Chắc chắn, trong những chặng đường phát triển đã qua, qua vô vàn những thách thức gay gắt, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu, tạo những tiếng vang lớn trên quy mô toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển ổn định.
Tuy nhiên, có lẽ sẽ không phải là vô lý khi cho rằng, với điều kiện đặc thù của nước ta, do đã đạt được những thành tựu to lớn như vậy, trong chặng đường phát triển sắp tới, nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức sẽ còn gay gắt hơn nữa.
Từ nỗ lực xóa đói vươn lên đội ngũ nông nghiệp mạnh toàn cầu
Nếu nhìn lại hành trình 35 năm đổi mới của đất nước, sẽ không ngoa khi nói rằng, hơn một nửa chặng đường đầu tiên là “thời” của nông nghiệp. Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, trong giai đoạn này, nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là nông nghiệp) tăng trưởng kỷ lục 3,78%/năm, bằng 46,1% nhịp tăng của hai khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng “thăng hoa” với nhịp tăng tới 8,22%/năm.
Diễn đạt bằng ngôn ngữ kinh tế thực ở thời điểm chúng ta háo hức đón chào hai sự kiện lịch sử: tham gia “sân chơi chung” WTO và APEC Hanoi 2007, cựu Đại sứ Mỹ vừa mãn nhiệm khi đó, R. Burghardt, cho rằng, “nhiều người còn nhớ, khoảng 20, 25 năm trước, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu gạo và đó quả là một việc hết sức vô lý với một nước có được vựa lúa khổng lồ trong vùng châu thổ sông Cửu Long. Thành quả đầu tiên mà họ đạt được trong quá trình đổi mới chính là đảo ngược tình trạng phi lý đó và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Kế tiếp, họ chuyển sang phát triển các loại hoa màu khác và trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới...”.
Ẩn sau một loạt những thành tựu nhất nhì thế giới về việc xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới đó, chuỗi số liệu thống kê khác của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nó có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho nông dân nước ta. Đó là “rổ giá trị gia tăng” nông nghiệp (Agriculture, forestry, and fishing, value added) của nước ta phình to rất nhanh, năm 2010 đạt 21,31 tỷ USD, cao gấp 3,76 lần so với thời điểm trước đổi mới.
Không chỉ có vậy, giá trị đặc biệt của giai đoạn đổi mới này chính là những thành quả đã đến được với mọi người. Bởi lẽ, với khoảng 25 triệu người thoát đói nghèo trong 20 năm đầu đổi mới, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá là quốc gia thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo thành công chưa từng có trên thế giới, tỷ lệ đói nghèo giảm rất mạnh từ ước 70% dân số xuống chỉ còn 20%. Còn trong 10 năm trở lại đây, tuy nông nghiệp không còn duy trì được nhịp tăng như nói trên, nhưng vẫn tiếp tục gặt hái những thành công vang dội trên bình diện toàn cầu.
Trước hết, các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, thay vì 3,78%/năm trước đây, GDP của ngành nông nghiệp đã ngày càng tụt dốc: thời kỳ 2005 – 2020 chỉ còn tăng 2,87%/năm, thời kỳ 2010 – 2020 chỉ còn tăng 2,83%/năm và giai đoạn 2015 – 2020 chỉ cón tăng 2,54%/năm. Cho dù vậy, các số liệu thống kê của WB cho thấy, với nhịp tăng 6,05%/năm trong giai đoạn 2010 - 2019, đứng thứ 30 thế giới ở chỉ tiêu này, “rổ giá trị gia tăng” của ngành nông nghiệp nước ta năm 2019 đã được “khuyếch đại” lên 36,55 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần so với trước đó 10 năm, chúng ta đã vượt qua năm quốc gia có nền nông nghiệp đáng nể trên thế giới gồm Tây Ban Nha, Đức, Australia, Ai Cập và Philippines để vươn lên đứng thứ 17 thế giới.
Nhìn từ góc độ khác, cũng có thể khẳng định rằng, chúng ta cũng đã đạt trình độ cao trong việc khai thác có hiệu quả đất đai và đã có những tiến bộ rất nhanh trên phương diện này. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của WB cho thấy, giá trị gia tăng bình quân mỗi hecta đất nông nghiệp của Việt Nam năm 1998 đã đạt 198 USD, đứng thứ 45 thế giới, còn năm 2018 đã tăng vọt lên 296 USD/ha, vượt qua 9 quốc gia để vươn lên thứ 36.
