| Hotline: 0983.970.780

Đôn đáo thuê người thu hái cà phê

Thứ Năm 28/10/2021 , 06:00 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Cà phê đang vào chính vụ thu hoạch, nhưng không thể thuê được nhân công. Trong khi đó, Tây Nguyên đang vào mùa mưa, cà phê rơi rụng khiến nông dân rất sốt ruột.

Những ngày này, ông Trần Văn Xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Ban (Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) liên tục tìm thuê nhân công hái cà phê nhưng bất thành. Ông cho hay, gia đình có 3 ha cà phê đang độ chín và khoảng 2 tuần nữa là bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.

“Những năm trước, việc thuê nhân công dễ dàng nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc thuê người hái cà rất gian nan. Giá thuê hiện ở mức 300.000 - 350.000 đồng/người/ngày nhưng không thể nào tìm ra người. Cà đang chín rộ, người hái thì không thuê được mà mưa gió lại nhiều, trái bắt đầu rơi rụng nên rất nóng ruột”, ông Trần Văn Xuất lo lắng.

Cà phê ở Lâm Đồng đã bắt đầu chín rộ nhưng thiếu trầm trọng nhân công thu hái khiến nhiều nhà vườn rất lo lắng. Ảnh: Minh Hậu. 

Cà phê ở Lâm Đồng đã bắt đầu chín rộ nhưng thiếu trầm trọng nhân công thu hái khiến nhiều nhà vườn rất lo lắng. Ảnh: Minh Hậu. 

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện nay, diện tích cà phê trên đìa bàn tỉnh bước vào vụ thu hoạch 

Đối với cà phê vối, trung bình 1 lao động thu hái được 320 kg cà tươi/ngày và bình quân 1 ha cần 44 công.

Đối với cà phê chè, 1 lao động thu hái bình quân 180kg cà tươi/ngày và bình quân 1 ha cần 98 công lao động.

khoảng 173.660 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh khoảng 162.129 ha; năng suất bình quân đạt 32 tạ/ha; sản lượng ước đạt 518.603 tấn nhân, tương đương 2,3 triệu tấn quả tươi.

Dự kiến, lượng công động cần thiết phục vụ cho nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ năm nay khoảng gần 8 triệu công, trong đó nhu cầu lao động đảm bảo phục vụ thu hái với diện tích cà phê vối là 6,6 triệu công, nhu cầu công lao động đảm bảo phục vụ thu hái diện tích cà phê chè khoảng 1,2 triệu công.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, thời gian thu hoạch cà phê ở địa phương kéo dài trong 3 tháng cuối năm. Về vấn đề nhân công, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 45 - 50%, còn lại phải huy động nhân lực ngoại tỉnh.

Những năm trước, khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, lực lượng lao động từ các nơi đổ về địa phương nhiều nên vấn đề nhân lực không bị thiếu như hiện nay.

Tỉnh Lâm Đồng hiện thiếu khoảng 50% nhân công lao động thu hái cà phê. Ảnh: N.Ngà.

Tỉnh Lâm Đồng hiện thiếu khoảng 50% nhân công lao động thu hái cà phê. Ảnh: N.Ngà.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về địa phương rất khó”, ông Nguyễn Văn Châu cho hay.

Để vừa đảm bảo nhân công cho thu hoạch cà phê niên vụ 2021, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, cơ quan này đề nghị các địa phương có diện tích sản xuất cà phê lớn như huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông , Lạc Dương, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc tổ chức rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê cần thu hoạch, nguồn lao động thu hoạch… để xây dựng phương án, kế hoạch thu hái.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương trong tỉnh lưu tâm đến những hộ gia đình neo đơn, ít người lao động hoặc có người đang bị kẹt ở các vùng dịch để tổ chức các phương án hỗ trợ.

Ngành nông nghiệp tỉnh này cũng đề nghị chính quyền địa phương các vùng sản xuất cà phê huy động các tổ chức đoàn thể thành lập các tổ, đội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, neo đơn thu hái cà phê. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn chung tay hỗ trợ nông dân.

Giá công hái cà phê hiện khoảng 300.000 - 350.000 đồng/người/ngày nhưng các chủ vườn vẫn không thuê được lao động. Ảnh: N.Ngà.

Giá công hái cà phê hiện khoảng 300.000 - 350.000 đồng/người/ngày nhưng các chủ vườn vẫn không thuê được lao động. Ảnh: N.Ngà.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, Sở cũng đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu nguồn lao động phục vụ thu hoạch cà phê.

Sở cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp, huy động lực lượng hội viên, đoàn viên về hỗ trợ nông dân thu hoạch cà phê.

Bên cạnh đó, yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thường xuyên nắm bắt tình hình, phối hợp với các địa phương, đơn vị trong việc hướng dẫn người dân tiếp tục đầu tư, chăm sóc vườn cây để không làm ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.

Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật thu hái, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến cà phê nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Châu cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng phân công cán bộ theo dõi tình hình sản xuất, thu hoạch theo từng địa bàn để nắm bắt những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm tham mưu, đề xuất sự hỗ trợ cho các địa phương.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.