| Hotline: 0983.970.780

Những người thầm lặng làm nên diện mạo mới

Người phụ nữ kéo nhiều gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo

Chủ Nhật 09/07/2023 , 17:08 (GMT+7)

TP. Cần Thơ Nữ lãnh đạo hợp tác xã đầu tiên đưa cây chanh không hạt về trồng trên xã nông thôn mới Trường Long, kéo nhiều gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo.

LTS: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai sâu rộng tại các địa phương trong cả nước. Tại ĐBSCL, với đặc thù trọng điểm sản xuất nông nghiệp, quá trình xây dựng nông thôn mới xuất phát điểm từ chính đại bộ phận người nông dân, hợp tác xã. Ngoài ra, còn có sự góp sức không nhỏ của một bộ phận cán bộ khuyến nông chuyên trách ở các xóm ấp.

Loạt bài này tác giả không đi vào những con số, chỉ tiêu hay kết quả cụ thể mà các địa phương đã thực hiện. Mà phác họa chân dung của những người thầm lặng, làm nên bộ mặt nông thôn ở vùng quê đồng bằng hôm nay.

Kinh tế tập thể lan tỏa trong chị em phụ nữ

Chúng tôi đi qua nhiều con đường, tuyến phố của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ trong giai đoạn phát triển. Nơi đô thị buôn bán đông đúc, vào sâu vùng nông thôn, xe cộ cũng tấp nập vận chuyển nông sản sầm uất, náo nhiệt cả một vùng.

Thu hút tôi nhất có lẽ là xã Trường Long, mang sự yên bình đến lạ. Dọc tuyến lộ từ trung tâm xã đi về các ấp, mùa hè hoa phượng nở đỏ rực, đường xá vắng lặng, tôi phải chờ rất lâu để “bắt” được khoảnh khắc một hai chiếc xe máy chạy ngang đường, đưa tay bấm máy chụp một bức ảnh.

Mùa này ở Trường Long, các vườn cây ăn trái đã thu hoạch xong, bà con bắt đầu chăm sóc, cải tạo lại vườn cho vụ mùa mới, nên ít khi có mặt ở nhà.

Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Trường Long ngày thêm khởi sắc. Ảnh: Kim Anh.

Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Trường Long ngày thêm khởi sắc. Ảnh: Kim Anh.

Thông qua giới thiệu của Hội liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ, chúng tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) chanh không hạt ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long. Đây là mô hình kinh tế tập thể của thành phố do hội viên phụ nữ đứng ra thành lập và phát triển.

Là giao liên một thời xông pha chiến trường, thời bình bà Nguyễn Thị Huệ tiếp tục tham gia mặt trận kinh tế. Xuất phát điểm kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập quanh năm chủ yếu dựa vào vài công đất trồng lúa.

Đi nhiều nơi, bà Huệ nhận thấy mô hình trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Từ đó, năm 2009 bà bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật, đồng thời cải tạo lại toàn bộ diện tích đất lúa chuyển sang trồng chanh không hạt, với 500 cây giống đầu tiên được trồng trên quy mô 0,5 ha.

Hiệu quả đến từ thực tế, bà Huệ bắt đầu phổ biến kỹ thuật, vận động nhiều bà con trong xã cùng tham gia, lập nên tổ hợp tác trồng chanh không hạt và dần nâng lên thành hợp tác xã (HTX) đến hôm nay. “Đứng chân” trong vai trò lãnh đạo HTX đã là một khó khăn, thách thức, đặc biệt lại là phụ nữ, không biết lái xe, tuổi tác cũng không cho phép bà Huệ có nhiều không gian phát triển.

Nhẹ nhàng bà Huệ nói, thời điểm đầu vận động hội viên tham gia rất khó khăn, do bà con thiếu điều kiện đầu tư cây giống và nguồn vốn để cải tạo vườn, bà sẵn sàng xuất tiền cho mượn tạm.

Cái khó biến thành dễ dàng, thấy được mô hình hiệu quả, nhất là mức độ uy tín mà bà Huệ đã xây dựng được, từ đó nhiều bà con trong xã cùng nhau liên kết tham gia làm ăn tập thể. Thành lập nên HTX chanh không hạt với 25 thành viên, diện tích canh tác trên 13ha, do bà Nguyễn Thị Huệ đứng ra làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Với sự hỗ trợ cây giống từ Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền, hàng năm HTX đều được trợ giá 50% cây giống, xã viên tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư. Hơn nữa, từ năm 2015, HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu. Nhờ đó giá bán luôn cao và ổn định. Khởi đầu thuận lợi đã giúp HTX chanh không hạt Trường Long vươn lên trở thành một trong những HTX làm ăn hiệu quả của huyện Phong Điền.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX chanh không hạt ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền, HTX đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo của TP. Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX chanh không hạt ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền, HTX đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo của TP. Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Chia sẻ về những ngày đầu thành lập HTX, bà Huệ bộc bạch, hầu hết hội viên đều là hộ nghèo, cận nghèo của xã. Nhờ quyết tâm phát triển cây chanh không hạt, đến nay toàn bộ xã viên của HTX đều thoát nghèo, thậm chí có hộ thu nhập lên đến cả tỷ đồng một năm. Góp phần cùng với địa phương giảm bớt áp lực về thu nhập và an sinh xã hội.

