| Hotline: 0983.970.780

Những người thầm lặng làm nên diện mạo mới

42 năm làm cán bộ không chuyên trách

Thứ Ba 11/07/2023 , 07:57 (GMT+7)

HẬU GIANG Không có một bí quyết nào vận động hiệu quả bằng cách thông cảm, hết lòng với bà con. Người phụ nữ gần 70 tuổi ấy ngày đêm vẫn miệt mài với nông thôn mới.

Cảnh quan tốt, tuyên truyền mới hiệu quả

Những ngày đầu tỉnh Hậu Giang bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A được lựa chọn là 1 trong 4 xã điểm.

Mô hình con đường đẹp của các hội, đoàn thể xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xây dựng, lồng ghép tuyên truyền chương trình NTM hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình con đường đẹp của các hội, đoàn thể xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xây dựng, lồng ghép tuyên truyền chương trình NTM hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Trước kia, mỗi lần đi công tác ở những địa bàn lân cận xã Thạnh Xuân, tôi và đồng nghiệp đều bàn tính, chọn con đường khác để không phải qua con đường chính dẫn vào xã. Bởi đường bị hư hỏng, xuống cấp, đầy ổ gà, ổ voi. Gần 6 năm quay trở lại đây, chúng tôi thật sự bất ngờ về sự thay đổi của quê hương Thạnh Xuân.

“Toàn dân thi đua sản xuất ruộng vườn xanh tốt, sản phẩm an toàn”; “Xây dựng nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; “Chương trình OCOP phát triển kinh tế nông thôn đa dạng và bền vững”; “Sáng tạo và hiệu quả phát triển các sản phẩm OCOP”… Bảng khẩu hiệu tuyên truyền được dựng đều khắp hai bên con đường dẫn vào UBND xã, thu hút sự tò mò, thích thú của chúng tôi.

Bài liên quan

Theo lời anh Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, đây là mô hình con đường đẹp của các hội, đoàn thể xã xây dựng, lồng ghép tuyên truyền chương trình nông thôn mới (NTM) rất hiệu quả. Toàn tuyến có độ dài khoảng 1km, lắp đặt 140 bảng khẩu hiệu. Người dân qua lại hàng ngày trên tuyến đường hầu như đã thuộc nằm lòng các khẩu hiệu đó.

Ngoài ra, nhiều mô hình như: Mô hình đường hoa, nhà đẹp, tuyến đường kiểu mẫu, thắp sáng đường quê… Xã cũng thiết kế, lắp đặt các khẩu hiệu tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau.

Tại trụ sở UBND xã, địa phương cũng biết cách tạo điểm nhấn, khi đang xây dựng vườn hoa phục vụ cộng đồng trên quy mô 1.000 mét vuông. Với nhiều loại hoa giấy, kèn hồng, bông dừa cạn, ngũ sắc… được trồng xung quanh khuôn viên trụ sở. Cảnh quan này vừa tạo không gian thoáng mát, vừa tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi đến liên hệ công việc.

Cảnh quan nông thôn xã Thạnh Xuân được đầu tư khang trang, thông thoáng, chuẩn bị tiến đến xã NTM kiểu mẫu trong năm nay. Ảnh: Kim Anh.

Cảnh quan nông thôn xã Thạnh Xuân được đầu tư khang trang, thông thoáng, chuẩn bị tiến đến xã NTM kiểu mẫu trong năm nay. Ảnh: Kim Anh.

Thành quả thụ hưởng hiện diện hàng ngày, anh Việt phấn khởi khi ý thức của người dân được nâng lên rõ. Bà con hiểu được ý nghĩa của chương trình nâng chất NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Từ đó, khi xã vận động tham gia các chương trình tạo cảnh quan, người dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đê bao thủy lợi, xây dựng lộ giao thông nông thôn, rồi trồng thêm hoa kiểng trên các tuyến đường.

