| Hotline: 0983.970.780

Dư âm chuyện tình một thời chia cắt

Thứ Tư 06/01/2021 , 21:13 (GMT+7)

Những người hoạt động văn hóa văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 4 gần như đều biết đến mối tình của Hoàng Thi Thơ và Tân Nhân.

Ca sĩ Tân Nhân (1932-2008).

Ca sĩ Tân Nhân (1932-2008).

Hoàng Thi Thơ - chàng sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn và Tân Nhân - cô nữ sinh trường Huỳnh Thúc Kháng cùng quê hương Quảng Trị và cùng mang tuổi trẻ nhiệt tình của mình tham gia kháng chiến.

Về sau này, họ chia tay nhau, ông Hoàng Thi Thơ vào Sài Gòn tiếp tục con đường âm nhạc, trở thành một nhạc sỹ tài danh, và bà Tân Nhân vững vàng trên con đường kháng chiến, trở thành một Nghệ sỹ Ưu tú, với giọng hát truyền cảm được nhiều thế hệ yêu thích. Những bài bà hát như “Xa khơi”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Nhớ”, “Ru con”…. làm rung động và mãi khắc ghi trong tâm hồn bao người …

Năm 1975 đất nước thống nhất. Trước đó năm 1974, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ dẫn đầu một đoàn nghệ thuật của Sài Gòn đi trình diễn tại Nhật Bản, và sau đó ông sang định cư tại Mỹ.

Cho tới năm 1994 , nghĩa là 20 năm sau, ông mới có dịp về thăm đất nước. Hai ông bà lúc ấy mới có dịp gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách, trong một cuộc gặp gỡ đầy ân tình và tự trọng của những nghệ sỹ nổi tiếng. Và sau lần gặp thứ hai, thì họ vĩnh viễn chia tay nhau…

Nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mất tại Mỹ năm 2001,và điều day dứt với nhạc sỹ cũng như nhiều người mến mộ âm nhạc cũa ông là nhiều tác phẩm âm nhạc của ông cũng như của nhạc sỹ Phạm Duy lúc ấy chưa được phép phổ biến ở trong nước…

Gần cuối năm 2007, một lần tôi sang chơi thăm mẹ, khi này mẹ tôi đã chuyển vào sống ở Sài Gòn. Mẹ tôi vẫy tôi lại gần, quàng vai tôi âu yếm và nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ (nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) yên nghỉ, thắp cho mẹ một nắm nhang…”

Ít ngày sau, tôi và vợ tôi đi Mỹ. Vì công việc, chúng tôi phải đến bờ đông trước, cho đến khi sắp về nước, mới tới được bờ tây để tìm đến công viên Vĩnh Hằng nơi nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ yên nghỉ, với bản đồ chỉ dẫn của một người bạn là Nguyễn Hiệp, lại thêm có hai người cháu ruột của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thao và anh Hoàng Hữu Quýnh (Anh ruột của Hoàng Kiều) đưa đi.

Vợ chồng tôi đã cung kính thay mặt mẹ tôi thắp hương cho nhạc sĩ, thưa với nhạc sĩ những tình cảm quý trọng của mẹ tôi cũng như nguyện vọng của mẹ tôi với những tác phẩm âm nhạc viết về quê hương đất nước rất thắm thiết…Những dòng nước mắt dài chảy trên má tôi, tôi hiểu đấy là nước mắt của cả tôi và của cả mẹ tôi thương tiếc nhạc sỹ…

Ngay khi về nước, tôi liền đến thăm mẹ ngay, mang quà Mỹ về tặng mẹ. Nhưng hình như mẹ tôi chỉ quan tâm tới những tấm hình chụp khi tôi dâng hương cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Mẹ tôi xem rất kỹ từng tấm hình, với gương mặt hết sức chăm chú nhưng không nói thêm một lời nào…

Điều hết sức kinh ngạc là chỉ 4 ngày sau, trong một buổi sáng như mọi sáng mai khi mẹ tôi ra sân quét lá, mẹ tôi bất ngờ ngã xuống vì một cơn đột quỵ. Kể từ khi ấy, mẹ tôi không một lần mở mắt và không còn biết một điều gì nữa…

Một điều bất ngờ khác là khi dọn lại giường chiếu cho mẹ, tôi thấy dưới gối của mẹ tôi một bản nháp của một lá thư đề nghị, mà bản chính em tôi cho hay chính mẹ tôi đã ra tận bưu điện gửi đi chỉ trước ngày bà bị đột quỵ ít ngày. Lá thư như những lời cuối của mẹ tôi cho một tình yêu phải nói là đầy đau khổ của cuộc đời mẹ …

“Kính gửi Bộ Văn hóa!

Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân - Nghệ sĩ ưu tú, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau, kính mong các đồng chí xem xét.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến, chống phá đất nước. Kể cả sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết.

Trong sáng tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.

Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay, đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.

Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời là phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi.

Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng, như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy”.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929 - 2001) qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1929 - 2001) qua nét vẽ Trần Thế Vĩnh.

Đã từ lâu, mỗi khi viết về mối tình giữa ba tôi- nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ và mẹ tôi - ca sỹ Tân Nhân, dù rất cảm xúc, và dù mối tình ấy đã được nhiều người biết tới, được lan truyền, truyền tụng hàng chục năm qua, nhưng lòng tôi vẫn luôn áy náy với bố tôi Lê Khánh Căn, với mợ tôi - nghệ sỹ Thúy Nga, và các em tôi.