So với một số loại cây ăn trái khác, chanh không hạt giá trị thấp hơn, nhưng nhẹ chi phí đầu tư và công chăm sóc. Quan trọng vẫn là đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập bền hàng tháng.

Chia sẻ về một quãng thời gian “khủng hoảng”, bà Huệ bùi ngùi, có thời điểm giá chanh xuống thấp, một số bà con lần lượt xin rời khỏi HTX để lựa chọn mô hình sản xuất khác. HTX là cả một đời tâm huyết, chứng kiến tình cảnh này, bà Huệ xót lắm, dùng mọi cách để vận động, tìm hiểu lí do và có những đề đạt để chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ.

Nhờ đó, đến nay HTX đã giữ chân được những xã viên nòng cốt. Tín hiệu vui là sau nhiều lần chuyển đổi, một số xã viên cũ bắt đầu cải tạo vườn để quay trở lại trồng chanh không hạt. Nhiều nông dân đang phát triển trồng chanh không hạt trên địa bàn cũng có nguyện vọng được tham gia vào HTX.

Phát triển HTX để không còn ai là hộ nghèo

Sinh ra, lớn lên trên vùng đất cách mạng Trường Long, bà Nguyễn Thị Huệ may mắn chứng kiến toàn bộ quá trình “thay da đổi thịt” của vùng quê. HTX chanh không hạt được thụ hưởng nhiều thành quả từ khi xã phát triển nông thôn mới. Thời điểm HTX được thành lập trùng với dấu mốc xã Trường Long đạt chuẩn xã nông thôn mới. Nhờ đó HTX có nhiều cơ hội để phát triển, khai thác tốt lợi thế về hạ tầng giao thông, bà con xã viên có điều kiện dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chanh không hạt là một trong những sản phẩm cây ăn trái chủ lực của xã Trường Long, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Chanh không hạt là một trong những sản phẩm cây ăn trái chủ lực của xã Trường Long, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Kim Anh.

Kể về giai đoạn cách đây khoảng 10 năm, bà Huệ cho biết, đường đi khá xập xệ. Doanh nghiệp từ TP. Cần Thơ xuống thu mua hàng bằng xe tải không thể vào sâu. HTX phải tập trung nhân lực, phương tiện để chuyên chở sản phẩm ra đường lớn. Trường hợp thiếu người, phải tận dụng đường sông để đưa hàng hóa ra.

Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, lãnh đạo UBND xã Trường Long đã xác định rất nhiều thách thức phía trước. Ông Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch UBND xã bày tỏ, xuất phát điểm của xã là địa bàn trải rộng tới 16 ấp, mật độ dân cư lại tương đối đông.

Hơn nữa, kinh tế chủ yếu của bà con dựa vào phát triển nông nghiệp, chủ yếu trồng cây ăn trái. Vì thế việc nâng cao thu nhập và giữ vững được mức thu nhập đó qua từng năm cho bà con rất nhiều trăn trở.

Qua những hiệu quả bước đầu của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, nhất là sự phát triển của HTX chanh không hạt giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Lãnh đạo xã Trường Long lựa chọn luôn điểm nhấn trong chương trình xây dựng nông thôn mới là chú trọng phát triển HTX.

Sau khi được UBND TP. Cần Thơ công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới xã Trường Long bắt đầu dồn lực, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình.

Qua thời gian từ năm 2016 đến nay, ông Truyền phấn khởi cho biết, thu nhập của người dân trong xã phát triển rõ rệt, đạt mức bình quân trên 74 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, vấn đề ông Truyền băn khoăn, khi nguồn thu nhập này chưa mang tính bền vững. Bà con buộc phải thay đổi cách thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, không chạy theo lợi nhuận từ thị trường. Nhất là với những nông dân đang tham gia vào HTX phải đảm bảo giữ vững mối liên kết với doanh nghiệp, hài hòa lợi nhuận, để duy trì hợp tác dài lâu.

Xã Trường Long có hơn 89ha trồng chanh không hạt, sản lượng ước đạt gần 937 tấn/năm. Ảnh: Kim Anh.

Xã Trường Long có hơn 89ha trồng chanh không hạt, sản lượng ước đạt gần 937 tấn/năm. Ảnh: Kim Anh.

Theo lãnh đạo xã Trường Long, hiện nay xã đang tiếp tục củng cố, tạo điều kiện để HTX phát triển tốt, nâng chất hội viên, đó là cách ổn định thu nhập người dân hiệu quả nhất.

“Việc tổ chức, cơ cấu sản xuất phải làm sao để người dân tham gia vào các tổ hợp tác, HTX nhiều hơn, sản xuất theo quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”, ông Truyền bày tỏ.

Trước thời điểm năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã Trường Long khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo lại khá cao trên 200 hộ. Đến nay, toàn xã chỉ còn 2 hộ nghèo. Địa phương đang tiến hành rà soát lại những khó khăn về nhà ở hoặc nguồn vốn phát triển kinh tế của bà con để có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo.

Huyện Phong Điền hiện có trên 241ha trồng chanh không hạt, với sản lượng ước đạt hơn 2.400 tấn/năm. Trong đó, xã Trường Long chiếm hơn 89ha, sản lượng hàng năm ước đạt gần 937 tấn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.