| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Tan cửa nát nhà vì "tín dụng đen"

Thứ Ba 25/05/2010 , 07:30 (GMT+7)

Với lãi suất cắt cổ (từ 8-10% tháng) thì hầu hết những người dính phải tín dụng đen thường không có khả năng chi trả do lãi mẹ đẻ lãi con quá nhanh...

Với lãi suất cắt cổ (từ 8-10% tháng) thì hầu hết những người dính phải tín dụng đen thường không có khả năng chi trả do lãi mẹ đẻ lãi con quá nhanh. Mẫu số chung là họ đẩy bị đẩy vào cảnh tan cửa, nát nhà.

Hàng loạt người dân ở An Hòa (huyện Long Thành), phường Bình Đa (TP Biên Hòa) nhiều năm qua phải gồng mình trả lãi dù họ chỉ vay vài chục triệu đồng từ một chủ “tín dụng đen”. Tiếp xúc với NNVN hàng loạt người nuôi heo và buôn bán tạp hóa ở ấp khu 4, ấp An Hòa xã An Hòa cho biết đang bị bà L.T.M.H ngụ phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa) cho vay nặng lãi đến nghẹt thở. Người dân muốn được vay tiền của bà H phải thông qua một phụ nữ môi giới có tên là T.N.A thường gọi là B.G. 

Người dân đang tố dấu hiệu lừa đảo của trùm “tín dụng đen” với Báo NNVN

Theo luật bất thành văn, người vay muốn cầm tiền tươi phải đóng ngay 10% tổng số tiền được vay để “lại quả” cho người môi giới. Chưa hết, người cho vay còn quy định, muốn được vay phải ký giấy nợ với số tiền gấp đôi thực nhận, nếu không ký thì khỏi vay. Chính vì kiểu “tình ngay – lý gian” này khiến cho nhiều nông dân đã mất đất, mất nhà.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - một nạn nhân ở xã An Hòa phẫn uất cho biết “Tui vay có 20 triệu mà cô H bắt phải ghi giấy nợ 40 triệu, không thì không cho vay”. Bi kịch ập đến gia đình bà Mai khi đứa con trai bị tai nạn mà nhà lại không có tiền vì chăn nuôi thất bát. Nhờ “mối lái” của bà B.G, đầu năm 2008 bà Mai vay 20 triệu với lãi suất 8%/tháng (mỗi tháng tiền lãi đã 1,6 triệu đồng). Tuy nhiên sau khi nhận được 20 triệu bà Mai phải ngắt ra 2 triệu để đóng cho bà B.G 10% môi giới. Từ khi vay, hàng tháng giá đình bà Mai còng lưng chăn nuôi, buôn bán tạp hóa để gom tiền đóng lãi cho bà H đầy đủ. Tháng 9/2009, bà Mai không còn khả năng trả lãi thì bà H hối thúc bán căn nhà mà bà đang ở để trả nợ”. Bà Mai nói như khóc, ngày nào bà H cũng cho người đến đòi nợ, nếu không trả thì phải cấn trừ nhà… 

Một nạn “nhân tín dụng đen” phải bán nhà, làm lều ở tạm ngay khu vực nhà mồ

Tương tự, năm 2008 ông Phạm Thanh Nhàn bị tai nạn giao thông phải điều trị lâu ngày nên bà Nguyễn Thị Kim Chi (ngụ P. Bình Đa, TP Biên Hòa) đã chạy đôn chạy đáo vay tiền để thanh toán viện phí cho chồng. Gần hai năm chạy chữa hết bệnh viện này sang bệnh viện khác, đồng thời một mình phải nuôi sáu đứa con nên bà Chi nghe theo một người xe ôm khu vực bến xe khách Đồng Nai tìm đến bà H chấp nhận vay tiền với lãi suất 10%/tháng. 5 lần vay với tổng số tiền 165 triệu đồng, nhưng bà H. bắt phải ghi giấy nợ tới…280 triệu đồng. Tiếp chúng tôi tại căn nhà đã bị tòa án TP Biên Hòa tuyên buộc phải trả cho H., bà Chi sụt sùi khóc: “Còn mỗi căn nhà để ở mà cô H. ép cả nhà tôi phải ra đường”.

Liên quan đến vụ việc này, hàng chục nạn nhân đã gửi đơn tố cáo hành vi cho vay nặng lãi và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà H đến các cơ quan pháp luật TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay có hàng chục người là nạn nhân của “tín dụng đen” do bà H làm chủ và đều không có khả năng chi trả như chị Nguyễn Thị Nhung, Dương Thị Lý Em, Đào Thúy Oanh, Trần Thu Thủy, Huỳnh Ngọc Sáng, Lê Thị Thu... Các nạn nhân muốn tiếp cận tín dụng đen thường thông qua bà B.G hoặc một số xe ôm. Hàng ngày bà B.G và một số “chân rết” của bà H có vai trò tìm người có nhu cầu cấp bách về tiền để gạ gẫm.

Theo đó bà H sẽ trả 10% phí môi giới, bù lại sẽ nhắm đến việc ép mua bằng được nhà của các nạn nhân với giá rẻ mạt. Việc các nạn nhân phải ghi số nợ gấp đôi số tiền họ vay thực tế, theo giải thích của các nạn nhân là do bà H. nói: “Phòng ngừa trường hợp người vay không trả lãi thì số tiền chênh lệch đó là lệ phí để cho tòa án và thi hành án”.

Trở lại trường hợp của bà Chi, sau khi vay tổng cộng 165 triệu, nhưng bà H bắt phải viết giấy nợ 280 triệu và sau đó ký “Hợp đồng mua bán nhà” cũng với đúng giá tiền đó. Bà thắc mắc “Tui có bán nhà đâu mà phải ký vào hợp đồng?” thì bà H. giải thích: “Đó là thủ tục làm bằng chứng để trả nợ, ai vay tiền cũng phải như vậy”. Ngay sau có được “hợp đồng”, bà H liền làm đơn kiện ra tòa, buộc bà Chi phải giao nhà như cam kết trong hợp đồng. Thực tế căn nhà Chi trị giá hơn 700 triệu, giờ phải bán 280 triệu, đau xót quá.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.