| Hotline: 0983.970.780

Những người thầm lặng làm nên diện mạo mới

Đồng bào Khmer hiến đất làm đường không còn là chuyện hiếm

Thứ Năm 13/07/2023 , 09:12 (GMT+7)

SÓC TRĂNG Phát huy vai trò đồng bào Khmer, phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều gương điển hình hiến đất xây cây, làm đường… thực chất và hiệu quả.

Hiến đất làm đường, xây cầu không còn là chuyện hiếm

Sóc Trăng là một trong những địa phương ở khu vực ĐBSCL có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 35% dân số toàn tỉnh. Câu chuyện đồng bào Khmer hiến đất làm đường, xây trường học hay đóng góp kinh phí làm cầu nông thôn đã không còn là chuyện hiếm.

Gần chục năm trước, nhắc đến xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, nơi có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, nhiều người rất ái ngại. Lý do là tuyến đường dẫn vào trung tâm xã khá nhỏ hẹp, uốn khúc, mặt đường lởm chởm đất đá, bụi cuốn mù mịt.

Tranh thủ sự đồng lòng của người dân, việc xây dựng NTM ở Tham Đôn, Mỹ Xuyên có bước ngoặt lớn. Ảnh: Kim Anh.

Tranh thủ sự đồng lòng của người dân, việc xây dựng NTM ở Tham Đôn, Mỹ Xuyên có bước ngoặt lớn. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường chính đã vậy, các con đường khác dẫn về các xóm, ấp lại gian nan hơn gấp nhiều lần. Phần lớn chỉ là các lối mòn, người dân di chuyển qua lại đông, nhiều đoạn xe máy phải chật vật mới có thể di chuyển, nhất là vào mùa mưa.

Khó khăn, thiếu thốn, tạm bợ là những cụm từ phác họa bộ mặt xã Tham Đôn thời điểm vừa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Cơ sở hạ tầng đã khó, đời sống người dân trong xã lại càng khó khăn hơn gấp bội.

Nhờ phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào Khmer, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM được lan tỏa rộng khắp đến từng hộ dân. Tranh thủ sự đồng lòng của người dân, công tác xây dựng NTM ở xã Tham Đôn có bước ngoặt lớn.

Bài liên quan

Như tấm gương điển hình ông Lâm Văn Phấn, hơn 10 năm tích cực ủng hộ, đồng thời vận động người dân cùng tự nguyện xây dựng cầu. Chia sẻ về hành động ý nghĩa này, ông Phấn cho biết, xây dựng NTM cho quê hương cũng chính là nâng cao điều kiện sống cho chính bản thân và gia đình. Một con đường hay cây cầu được xây dựng nên sẽ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của gia đình dễ dàng hơn, từ đó kinh tế gia đình được nâng cao.

Với suy nghĩ đó, cả chục cây cầu, con đường bê tông do sức đóng góp của ông Phấn và người dân trong xã “mọc” lên ngày càng nhiều. Sáng tạo hơn, 2 căn nhà mát làm chốn nghỉ ngơi cho bà con nông dân khi đi làm đồng cũng đã được xây dựng.

Tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng, cũng xuất hiện rất nhiều tấm gương đồng bào Khmer điển hình chung tay cùng địa phương xây dựng NTM. Với hình việc làm, hành động cụ thể như: Xây dựng cây cầu bê tông, vận động làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng… số tiền vận động, quyên góp đã lên tới vài tỷ đồng.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, nhà chùa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của bà con. Trong công tác xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng, quan tâm, vận động các phật tử cùng đồng hành. Xây dựng NTM đi đôi với các chính sách chăm lo, phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp người dân thấy được lợi ích lâu dài.

Nhà chùa đóng vai trò quan trong trọng, tuyên truyền, vận động phật tử cùng đồng hành với chính quyền địa phương xây dựng NTM. Ảnh: Kim Anh.

Nhà chùa đóng vai trò quan trong trọng, tuyên truyền, vận động phật tử cùng đồng hành với chính quyền địa phương xây dựng NTM. Ảnh: Kim Anh.

