| Hotline: 0983.970.780

Dồn sức phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm

Thứ Ba 04/04/2017 , 09:10 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp đến các xã và các hộ nuôi tôm hùm để điều tra, xác minh...

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp đến các xã và các hộ nuôi tôm hùm để điều tra, xác minh, đánh giá tình hình dịch bệnh và làm việc với địa phương, triển khai các biện pháp và hướng dẫn xử lý dịch bệnh.
 

Dịch bệnh tôm hùm không nghiêm trọng như báo cáo

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, từ đầu tháng 01/2017 tôm hùm nuôi tại các xã Xuân Cảnh, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Yên, Xuân Đài và Xuân Thành của Thị xã Sông Cầu chết rải rác, có các dấu hiệu của bệnh sữa. Tổng số lồng nuôi tôm hùm bị bệnh là 16.597 lồng, cỡ tôm bệnh từ 0,2 - 0,7 kg/con, tỷ lệ chết ước tính từ 10 – 30%, cá biệt có một số lồng nuôi tôm hùm bông tỷ lệ chết từ 50 – 70%.

08-25-25_170329_benhsu_4_hinh-nh
Đoàn công tác của Cục Thú y và các cơ quan chuyên môn của địa phương trực tiếp đến các hộ nuôi tôm hùm để nắm bắt tình hình, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ ngày 27/03/2017.

Tuy nhiên, qua xác minh thực tế của Cục Thú y, số liệu báo cáo này là không chính xác, không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay.

Lý do là vì các cơ quan chuyên môn địa phương dựa vào số liệu điều tra thống kê năm 2016, thông tin về quy hoạch số lồng nuôi và tôm bệnh vớt lên từ một số hộ nuôi tôm hùm để tính ra số liệu ước tính. Số liệu thiệt hại được cộng gộp cho cả giai đoạn dài chứ không phải tăng đột biến tại thời điểm hiện nay. Điều này đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên và chính quyền các xã xác nhận.

Ngoài ra, phần thiệt hại cũng không nặng nề như báo cáo. Hiện nay có 2 loại tôm hùm nuôi là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tôm hùm bông có giá trị cao hơn, giá tôm giống 350.000đ/con, giá tôm thịt 1,7 triệu đồng/kg, tỷ lệ nuôi dưới 30%. Tôm hùm xanh giá trị thấp, giá tôm giống 40.000đ/con, giá tôm thịt 700.000đ/con, tỷ lệ nuôi trên 70%. Tỷ lệ thiệt hại chủ yếu là tôm hùm xanh (trên 70%) ở giai đoạn sau thả nuôi 2-4 tháng, chứ không phải tất cả tôm bệnh đều có kích thước từ 0,2 – 0,7kg/con như báo cáo đã nêu.

Theo phản ánh của người dân, tình hình tôm chết diễn ra từ cuối năm 2016, nhất là sau lũ lụt. Từ 15/3/2017, tình trạng tôm chết đã giảm. Tại xã Xuân Phương, kiểm tra ngẫu nhiên tại nhiều lồng nuôi của các hộ thì không thấy có tôm bị bệnh. Người nuôi tôm phản ánh tỷ lệ tôm bệnh, chết những tháng đầu năm nay giảm 30% so với cùng kỳ năm 2016.
 

Yếu kém dẫn đến dịch bệnh

Về nguyên nhân dịch bệnh, Cục Thú y cho rằng thời gian từ sau Tết Nguyên đán thời tiết thay đổi biển động xáo trộn bùn đáy tích tụ qua nhiều năm nuôi mật độ dầy làm môi trường ô nhiễm và thời tiết này không thích hợp cho tôm nhưng lại thuận lợi cho vi khuẩn phát triển làm dịch bệnh gia tăng, tôm chết nhiều hơn, chủ yếu là tôm nhỏ mới qua giai đoạn nuôi giống được 2-4 tháng nuôi rất dầy chưa kịp san ra lồng lớn để nuôi thịt.

08-31-10_e653c642-295-4bdd-ec-ed57d63997
Cục Thú y cho rằng tôm chết chủ yếu là tôm nhỏ mới qua giai đoạn nuôi giống được 2-4 tháng nuôi rất dầy chưa kịp san ra lồng lớn để nuôi thịt

Trong khi đó, địa phương đã có quy hoạch vùng nuôi, quy định số lồng cho từng xã nhưng hoạt động kinh tế của các hộ dân chủ yếu là nuôi tôm hùm nên các hộ tận dụng hết phần mặt nước được giao, nuôi vượt quy hoạch.

