Chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Chuyển đổi số quốc gia là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên”.
Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghiệp thông minh phải dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn như đất đai, môi trường, trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, thời tiết, tự động hoá môi trường sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường...
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất kinh doanh, phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy xuất nguồn gốc, nhu cầu thị trường, phân tích hệ gen, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi, dò cá sử dụng sóng siêu âm...
Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hoá hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục các điểm yếu cố hữu như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Đồng thời chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu, thông tin cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ số
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: “Thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ; tận dụng, tranh thủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Đây cũng là giải pháp tổng thể góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững ngành nông nghiệp.
Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.
Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn... Một số doanh nghiệp lớn (VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafoods, Dabaco…) đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp và 79 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12%).
"Toàn ngành Nông nghiệp tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng...”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Tối ưu hoá chi phí và lợi nhuận
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng tăng theo từng giai đoạn, từ 3,4 triệu USD năm 2005 lên 212 triệu USD năm 2010 và đến năm 2020 giá trị xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng đã lên 320 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành, hiện nay, nhờ ứng dụng máy bay không người lái và công nghệ phun ly tâm (có thể cắt nhỏ hạt thuốc bảo vệ thực vật tới kích thước 20 µm), nhiều nông dân miền Tây tiết kiệm được 50% thuốc bảo vệ thực vật và 90% lượng nước.
Trước đây, bà con phải phun tới 200 - 200 lít nước, nhưng máy bay chỉ cần 10 lít nước là có thể phun được 1ha. Qua đó góp phần tối ưu hoá chi phí vật tư dầu vào và công lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Azizz Elbehri - chuyên gia cao cấp, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết: Dựa trên sáng kiến 1.000 ngôi làng số thông minh, chúng tôi đã và đang triển khai rất tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua đó, Chính phủ và các bên liên quan xây dựng hệ sinh thái công nghệ số để tạo dựng những ngôi làng thông minh, bao gồm cả cơ sở hạ tầng mềm, hạ tầng truy cập internet, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, công nghệ số và kích cầu các dịch vụ số... phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nông thôn.
Mô hình này được áp dụng tại 10 quốc gia (và hiện nay đã mở rộng ra 12 quốc gia). Tại Việt Nam, FAO phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bám sát chiến lược chuyển đổi số quốc gia để gắn với dự án ngôi làng số thông minh, đưa sản phẩm dịch vụ số để phục vụ cộng đồng nông thôn tại một số quận, huyện. Qua đó, đánh giá sự sẵn sàng hạ tầng, cũng như kết nối cung cầu và tạo ra môi trường kiến tạo cho số hoá phát triển nông nghệp và nông thôn.
Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ: Trước đây, Israel chẳng có gì ngoài cát, sự khô nóng, nghèo tài nguyên nước, năng lượng và hoá chất. Chúng tôi buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, sản xuất thực phẩm nuôi sống người dân.
Muốn làm được điều đó, từ những năm 50 của thế kỷ trước, chúng tôi bắt đầu hành trình biến sa mạc thành những cánh đồng xanh. Như vậy, phải làm sao để đưa trực tiếp nước, dinh dưỡng vào bộ rễ của cây trồng.
Đến nay, phát minh về công nghệ tưới nhỏ giọt của chúng tôi đã nổi tiếng toàn thế giới - phát triển nông nghiệp chất lượng cao trong điều kiện bất khả thi. Nó không phải là sự ngẫu nhiên mà đây là quá trình dài hơi nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất.
Ở góc độ công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, Israel đã sở hữu công nghệ nhận diện giới tính trong phôi trứng, nhờ đó chủ động lựa chọn sản phẩm đầu ra (gà trống hay gà mái)... Đó chỉ là một trong vô số sản phẩm công nghệ đột phá của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để làm được điều đó, chúng tôi tạo ra một hệ sinh thái “tam giác quan hệ” với 3 đỉnh: Nhà nước - giới học giả, doanh nghiệp khoa học công nghệ và người thụ hưởng (nông dân, trang trại...).
Từ những vấn đề bất cập mà nông dân gặp phải trong sản xuất nông nghiệp, nhà nước sẽ đặt hàng và cung cấp tài chính để các đơn vị nghiên cứu giải pháp. Sản phẩm nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cung ứng cho nông dân. Ngược lại, dựa trên lợi nhuận kinh doanh, doanh nghiệp sẽ nộp thuế cho nhà nước. Đó là một vòng tuần hoàn mà tất cả các bên tham gia đều có lợi ích.