Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có 22.225ha đất SX nhưng lại có đến 156.216 hộ, trong đó chỉ có 80% số hộ có đất, với bình quân mỗi hộ là 0,4ha, chia thành nhiều thửa, không tập trung. Việc gieo sạ và nhất là khâu làm đất đưa cơ giới hóa vào SX rất khó thực hiện.
Trước thực tế này đã có nhiều nông dân, HTX chủ động tích tụ ruộng đất để xây dựng mô hình SX theo quy mô lớn, bước đầu đã đem lại hiệu quả rất thiết thực.
Mô hình nâng quy mô SX tại HTX Đức Huệ (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) là điển hình. Từ năm 2014 đến nay, HTX Đức Huệ đã ký hợp đồng với các hộ dân xã Mỹ Quý để thuê đất nhằm tổ chức SX lúa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ của 1 trong 50 hộ dân đầu tiên cho HTX thuê đất với giá 7 tấn lúa/vụ cho biết, sau khi thu hoạch, ông chỉ phải trả cho HTX 22 triệu đồng chi phí đầu tư, số còn lại gia đình ông hưởng. Tính ra mỗi ha đất cho thuê cũng đem về cho ông khoản lợi nhuận đến 40 triệu đồng/năm.
Anh Huỳnh Thanh Thắm, GĐ HTX Đức Huệ cho biết, HTX mạnh dạn ký hợp đồng SX lúa thuê trọn gói với nông dân nhờ có đầy đủ phương tiện làm đất, bơm nước, thu hoạch, ghe chở lúa, có đội ngũ nhân công phun xịt thuốc, rải phân… Những thửa ruộng nhỏ được gom lại thành những cánh đồng lớn khiến cho việc áp dụng cơ giới hóa cũng được thuận tiện hơn. Toàn bộ lúa được trồng cùng một giống, SX cùng một quy trình nên sản lượng và chất lượng đều tăng lên. Ngoài ra, cũng nhờ canh tác diện tích rộng nên HTX mua các loại phân, thuốc BVTV số lượng lớn với giá rẻ hơn thị trường khoảng 5%.
Sau một năm triển khai mô hình, hiệu quả hoạt động của HTX đã có nhiều DN tìm đến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đơn cử Cty Lương thực Đồng Tháp gần một năm nay, bao tiêu gần 2/3 diện tích cho bà con xã viên với giá thu mua lúa của HTX cao hơn thị trường khoảng 200 đồng/kg.
Không riêng mô hình nâng quy mô SX trên một hộ tại HTX Đức Huệ, với định hướng mở rộng diện tích để đầu tư làm ăn lớn, nhiều nông dân đã tự tích góp ruộng đất đầu tư SX theo nhu cầu thị trường. Mô hình SX lớn của anh Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông được xem là một điển hình cho kiểu làm ăn này.
SX diện tích lớn sẽ giảm nhiều chi phí, sản phẩm dễ tiêu thụ giúp nông dân tăng lợi nhuận
Anh Nguyễn Văn Khanh cho biết, năm 2012, mỗi anh em trong gia đình được cha mẹ chia cho mỗi người 10ha đất ruộng để làm ăn. Thấy anh mê làm ruộng nên anh em giao toàn bộ 80ha đất để SX lúa, theo hình thức cho thuê đất hàng năm với giá 1,8 triệu/công (lúa 2 vụ).
Bên cạnh việc giao 80ha ruộng của anh em trong gia đình, anh Khanh còn thuê thêm 40ha đất của những hộ liền ranh để SX lúa. Để thuận tiện cho việc canh tác, anh đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm máy móc... Đặc biệt, chọn giống lúa Nhật để canh tác, bởi theo anh, đây là loại giống có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Thông thường lúa Nhật có giá từ 6.500-7.100 đồng/kg…
Anh Khanh cho biết, vụ ĐX 2015-2016, anh canh tác 120ha giống lúa Nhật, hợp đồng bán toàn bộ sản lượng 120 tấn cho Cty Lương thực Việt Hưng với giá 6.900 đồng/kg, tổng lợi nhuận 4,6 tỷ đồng.