| Hotline: 0983.970.780

Dòng nhựa trắng tuôn chảy trên vùng đất biên giới

Thứ Năm 10/06/2021 , 09:59 (GMT+7)

Từ một vùng đất xa xôi, hẻo lánh không có người ở của tỉnh Kon Tum, nhưng chỉ sau 14 năm cây cao su bén rễ đã hình thành một vùng dân cư trù phú.

Cách đây 14 năm, thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo của Chính phủ và được sự đồng ý của tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP đã cho phép Cty Cổ phần Mang Yang Rattanakiri thành lập Cty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray vào ngày 11/8/2007 và được tỉnh Kon Tum cấp phép chứng nhận đầu tư trồng cao su tại địa bàn 2 xã Ia Tơi, Ia Đal, huyện Sa Thầy, nay là huyện Ia H’Drai.

Lãnh đạo Công ty cao su Chư Mom Ray nhận thưởng từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP vì đã hoàn thành sớm kế hoạch năm 2020. Ảnh: Ngọc Thăng.

Lãnh đạo Công ty cao su Chư Mom Ray nhận thưởng từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-CTCP vì đã hoàn thành sớm kế hoạch năm 2020. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cty TNHH MTV Cao su Mang Yang được giao trách nhiệm là Cty mẹ để kịp thời điều động nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và nguồn vốn để giúp cho Cty triển khai thực hiện dự án, tổng diện tích được chuyển đổi là 6.440,3 ha, nằm dọc theo chiều dài 30 km giáp với đường biên giới tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia.

Đi dưới tán rừng cao su thẳng tắp xanh ngút tầm mắt, những dòng nhựa trắng tuôn trào được công nhân cạo từ sáng sớm, ông Nguyễn Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này với đầy gian nan vất vả, ông kể “Ngày đầu chỉ với 5 cán bộ được chúng tôi điều động lên Cty Cao su Chư Mom Ray do đồng chí Trương Minh Tiến làm Giám đốc, trong lúc địa bàn của dự án hết sức khó khăn, hệ thống đường sá đi lại hầu như chưa có, không có nhà cửa, chỉ có 3 đồn biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng hoang vắng, mùa mưa đường lầy lội, anh em phải dựng lán trại ở tạm, tận dụng nước mưa để sinh hoạt ăn uống, mùa nắng khô khốc, nguồn nước không có. Địa hình rừng núi hiểm trở chia cắt, bệnh sốt rét rừng tưởng chỉ còn là trong quá khứ nay lại quay trở lại”.

Khó khăn là vậy nhưng bằng ý chí, sự nỗ lực và quyết tâm của người cán bộ đảng viên và Lãnh đạo Cty, sự sát cánh, quan tâm và chỉ đạo của Cty mẹ và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP, sự quan tâm và hỗ trợ của UBND tỉnh Kon Tum đã giúp cho Cty tổ chức triển khai thực hiện thành công dự án.

Ngay sau khi dự án được cấp phép, Ban Lãnh đạo Cty bắt tay ngay vào triển khai dự án; công tác khai hoang, chuẩn bị cây giống, vật tư, xây dựng lán trại và chuẩn bị nguồn nhân lực được thực hiện ngay sau đó.

Vườn cây của Công ty Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Ngọc Thăng.

Vườn cây của Công ty Cao su Chư Mom Ray. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ông Thịnh cho biết, ngày đầu thực hiện nhiệm vụ trồng mới thiếu nguồn lao động là vấn đề trở ngại lớn nhất của Cty, nhiều nguồn lao động được đưa vào nhưng do điều kiện ăn ở, đi lại quá khó khăn, cán bộ, người lao động đi làm chủ yếu là đi bộ, nhiều chuyến xe vận chuyển vật tư, cây giống phải tăng bo tới 4, 5 chặng mới vào được dự án.

Mặc du gặp nhiều khó khăn nhưng từ năm 2007 đến năm 2013, Cty đã hoàn thành công việc trồng mới được trên 3.660 ha cao su, Cty thành lập 3 nông trường trực thuộc với 537 cán bộ công nhân viên.

Cũng trong giai đoạn này, để tạo sự ổn định về đời sống, sinh hoạt cho người lao động yên tâm lập nghiệp nơi vùng quê mới, Cty đã đầu tư hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt đến các nông trường và khu dân cư với tổng số tiền lên tới 34,5 tỷ đồng, đầu tư hệ thống nhà trẻ ở các nông trường, đầu tư trung tâm y tế với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống xét nghiệm, máy xét nghiệp, siêu âm, xe cứu thương 15,26 tỷ đồng và hỗ trợ cho mượn vốn ở Cty và vay vốn ở các ngân hàng xây dựng hàng trăm căn nhà. Từ đó sắc thái của vùng kinh tế cao su bắt đầu hình thành.

Năm 2014, đã đánh dấu cột mốc quan trọng với sự kiện mở miệng cạo khai thác 100 ha cao su, rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản 1 năm so với quy định. Những dòng nhựa trắng đầu tiên đã tuôn chảy trên mảnh đất vùng biên giới trong sự vui mừng của toàn thể cán bộ nhân viên Cty. Năng suất vườn cây qua các năm cũng không ngừng tăng lên. Nếu như năm thứ nhất năng suất đạt 8 tạ/ha, năm thứ 2 đạt 1 tấn/ha, năm thứ 3 đạt 1,2 tấn/ha và đến năm thứ 4 đã tăng lên 1,5 tấn/ha, trong tương lai nhiều khả năng năng suất đạt 2 tấn/ha trở lên.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh cho biết thêm, hiện nay, Cty đang quản lý hơn 5.142 ha. Năm 2021, Cty phấn đấu khai thác đạt sản lượng 6.559 tấn mủ quy khô, doanh thu 240 tỷ đồng, lợi nhuận 33 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng. Cty đã tạo công ăn việc làm cho 1.052 người lao động, trong đó có 786 người là đồng bào dân tộc tại chỗ, với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển cao su, Cty Cao su Chư Mom Ray đã đầu tư xây dựng công trình trụ sở Cty, 4 nông trường trực thuộc và 27 nhà tổ sản xuất, 250 căn nhà cho công nhân với số tiền 69,2 tỷ đồng. Hệ thống điện, nước sinh hoạt được kéo đến từng nhà công nhân.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.