| Hotline: 0983.970.780

Đồng vốn Agribank sinh ra lợi nhuận để phát triển bền vững

Thứ Năm 24/11/2022 , 17:58 (GMT+7)

Ngân hàng luôn đồng hành và hỗ trợ cho khách hàng. Sự sâu sát và chia sẻ của Agribank càng giúp khách hàng thấu hiểu trách nhiệm của mình trong việc sử dụng đồng vốn.

Công ty Liên Thắng đánh giá cao sự đồng hành giúp đỡ đầy trách nhiệm của Agribank Tây Nghệ An. Ảnh: Văn Hùng

Công ty Liên Thắng đánh giá cao sự đồng hành giúp đỡ đầy trách nhiệm của Agribank Tây Nghệ An. Ảnh: Văn Hùng

Vốn sinh ra lời

Gia đình anh Phạm Văn Hội ở xóm Phú Tiến, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An được người dân trong vùng ngợi khen là tấm gương làm kinh tế giỏi. Chúng tôi hỏi anh Hội, điều đó có đúng không? Anh cười rồi chia sẻ quãng thời gian vợ chồng anh lập nghiệp ở vùng đất này.

Chuyện anh kể, từ năm 1995 thực hiện chủ trương trồng rừng 327, gia đình di dân ra vùng này. Khi đó đất nông trường nên chưa thành lập xã vì thế ba năm đầu khó khăn bộn bề, nhất là đồng vốn. Mãi đến năm 1998 anh mới vay 8.000.000 đồng từ Agribank.

Số vốn này, anh mua 11 con bò để vỗ béo. Sau 6 tháng bán 1 lứa 6 con. Chừng ấy đủ vốn trả hết nợ cho ngân hang. Tiếp đến thấy bò laisin hiệu quả, anh làm hồ sơ vay Agribank 25 triệu để mua 7 con bò laisin. Cứ như thế vốn sinh ra lời. Không một phút ngơi nghỉ, vợ chồng anh gắn bó với mảnh đồi 0,7 ha khi chưa có bìa đất nhưng dần hình thành một mô hình chăn nuôi phát huy hiệu quả.

Cứ cái vòng quay vay vốn mua bò, rồi bán bò để có tiền trả nợ ngân hàng, anh Hội có thêm dư dả mua thêm bò và dần tiến tới mua thêm đất. Từ năm 2001 có nhà máy mía đường mới xây trên địa bàn thế là đến năm 2005, anh vay thêm 50 triệu từ Agribank để đầu tư phát triển cả cây trồng bên cạnh chăn nuôi.

Anh Hội cho hay, năm 2017 anh vay Agribank 2,5 tỷ đồng. Lúc này anh không chỉ sản xuất mà còn thu mua sản phẩm cho bà con trong vùng nên công việc cứ bị cuốn theo bởi sự hối thúc đồng vốn và sức tiêu thủ hàng nông sản trên địa bàn. Chính nhờ sự chịu thương chịu khó và dám mạnh dạn vay vốn làm ăn nên hơn 1 năm sau anh đã trả được cho ngân hàng 2,5 tỷ đồng và còn tích luỹ thêm để duy trì phát triển.  

Vì thế, đến thời điểm này, quy mô diện tích canh tác của gia đình anh Hội đã có trên chục ha đất. Anh bảo, làm ra được lợi nhuận đồng nào là đưa đi mua đất mở rộng quy mô chứ không mang tiền đi gửi ngân hàng. “Chỉ vay ngân hàng thôi”, anh cười và bảo, tại thời điểm này tổng tài sản đang được định giá 11 tỷ đồng trong khi vốn vay của ngân hàng chỉ có 500 triệu đồng.

“Tôi vay vốn không có gì là áp lực. Khoản nào ra khoản đó, sử dụng đúng mục đích. Nghe loa xóm thông báo hạn thu lãi, thu vốn là phải chuẩn bị đủ tiền để thanh toán. Nói chung có vốn vay nhưng làm ăn phải biết tính toán để điều khiển đồng vốn sinh ra lợi nhuận”, anh Hội chia sẻ kinh nghiệm.