Tôi nghĩ mối tình của ba mẹ tôi - dù là một mối tình nghệ sỹ tiêu biểu của một đất nước những năm 50 thế kỷ trước, đã bị chia cắt đôi miền. Một mối tình gắn bó với số phận đất nước, một mối tình trong đó có đủ hỷ nộ ái ố, chia ly và nước mắt, nhớ thương và khắc khoải, gặp gỡ và khổ đau, là “tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà chính tôi sẽ phải viết và hy vọng đông bạn đọc đợi chờ…

Nhưng nghĩ cho cùng, nó cũng chỉ đóng khung trong một mối tình đầu, một chặng đời tuổi trẻ của ba mẹ tôi. Bởi sau đó, khi đã buộc phải chia tay nhau, mẹ tôi có tình yêu mới với bố tôi Lê Khánh Căn, có một gia đình đúng nghĩa theo tập tục của người Việt Nam với mái nhà ấm, bếp lửa hồng, và các em tôi nối nhau ra đời…

Cũng như vậy với ba tôi, sau khi vô vọng vì hoàn cảnh đất nước “nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn/ con đò nào đây, đưa em tôi vào xa vắng”, ba tôi cũng có tình yêu mới với một người nghệ sỹ tài hoa của đất Sài Gòn tên là Thuý Nga (bà quê gốc ở Hải Phòng di cư vào Nam), như trong một lá thư từ Mỹ ba đã gửi về tâm sự với tôi: “Ba cũng như Mẹ con đã đi thêm bước nữa, lấy cô Thúy Nga, người Bắc. Cô Thúy Nga là một ca sỹ nổi tiếng gần 20 năm nay.

Đặc biệt của người danh ca này là giọng hát rất trầm và chơi phong cầm rất giỏi. Cô thường hát và phụ họa cho mình bằng phong cầm. Cô Thúy Nga và ba sinh hạ được bốn em của con. Các em của con hiện ở với ba: Hoàng Thi Thi, Hoàng Mỵ Thi Thoa (Bế), Hoàng Thi Thư, Hoàng Thi Thanh. Riêng em Thi Thi rất có tài, học piano từ lúc 4 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa âm nhạc lúc 13 tuổi. Bây giờ em vẫn đi làm và làm kỹ sư điện tử…”.

Tôi cũng đã từng được gặp nghệ sỹ Thúy Nga, bà xưng mợ và gọi tôi là con khi bà về nước cùng ba tôi thăm lại Tổ quốc sau 20 năm xa cách. Bà mời tôi lên khách sạn gặp bà, tặng tôi một món quà quý bà mang về từ Mỹ, vuốt tóc tôi và nói với tôi những lời âu yếm.

Tôi cũng cảm ơn bà đã gắn bó và mang lại nhiều hạnh phúc cho ba tôi sau này, khi ba tôi đơn độc hai bàn tay trắng mang theo hai đứa cháu ruột là Hoàng Thi Thao và Hoàng Kiều vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhìn tôi ngày ấy còn gầy yếu, bà tỏ ra hết sức thương cảm, mặc dù tôi biết rằng sức khỏe của bà lúc ấy còn đáng lo ngại hơn tôi rất nhiều: Bà đã phải thay thận, và sống bằng quả thận một người khác…

Ca khúc 'Đường xưa lối cũ' mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết khi chia biệt ca sĩ Tân Nhân.

Ca khúc "Đường xưa lối cũ" mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết khi chia biệt ca sĩ Tân Nhân.

Đã từ lâu nghệ sĩ Thúy Nga đã biết mối tình của ba mẹ tôi năm xưa, và ba tôi đã có một đứa con riêng là tôi. Nên ngày cùng ba tôi về thăm đất nước, bà đã tế nhị sắp xếp ba tôi về trước một tuần, để ba tôi có thời gian gặp riêng mẹ con tôi, hàn huyên tâm sự những tháng ngày xa cách. Tôi rất cảm động về cách cư xử tế nhị này của bà, và nhớ lúc chia tay, tôi đã cầm tay bà rất lâu, nói với bà lời cảm ơn và những lời thân yêu của một đứa con.

Cũng thêm một nghĩa hiệp nữa của nghệ sĩ Thúy Nga làm tôi rất cảm kích, là vào năm 2008, khi ba tôi đã mất gần 8 năm. Mợ tôi sức khỏe đã rất yếu, và nói thật hoàn cảnh cũng không dư dả gì, nếu không nói là khó khăn khi trên đất Mỹ, bao nhiêu tiền mợ phải dành cho chữa bệnh. Nhưng khi nghe tin con trai tôi cưới vợ, bà đã gửi về mừng cháu một số tiền không lớn, nhưng tình bà với cha con tôi thì lớn vô cùng…

Với bố tôi Lê Khánh Căn, tôi đã từng ngàn lần cảm ơn bố. Tôi vẫn luôn giữ tên gọi của mình là Lê Khánh Hoài do bố mang họ của bố để đặt cho tôi, làm khai sinh cho tôi, và tôi nghĩ đó chính là lời cảm ơn bố thiêng liêng nhất của tôi.

Và trong lần giỗ thứ 10 của mẹ tôi ở Hà Nội, thêm một lần trước các em tôi và họ hàng bên bố tôi, tôi đã cảm ơn tình yêu lớn và duy nhất mà bố đã dành cho mẹ tôi, cảm ơn bố đã cưu mang che chở mẹ con tôi những lúc sóng gió nhất cuộc đời, và cho tôi những đứa em ruột thịt ấm áp của cuộc đời tôi…

(Kiến thức gia đình số 53)

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.