Kỹ thuật nuôi tôm hùm theo kinh nghiệm, kiến thức tự hiểu biết của người dân, không được hướng dẫn về các kỹ thuật nuôi, phác đồ điều trị bệnh. Khi tôm bị bệnh, người dân tự mua 4-6 loại thuốc kháng sinh của nhân y, về bóc vỏ, trộn với thức ăn và cho tôm ăn theo cách của những người nuôi tôm truyền miệng bảo nhau. Cán bộ khuyến nông, thú y xã chưa được sử dụng hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ nên chưa chuyển tải kỹ thuật nuôi và báo cáo tình hình quản lý quy hoạch, dịch bệnh kịp thời cho các cơ quan quản lý.
 

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh

Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời cần tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm, Cục Thú y đang tập trung phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức triển khai các hoạt động, phòng chống dịch bệnh, cụ như sau:

Một là, đề nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT có văn bản gửi UBND cấp huyện đề nghị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn, quản lý người nuôi tôm hùm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm hùm sinh trưởng, phải bảo đảm về mật độ, khoảng cách giữa các lồng nuôi, kiểm soát thức ăn theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế các loại mầm bệnh lưu trú, phát triển gây bệnh; rà soát quy hoạch các vùng nuôi để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động nuôi tôm hùm.

08-31-10_1ff03f2-231c-40d7-b429-b94d9506dd55
Cán bộ kỹ thuật trao đổi kinh nghiệm với người nuôi tôm hùm

Đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức họp với các Tổ cộng đồng nuôi tôm hùm (đối với các địa phương có Tổ cộng đồng), các Trưởng thôn, cơ quan chuyên môn để đánh giá thực trạng và bàn giải pháp thống nhất trong công tác quản lý, bảo đảm nuôi tôm hùm theo hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp; tổ chức phổ biến các các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức tuyên truyền và phối hợp tập huấn, hướng dẫn người nuôi tôm hùm về kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Hằng ngày, hằng tuần tổ chức nắm bắt tình hình nuôi và tình hình dịch bệnh; kịp thời hướng dẫn người nuôi tôm và nhân viên thú y xã về các kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Nhân viên thú y xã thu thập thông tin, báo cáo số liệu về nuôi và dịch bệnh theo đúng quy định hiện hành.

Hai là, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm và có giải pháp cụ thể trong việc triển khai các nhiệm vụ về quản lý nuôi và phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện của địa phương; đặc biệt cần trực tiếp đến các vùng nuôi để nắm bắt thực tế, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu kỹ và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý nuôi, phòng chống dịch bệnh; triển khai giám sát chủ động đồng thời hướng dẫn thu thập, báo cáo thông tin về nuôi, dịch bệnh theo đúng quy định hiện hành (Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT; Công văn số 1245/TY-TS ngày 24/6/2016; Công văn số 113/TY-TS ngày 20/01/2017); phổ biến, hướng dẫn người nuôi sử dụng và đánh giá hiệu quả các phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm (Phụ lục 5- ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT).

Trạm Thú y và các đơn vị liên quan phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến từng vùng nuôi tôm hùm để nắm bắt tình hình, đánh giá thực trạng, thống kê số hộ nuôi, tình hình nuôi, tình hình dịch bệnh; bàn giải pháp quản lý và tổ chức hướng dẫn biện pháp phòng, chống theo quy định; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người nuôi tôm và chuyên môn các cấp về các kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức theo từng xã, từng nhóm các Tổ cộng đồng nuôi tôm; Tổ chức hướng dẫn thu thập, báo cáo số liệu về nuôi và dịch bệnh để phản ánh sát thực tế nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả; Cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan phải chính xác, phù hợp với tình hình thực tế, được tổng hợp, phân tích để đánh giá đúng thực trạng và quan trọng là phải định hướng, hướng dẫn người nuôi tôm hùm chủ động phòng, chống được dịch bệnh; tránh ảnh hưởng đến sản xuất và lợi ích kinh tế của người dân.

Ba là, Cục Thú y tiếp tục tổ chức hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm theo đúng quy định cho người nuôi tôm hùm và các cơ quan chuyên môn của các địa phương nhằm giảm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan./.

+ Cơ quan chuyên môn các cấp không nắm bắt sát thực tế và các quy định quản lý của nhà nước, tự suy diễn số liệu nhưng không đúng phương pháp nên không đánh giá đúng tình hình, không phản ánh đúng thực tế và chưa có các giải pháp hướng dẫn người dân cụ thể làm ảnh hưởng đến sản xuất do thông tin tôm bệnh, thương lái ép giá bán.

+ Thực trạng tôm bệnh, tôm chết ở nhiều lồng nuôi là có, song theo phản ánh của người nuôi tôm thì năm nào cũng vậy, vào mùa này đều xảy ra bệnh mức độ cũng giống như hằng năm và vẫn trong phạm vi chấp nhận được. Kết quả xét nghiệm phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y cho thấy một số mẫu tôm hùm có triệu chứng, bệnh tích của bệnh sữa cho kết quả dương tính với vi khuẩn Risketsia like gây bệnh sữa trên tôm hùm – Cục Thú y khẳng định.

 

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.