Chúng tôi hỏi về lợi nhuận tạm tính một năm, không cần giở sổ, anh liệt kê vanh vách từng khoản. Anh bảo, trồng keo 4-5 năm thu hoạch cho lợi khoảng 100 triệu/ha. Vườn cây ăn quả có 500 gốc bưởi diễn lãi tạm tính 40 triệu; 700 gốc ổi lãi khoảng 150 triệu; 2ha mía lãi khoảng 90 triệu; lợn bán mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 100 con, tính ra lãi khoảng 150 triệu. Tổng lãi cho cả trang trại một năm được khoảng 500 triệu đồng.

“Nhưng lợn thì xanh đỏ thôi nhé, cũng trấp trêu lắm”, anh Hội như muốn nhắc lại những lần thất bại trong chăn nuôi do dịch bệnh và giá thức ăn tăng, giá bán giảm… Anh bảo, tại thời điểm này chuồng có 130 con sắp xuất chuồng, mỗi ngày chi phí tiền ăn hết khoảng 4,5 triệu đồng. Nếu giá rớt tiếp thì coi như thua chỗ chăn nuôi đấy!

Từ chỗ vay 8 triệu đến nay dư nợ của anh Phạm Văn Hội là 500 triệu nhưng quy mô tài sản anh đang có khoảng 11 tỷ đồng. Ảnh: Thiện Nhân

Từ chỗ vay 8 triệu đến nay dư nợ của anh Phạm Văn Hội là 500 triệu nhưng quy mô tài sản anh đang có khoảng 11 tỷ đồng. Ảnh: Thiện Nhân

Trực tiếp đi thăm trang trại anh Hội tôi mới hiểu vì sao anh chỉ vay vốn mà không chịu gửi tiền vào ngân hàng. Từ chỗ chỉ có 0,7ha chưa có bìa đất và vay 8 triệu đồng để làm ăn đến nay anh đã có trong tay hơn chục ha đất vàng. Và mặc dù lãi mỗi năm 500 triệu đồng nhưng hiện dư nợ của anh tại ngân hàng hàng tháng vẫn đóng lãi cho Agribank đều đặn.

Tôi cũng công nhận việc sử dụng đồng vốn vay của anh là đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Để rồi cuối cùng tôi thừa nhận ý kiến của anh ngay từ đầu gặp, anh nói đúng, làm trang trại phải nhìn vào ngân hàng.

Hỏi anh về tình hình con cái, anh bảo, có hai người con. Con gái đã lập gia đình và làm việc gần bố mẹ, con trai học lớp 9. “Các con thương bố mẹ nên cũng rất nỗ lực cố gắng”, anh Hội vui mừng.

Luôn tin tưởng vào sự đồng hành của Agribank

 Một người khác chúng tôi gặp cũng vui mừng không kém như anh Hội. Đấy là anh Trần Minh Tuyền, giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Liên Thắng ở thị xã Thái Hoà, Nghệ An.

Tuyền sinh năm 1984. Tốt nghiệp THPT, Tuyền thi đỗ Đại học Hàng Hải, ra trường làm việc trên tàu biển được 7 năm, từ thợ máy lên sỹ quan vận hành máy 2. Cuối 2011, Tuyền nghỉ việc và một năm sau đó lập Công ty Liên Thắng.

Tuyền chia sẻ, tại thời điểm ấy nhìn thấy nhựa Tiền Phong tiêu thụ khá nhiều ở Hải Phòng, nhà máy lớn. Qua giới thiệu, gặp được một người cùng quê đã gợi ý cho Tuyền mở điểm bán nhựa Tiền Phong tại Vinh và ở quê Thái Hoà.