Hơn 42 năm cán bộ không chuyên trách

Theo hướng dẫn của anh Việt, chúng tôi tiếp tục men theo con lộ gần 1km, dẫn vào Khu di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Cần Thơ ở ấp So Đũa Lớn. Con đường khá êm, trải bê tông phẳng lì, hoa quỳnh anh hai bên đường vàng tươi dưới cái nắng chói chang.

Đang cắt tỉa những cành cây ven đường, vẫy tay gọi chúng tôi là bà Lê Ngọc Điệp, Bí thư kiêm Trưởng ấp So Đũa Lớn. Vừa gặp bà Điệp đã “than”, cỏ hai bên đường đã mọc cao, lấn ra lối đi trên đường mà chưa kịp gọi người tới cắt tỉa cho thông thoáng.

Tham gia công tác tại ấp từ những năm 1980, bà Điệp đã kinh qua hầu hết các chức danh từ cán bộ mặt trận, hội phụ nữ, dân vận, Bí thư chi bộ ấp rồi lên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Thạnh Xuân. Đến tuổi hưu, bà lại tiếp tục tham gia làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, nay làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp So Đũa Lớn.

Chân dung bà Lê Ngọc Điệp, Bí thư kiêm Trưởng ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, gần 70 tuổi vẫn nhiệt huyết trong các phong trào vận động xây dựng xã NTM. Ảnh: Kim Anh.

Chân dung bà Lê Ngọc Điệp, Bí thư kiêm Trưởng ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, gần 70 tuổi vẫn nhiệt huyết trong các phong trào vận động xây dựng xã NTM. Ảnh: Kim Anh.

Sống và gắn bó lâu năm trên vùng đất xã Thạnh Xuân, hơn ai hết bà Điệp là người chứng kiến công cuộc thay màu áo mới của xã. Bà bộc bạch, trước khi huyện Châu Thành A thực hiện chia tách địa giới các xã, Thạnh Xuân nằm trong vùng nông thôn hẻo lánh, người dân phần lớn phải sử dụng điện câu đuôi. Trên 80% dân số của địa phương là sản xuất nông nghiệp. Do đường sá chưa được đầu tư, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con rất khó khăn.

Bản thân bà, để đi đến cơ quan làm việc cũng phải qua chặng xe buýt hơn 3km, mất nhiều thời gian và công sức. Từ ngày xây dựng NTM, người dân phấn khởi khi đèn đường chiếu sáng khắp vùng nông thôn. Lộ được đầu tư tới tận những kênh sâu trong các ấp, nên hàng hóa thông thương dễ dàng.

Gần 70 tuổi, trong vai trò là trưởng ấp, chiếc xe đạp cọc cạch hàng ngày đưa bà Điệp đi hầu hết các ngõ xóm của xã Thạnh Xuân. Đây cũng là chiếc xe thứ 2 do UBND xã gửi tặng để bà phục vụ công việc. Khi thì đi hội họp, xác minh đơn hòa giải. Vào mùa khô lại vận động bà con tham gia chiến dịch giao thông trồng cây. Mùa mưa sắp tới, lại “gõ cửa” từng nhà kè mé chống sạt lở.

Hơn 42 năm làm cán bộ không chuyên trách, đồng lương không được bao nhiêu. Kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào 10 công xoài Đài Loan xen xoài cát Hòa Lộc. Nhiệt tình cách mạng chính là động lực giúp người phụ nữ này giữ “lửa nghề”.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, cách làm này giúp bà Lê Ngọc Điệp nhận được sự tin tưởng, đồng lòng của người dân trong ấp. Ảnh: Kim Anh.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, cách làm này giúp bà Lê Ngọc Điệp nhận được sự tin tưởng, đồng lòng của người dân trong ấp. Ảnh: Kim Anh.

Bà Điệp kể, thời điểm đầu khi xã Thạnh Xuân xây dựng NTM, nhiều bà con không hiểu được mục đích, ý nghĩa và hiệu quả từ chương trình. Nhiều hộ còn cho rằng lãng phí, người dân không đủ sức thực hiện.