Cho dù vậy, vẫn có thể nói, thứ hạng này vẫn chưa thể nói lên mức độ hiệu quả trong khai thác đất nông nghiệp, bởi đa số quốc gia có được kết quả tốt hơn nước ta đều là những quốc gia có ít, thậm chí rất ít đất nông nghiệp, còn số quốc gia có diện tích đất nông nghiệp đáng kể, hoặc tương tự như nước ta trở lên thì không nhiều. Chẳng hạn, Italia có diện tích đất nông nghiệp tương tự Việt Nam đã đạt 328 USD/ha, cao hơn không nhiều so với chúng ta, còn trong cùng khu vực ASEAN, Malaysia chỉ có 70% diện tích đất nông nghiệp so với nước ta thì đạt 314 USD/ha, còn Philippines có diện tích đất nông nghiệp tương đương thì chỉ đạt 269 USD/ha...
Thách thức trên đường phát triển
Hẳn nhiên, những thành tựu to lớn nói trên là không thể bàn cãi, nhưng đó là xét trên tổng thể. Còn xét cụ thể hơn, những thành tựu đó thực sự đã bị “co lại” rất nhiều, đồng nghĩa với những kết quả thực tế trong đời sống của nông dân cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Đó là, cho dù “rổ giá trị gia tăng” tăng rất đáng mừng như nói trên, nhưng bình quân người lao động trong 10 năm 2009 – 2019 chỉ tăng từ 904 USD lên 1.313 USD, tương ứng với thứ hạng thế giới cũng chỉ tăng từ 148 lên 139.
Những điều nói trên có nghĩa là, cho dù nông nghiệp cho đến nay đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng thu nhập của người lao động trong khu vực này vẫn còn quá khiêm tốn so với thế giới, cho nên đời sống của dân cư nông thôn nước ta chắc chắn cũng trong tình trạng khó có thể khá hơn.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, thực trạng nói trên bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu, cộng hưởng lẫn nhau sau đây:
- Thứ nhất, dân cư khu vực nông thôn của nước ta vẫn còn quá đông. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, với 61,2 triệu người cách đây 10 năm, dân cư khu vực nông thôn của nước ta đứng hàng thứ 8 thế giới, còn với con số hầu như không thay đổi năm 2019, thứ hạng này cũng vẫn “khủng” như vậy. Điều này cũng có nghĩa là, cho dù nền nông nghiệp của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn, nhưng do dân cư nông thôn vẫn quá đông, mức sống không thể cải thiện nhanh, cho nên vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới.
- Thứ hai, trong điều kiện dân cư khu vực nông thôn như vậy và lao động nông nghiệp chắc chắn cũng như vậy, chúng ta lại là một quốc gia quá nghèo tài nguyên đất nông nghiệp. Các số liệu thống kê vẫn của WB cho thấy, với chỉ hơn 120 nghìn km² trong mấy năm trở lại đây, nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất của sản xuất nông nghiệp này của nước ta chỉ xếp thứ 67 thế giới.
Trong điều kiện đó, nếu tính theo đất nông nghiệp bình quân lao động nông nghiệp hay bình quân dân cư khu vực nông thôn “khủng” như nói trên, thứ hạng này của chúng ta sẽ “rơi tự do” xuống phía đáy bảng chắc chắn là điều không có gì phải ngạc nhiên. Điều này cũng có nghĩa là, sản xuất nông nghiệp của chúng ta là sản xuất nhỏ và nông dân nước ta có lẽ đã tận dụng từng xới đất và ưu thế khí hậu nhiệt đới gió mùa để mở rộng sản xuất.
Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, cùng với việc đã đạt được thành tựu rất lớn trong những chặng đường phát triển đã qua, nhưng do dân cư nông thôn vẫn còn quá đông, tài nguyên quan trọng bậc nhất là đất nông nghiệp lại quá nghèo, ngày càng khó để duy trì nhịp độ tăng trưởng, áp lực nâng cao đời sống cho người lao động và dân cư khu vực nông thôn đã ngày càng bị dồn nén và chắc chắn sẽ còn bị dồn nén thêm nữa khi chúng ta hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn trong những năm tới. Đó là bài toán cực kỳ nan giải trong những năm tới.