Thế rồi Tuyền gác bằng Đại học để bắt đầu công việc kinh doanh mới bằng nghề bán ống nước và thiết bị vệ sinh. Sau 6 năm thì mở rộng quy mô ngành máy bơm nước. Sau 3 năm phát triển tốt nên Công ty mở rộng, nhập thêm sản phẩm và cung ứng đến 44 tỉnh, thành trong cả nước và hiện sản phẩm đã có mặt thị trường nước Lào.

Tuyền nhớ lại năm 2012 khi mở kho bán tại quê, đồng vốn không đáng kể và trước xu thế phát triển và nhìn thấy tiềm năng nên Tuyền quyết định vay vốn của Agribank để đầu tư. Lúc đầu vay khoảng 1 tỷ đồng, giờ thì vay lớn hơn nhưng quy mô và tổng tài sản thì lại rất lớn.

Từ lúc đầu chỉ có 2 người cùng làm, sau 10 năm Công ty đã có 100 người. Doanh số những năm đầu đạt khoảng 10 tỷ đồng, đến nay doanh thu thuần cũng đạt hơn 600 tỷ đồng/năm. Cả nước có 44 nhà phân phối ở 44 tỉnh thành và 3.000 đại lý bán lẻ ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Sản phẩm đã cung cấp cho nhiều đơn vị sử dụng và được đánh giá đảm bảo. Trong đó có nhà máy sắn Anh Sơn (cung ứng đến 35 tỷ tiền hàng); nhà máy sắn ở Lào (cung ứng đến 40 tỷ đồng); Công ty Hà Huy lấy đến 40 tỷ tiền hàng và các đối tác lớn ở Hải Phòng đang lấy sản phẩm khoảng 100 tỷ đồng.

Nỗ lực chịu khó và biết cách kinh doanh nên đời sống cho 100 cán bộ, nhân viên trực tiếp tại Công ty khấm khá. Tuyền bảo, anh cứ ghi chép đầy đủ và phản ánh những gì em chia sẻ để khi chính người trong Công ty đọc em cũng không cảm thấy ái ngại vì đó là sự thật và chân thành – một triết lý kinh doanh của Công ty Liên Thắng.

Theo đó, mức lương bình quân 8.000.000 đồng/người/tháng. Người cao nhất là 35.000.000 đồng (phân chia theo doanh số), nhiều vị trí khác cũng ở mức 20-25 triệu đồng. Sau 10 năm chưa một ngày nợ lương và hàng năm vẫn có tháng lương 13 cho người lao động.

Cái đáng mừng là không chỉ có lo tốt đời sống cho 100 con người ở Công ty mà lan toả cho hàng ngàn hộ kinh doanh ở đại lý và nhà phân phối có công ăn việc làm đóng góp cho xã hội. Hàng năm Công ty tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi du lịch một chuyến ở nước ngoài để động viên người lao động.

Ngoài ra Công ty còn dành 500 triệu đồng cho hoạt động thiện nguyện. Tuyền bảo, Công ty phối hợp với Công đoàn thị xã, theo đó, công đoàn viên nào trong địa bàn có hoàn cảnh khó khăn khi xây dựng nhà thì những thiết bị liên quan đến điện, nước phía Công ty sẽ hỗ trợ, tài trợ.

“Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, công lao thuộc về nhiều người, nhiều cơ quan trong đó có sự giúp sức rất lớn từ Agribank Chi nhánh Tây Nghệ An. Ngân hàng đã luôn đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Sự sâu sát và chia sẻ của Agribank càng giúp cho chúng tôi thấu hiểu trách nhiệm của mình trong việc sử dụng đồng vốn. Tôi muốn từng cán bộ, nhân viên của mình cũng ý thức với trách nhiệm như thế”, Giám đốc Trần Minh Tuyền chia sẻ.

Liên Thắng là Công ty TNHH đầu tiên tại Nghệ An thành lập Chi bộ Đảng. Việc phát triển đảng viên trong đơn vị đã tăng thêm uy tín và sự gắn bó mật thiết giữa Công ty với Cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể. Ghi nhận những đóng góp của Công ty Liên Thắng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An nhiều năm liền tặng Bằng khen cho Công ty.

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.