Đề phòng thiếu nước ngoài công trình thủy lợi
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong vụ mùa 2022 ở Đông Nam bộ, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi cung cấp nước của các công trình thủy lợi khoảng 84.088 ha (40.881 ha lúa, 42.325 ha các loại rau màu, cây hàng năm, cây lâu năm, 882 ha thủy sản).
Đến ngày 11/11/2022, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Đông Nam bộ đạt từ 69 ÷ 93% dung tích thiết kế (DTTK). Trong đó, tổng dung tích các hồ thuộc lưu vực sông Đồng Nai đạt 86,4% DTTK; tổng dung tích các hồ lưu vực sông Sài Gòn hiện đạt 93,3%; tổng dung tích các hồ lưu vực sông Bé hiện tại đạt 77,5%.
Với tình hình nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) như trên và dự báo mưa trong thời gian vụ mùa 2022, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, nhìn chung toàn vùng đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, nguy cơ hạn hán, thiếu nước có khả năng xảy ra tại các vùng tưới ngoài phạm vi các công trình thủy lợi. Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo người dân ở khu vực Đông Nam bộ cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho vụ mùa 2022 và cả vụ đông xuân 2022-2023, đặc biệt là các CTTL nhỏ, vùng ngoài CTTL phụ trách tưới.
Chuẩn bị nguồn nước cho sản xuất
Đến thời điểm này, nhiều địa phương ở Đông Nam bộ đã lên các phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2022-2023. Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai cho biết, căn cứ khả năng phục vụ của các CTTL trên địa bàn, Chi cục đã lên kế hoạch tưới, tiêu, cấp nước năm 2023 với tổng diện tích là 63.999 ha (tăng 1.045 ha so với năm 2022). Trong đó, diện tích tưới là 47.575 ha, diện tích tiêu là 10.470 ha, diện tích ngăn mặn là 5.953 ha; cấp nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp khoảng 37.710.000 m3/năm.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2022-2023, ngoài các công việc như kiểm tra, sửa chữa CTTL, nạo vét kênh mương ..., ngành nông nghiệp Đồng Nai và các huyện sẽ phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân vào vụ đồng loạt để nâng cao hiệu quả phục vụ tưới, không mở rộng thêm diện ngoài kế hoạch và ngoài khả năng phục vụ của công trình.
Thường xuyên tổ chức thăm đồng nhằm đánh giá hiệu quả phục vụ sản xuất của các CTTL, làm cơ sở nghiệm thu hợp đồng đặt hàng diện tích sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; nghiên cứu mở rộng hệ thống kênh mương để mở rộng khu tưới của CTTL, nhằm phát huy tối đa khả năng phục vụ của công trình.
Các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Long Thành thường xuyên rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất (Khu tưới của đập Năm Sao, đập Đồng Hiệp, hồ Gia Ui, đập Lang Minh, hồ Suối Vọng, đập Bàu Tre …), qua đó triển khai kế hoạch phục vụ sản xuất, phương án ứng phó phù hợp.
Các huyện Nhơn Trạch, Long Thành theo dõi chặt chẽ diễn biến ảnh hưởng xâm nhập mặn đối với cây trồng tại các khu vực trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi Ông Kèo và hệ thống bờ bao thuộc các xã Phú Hữu, Phú Hội, Đại Phước, Long Tân; báo cáo kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý diện tích bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra.
Tuyên truyền, vận động người dân chủ động sản xuất và thu hoạch sớm nông sản, đề tránh thiệt hại do xâm nhập mặn; đắp bờ bao, bờ vùng, bờ thửa để ngăn mặn; nạo vét kênh mương nội đồng, để đảm bảo việc lấy nước phục vụ sản xuất.