Ghé thăm chùa Cần Đước ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Ngôi chùa nhiều năm là điểm lan tỏa sâu rộng phong trào xây dựng NTM của địa phương. Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, Ban Quản trị chùa Cần Đước tích cực vận động phật tử tham gia xây dựng cảnh quan, phát triển kinh tế.

Trước khó khăn của địa phương về quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Ban Quản trị chùa đã hiến 5.000 mét vuông đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên huyện Mỹ Xuyên.

Đồng thời, hiến hơn 12.000 mét vuông đất xây dựng Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Thạnh Phú. Qua đó, tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ.

Tranh thủ nguồn lực đầu tư nước sạch cho người dân

Một dịp tham gia đoàn thiện nguyện của Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành trao tặng bồn nước cho bà con vùng hạn mặn. Điểm dừng chân của đoàn tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, địa phương có tới 93% hộ dân là người dân tộc Khmer.

Bộ mặt nông thôn nơi đây khá khang trang, mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng qua lời bộc bạch của ông Bành Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, chúng tôi ngỡ ngàng khi hơn 50% số ấp trong xã người dân không có nước sạch an toàn để sử dụng.

Tuyến đường thắp sáng vùng quê mang đậm văn hóa đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú. Ảnh: Kim Anh.

Tuyến đường thắp sáng vùng quê mang đậm văn hóa đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú. Ảnh: Kim Anh.

Do đặc thù dân cư sống rải rác, phân tán, không tập trung, nguồn nước ngầm lại bị nhiễm mặn. Người dân trong vùng khoan giếng nước ngầm lên để sử dụng hầu như đều bị mặn. Bà con hầu như đều phải tranh thủ trữ nước vào mùa mưa để sử dụng hoặc lấy nước từ sông lắng phèn phục vụ sinh hoạt, nhưng không đảm bảo an toàn.

Trung tâm nước sạch của tỉnh cũng đã thực hiện kéo nước sạch từ các ấp khác về nhưng thiếu nước. Dân số nằm rải rác, phân tán, không tập trung tại chỗ nên việc cung cấp nước sạch cho người dân còn hạn chế, điều kiện sinh hoạt của người dân còn gặp khó khăn.

Bài liên quan

Trong lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn NTM, Phú Mỹ được nhiều chương trình, dự án đầu tư, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn nước sạch an toàn. Theo Đề án hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước cho hộ nghèo vùng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai việc kéo đường ống nước về xã Phú Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, điều này trở thành thách thức và niềm đau đáu của chính quyền xã Phú Mỹ cũng như tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Thành Được, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, xã Phú Mỹ phải có khoảng 65% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Thời gian tới, đơn vị này sẽ đầu tư một số công trình đảm bảo nguồn nước sạch cho hộ dân nông thôn ở xã Phú Mỹ.

Đồng bào là gốc, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ cho bà con, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai Đề án Cấp nước sạch nông thôn, giai đoạn 2022 - 2030, với kinh phí thực hiện hơn 593 tỷ đồng. Với mục tiêu đến năm 2025, có 68% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Giải quyết vấn đề nước sạch an toàn cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực đông đồng bào dân tộc Khmer là vấn đề cấp thiết của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Giải quyết vấn đề nước sạch an toàn cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực đông đồng bào dân tộc Khmer là vấn đề cấp thiết của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhận định, trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp. Việc đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho người dân là cấp thiết. Nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM, tạo diện mạo mới cho vùng quê của tỉnh.

Do đó, tỉnh Sóc Trăng quyết tâm tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào, tạo sự đồng thuận tham gia của bà con vào các phong trào thi đua xây dựng NTM tại địa phương. Nhất là giải quyết nhu cầu thiết yếu về nước sạch an toàn.

Thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Nam đánh giá, đồng bào dân tộc Khmer phát huy vai trò mạnh mẽ, bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể để làng quê ngày càng phát triển.

Từ việc ủng hộ ngày công lao động, đóng góp kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng giao thông hay thực hiện các phần việc cho cộng đồng.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 64/80 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị xã Ngã Năm và Vĩnh Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.