Cười hiền hòa, bà Điệp cho biết nhờ cái duyên khéo ăn nói, cố gắng vận động, thuyết phục, người dân cũng đồng tình. Nhớ lại đợt vận động thực hiện giao thông nông thôn, kè mé phòng chống sạt lở, khai thông dòng chảy, bà con phớt lờ cho qua.

“Trong xã có nhiều khu vực sạt lở nặng, chia cắt giao thông nông thôn, phải rào cắm cả năm mới khắc phục được. Tôi quyết tâm cùng với các anh em đi từng nhà, từng hộ. Hộ nào không có cây, không có nhân công, tôi cùng với một số cán bộ của ấp đốn cây, xin hỗ trợ thêm từ UBND xã để giúp bà con kè mé sông, quăng đất lên để lộ hạn chế sạt lở”, bà Điệp bộc bạch.

Những cán bộ ấp bà Điệp đề cập ở đây đều là những chú, bác tuổi đời trên năm mươi, nhiệt tình và xông xáo trong công việc của ấp. Nhờ đó, việc vận động tuyên truyền đến người dân cũng phát huy hiệu quả cao hơn. Là cánh tay đắc lực giúp ấp So Đũa Lớn hoàn thành công tác xây dựng NTM.

Không có một bí quyết nào vận động hiệu quả bằng cách thông cảm, hết lòng với bà con. Bà Điệp tiếp tục kể một câu chuyện khi vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Bà con than không tiền “thủng thẳng” mua, bà Điệp lại xuất tiền cá nhân cho mượn tạm hoặc đứng ra mua trước bảo hiểm y tế, rồi bà con hoàn trả lại tiền sau. Sự thấu hiểu đó, người dân ấp So Đũa Lớn rất ít khi từ chối lời vận động của bà.

Khi chúng tôi hỏi nhiều năm gắn bó với công việc này, tuổi đã lớn, bà có cảm thấy quá sức không?

Trong ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết công việc, bà Điệp nhấn mạnh là sắp xếp ổn hết nên không mệt. Ấp So Đũa Lớn có 315 hộ, thuận lợi là các gia đình nằm liền kề, lộ nông thôn tới từng nhà nên công tác vận động cũng thuận lợi. Đôi lúc công việc nhiều dồn cùng một lúc, làm không xuể, phải làm thêm ban đêm. Các biên bản, báo cáo bà đều phải kiểm tra, chỉnh sửa bằng tay để tránh sai sót.

Phá vỡ không gian yên tĩnh của buổi trò chuyện, bà Điệp chia sẻ một câu chuyện vui trong một buổi tham gia tổ hòa giải. Các đối tượng không đồng tình, cự cãi nhau, bản thân rất bực. Bỏ ra ngoài để lấy tinh thần, rồi lại vào tiếp tục thuyết phục cho đến khi thành công, đó là chiến thuật của người làm công tác hòa giải như bà Điệp.

Cơ sở hạ tầng ở xã Thạnh Xuân nhiều năm liền được đầu tư, năm sau khang trang hơn năm trước. Hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi, việc chuyển đổi cây trồng của người dân trong xã theo hướng giá trị kinh tế cao cũng phát huy hiệu quả. Nhờ đó, thu nhập, đời sống vật chất được nâng lên đáng kể.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, khẳng định, những thành quả xây dựng NTM, không thể phủ nhận vai trò của những cán bộ không chuyên trách. Đó là cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực cho huyện đưa chủ trương của tỉnh xuống từng hộ gia đình.

Tại mỗi địa phương, đội ngũ cán bộ không chuyên trách có những đặc thù công việc khác nhau, nhưng khối lượng công việc họ đảm nhiệm không hề nhỏ. Thời gian qua, huyện Châu Thành A cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho các cán bộ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời có chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời, để khích lệ tinh thần cống hiến cho địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.