lần trồng lúa.
 

Nhân giống hoa cúc chi từ Đà Lạt

Không chỉ bán hoa thương phẩm, vợ chồng anh Cường còn tập trung phát triển mô hình nhân giống cúc chi (hay còn gọi là cúc chi vàng Đà Lạt, cúc Nhật). Đây là loại hoa phổ biến tại Đà Lạt và được ưa chuộng ở Hà Nội vài năm gần đây. Hoa gieo trồng được quanh năm, số lượng cánh hoa ít hơn hoa cúc thường nhưng thời gian chơi hoa có thể lên tới 10 ngày.

Từ sáng sớm, vườn hoa của hai vợ chồng đã đông đúc thương lái tới mua mầm giống hoa cúc. Chị Mai, khách mua hoa nhiệt tình chia sẻ: “Giống hoa cúc chi của vườn này khỏe lắm, dễ trồng và ít sâu bệnh. Ngay cả vựa hoa lớn như Mê Linh, Tây Tựu cũng không có được giống tốt như vậy. Cây ra hoa đẹp và chơi được lâu nên được nhiều người thích”.

Được biết, mỗi ngày vườn giống của anh Cường có thể cắt hàng triệu mầm giống. Giá bán tại vườn dao động từ 150 - 200 đồng/mầm. Để đảm bảo cung cấp nguồn hàng chất lượng, người mua phải đặt lịch trước.

Giống cúc chi được bán cho thương lái ở Hà Nội, các tỉnh lân cận và gửi vào một số vườn hoa ở Đà Lạt. Lý giải về điều này anh Nguyễn Hữu Cường cho biết, thời tiết Đà Lạt có sương mù, độ ẩm cao nên hoa dễ bị nấm bệnh dẫn tới thiếu mầm cây chất lượng tốt. Trong khi Hà Nội có nhiệt độ khô ráo hơn, cây giống phần lớn khỏe mạnh, mầm cây dễ ươm trồng.

16-09-16_nh_3
Mầm hoa cúc chi được ươm vào các khay.

Chia sẻ kinh nghiệm làm giống cúc chi, chị Trinh cho biết, để có được loại mầm chất lượng, cây giống được sử dụng là loại cấy mô. Cấy mô giữ được bản chất của giống, khả năng sinh sản tốt, không bị thoái hóa và ít nhiễm bệnh. Sau 2 tháng, cúc bố mẹ có thể cho cắt ngọn 2-3 ngày/lần. Sau 6 – 7 tháng, nhà vườn sẽ thay cây gốc một lần để đảm bảo mầm giống luôn khỏe mạnh. Cây được ươm riêng trong nhà màng, áp dụng chế độ chăm sóc và bón phân đặc biệt.

Việc cắt ngọn giống sẽ được thực hiện vào buổi sáng và đưa đến thương lái ngay trong ngày. Ngọn được chọn để nhân giống là loại bánh tẻ, không quá già, không quá non. Chiều dài ngọn đạt từ 5-7cm, có 1-2 cặp lá/ngọn. Trong quá trình chăm sóc, vườn ươm phải đảm bảo nhiệt độ, ánh nắng và nguồn nước sạch. Loại phân được sử dụng là phân hữu cơ và phân hòa tan bón cho từng gốc cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại.

Người mua có thể giâm ngọn cúc giống theo hai cách phổ biến như sau: Trồng trực tiếp vào đất trồng đã được cày xới, nhặt cỏ và lên luống. Cắm thẳng mầm giống vào đất với khoảng cách cắm là 5-10cm. Hoặc nếu muốn tăng tỷ lệ sống và chất lượng của cây, nên sử dụng phương pháp giâm cành qua khay ươm trước để cây ra rễ. Loại khay ươm có từ 120-200 lỗ, mỗi mầm/lỗ. Giá thể dùng để giâm thường là trấu hun.

Trong giai đoạn ươm mầm thường không cần bón phân chỉ cần chú ý nhiệt độ mát mẻ, độ ẩm trên 70%. Thường xuyên chú ý các biểu hiện vàng lá, cây héo để loại bỏ sớm mầm kém phát triển. Sau giâm khoảng 7-10 ngày, rễ cành giâm dài khoảng 2-3cm, có thể đưa ra vườn trồng sản xuất.

Để đảm bảo vườn hoa được chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận, gia đình thuê thêm 5 nhân công làm việc cố định với mức lương 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Hỏi về bí quyết ươm giống cúc chi, chị Trinh cười nói: Nghề trồng hoa đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và nắm bắt được thiên thời, địa lợi. Người trồng phải nắm chắc kỹ thuật nhưng cũng phải chủ động và linh hoạt trong mọi thay đổi của cây trồng.

Được biết, hiện có nhiều nhà vườn muốn đặt giống hoa cúc số lượng lớn. Tuy nhiên, năng suất của vườn ươm mầm giống mới chỉ đủ cấp cho thị trường nhỏ lẻ. Lý giải về điều này anh Nguyễn Hữu Cường cho biết, mầm hoa cúc giống cần được chọn lọc kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn nhất định. Gia đình cần phải đầu tư hơn nữa để phát triển mô hình, tăng khả năng sản xuất mầm giống thì mới đáp ứng được thị trường lớn. Vì vậy, anh sẽ tiếp tục mở rộng nhà màng và đầu tư trang thiết bị cho toàn bộ vườn hoa. Tập trung phát triển mô hình trồng và nhân giống hoa cúc chi để cung cấp giống và hoa thương phẩm chất lượng cao.

Ông Nguyễn Bùi Hải, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho biết, gia đình anh Nguyễn Hữu Cường là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư mô hình trồng hoa quy mô lớn và hiện đại. Vì vậy, trạm đã tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn quỹ khuyến nông.

Đồng thời, cử cán bộ chuyên quản và cán bộ kỹ thuật về trồng trọt thường xuyên theo dõi, hỗ trợ người dân trong quá trình canh tác. Có thể nói, mô hình trồng và nhân giống hoa cúc là hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm