Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản giao một số cơ quan nghiên cứu, xem xét, có ý kiến rõ về việc ký kết hợp đồng BT (Xây dựng – chuyển giao) đối với dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng chưa?
Cụ thể, văn bản do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét Dự án The Manor Central Park, đồng thời có ý kiến tham mưu, đề xuất cụ thể về kiến nghị của Công ty Cổ phần Bitexco (Tập đoàn Bitexco) theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco được thực hiện dựa trên căn cứ Hợp đồng BT số 02 và Phụ lục Hợp đồng 06 giữaTập đoàn này và Thành phố Hà Nội. Theo các hợp đồng, Tập đoàn Bitexco xây dựng đường giao thông bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức xây dựng – chuyển giao và đổi lại được thu hồi vốn, lợi nhuận từ Dự án The Manor Central Park với tổng quỹ đất đối ứng là 20,8ha trên tổng diện tích khu đất dự án là 65,8ha.
Liên quan đến các dự án mà Bitexco triển khai, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, năm 2016, thành phố Hà Nội đã giao 496.226,9m2 đất (gần 50ha) tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho Tập đoàn Bitexco thực hiện dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park). Cộng thêm những đợt thu hồi khác, tổng diện tích đất thu hồi thực hiện toàn bộ dự án là 654.715,7m2 (hơn 65ha)...
Giống như nhiều “siêu dự án” khác, “miếng bánh” chủ đầu tư và chính quyền nhắm vào vẫn là đất nông nghiệp, “nồi cơm” của người nông dân. Theo thống kê, tại phường Đại Kim, để thực hiện dự án của Bitexco, chính quyền Hà Nội đã phải thu hồi 4.787,6m2 đất nghĩa trang và 62.197,4m2 đất nông nghiệp, đất đường mương nội đồng của nhân dân...
Chưa kể, ngoài đất sản xuất, mồ mả của tổ tiên nhân dân phường Đại Kim còn có đất đai của Bộ Giao thông - Vận tải và Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý. Tại xã Thanh Liệt có khoảng hơn 16ha, toàn bộ là đất nông nghiệp và đất nghĩa trang bị thu hồi với đơn giá 162 nghìn đồng/m2.
Sau khi được Thành phố Hà Nội giao đất, Tập đoàn Bitexco nhanh chóng xây dựng dự án khu đô thị và rao bán, trong khi đó dự án đối ứng đường giao thông quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An lại thực hiện theo kiểu rùa bò. Cả hai dự án nêu trên đều xảy ra những vi phạm và có những dấu hiệu ưu ái doanh nghiệp từ phía chính quyền thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Bitexco đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định thầu thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An với đường Phan Trọng Tuệ thuộc dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao).
Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ đầu UBND Thành phố Hà Nội đã thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, năng lực huy động vốn yếu kém dẫn đến việc chậm tiến độ.
Thay vì các hình thức xử lý theo hợp đồng đã ký thì thành phố Hà Nội đã nhiều lần gia hạn cho chủ đầu tư dẫn đến tình trạng kể từ thời điểm được phê duyệt vào năm 2011, khởi công xây dựng vào năm 2014 và kế hoạch ban đầu dự án sẽ kết thúc sau 36 tháng, tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội đã hai lần gia hạn cho Bitexco lên thành 67 tháng.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội lấy lý do cấp bách để chỉ định thầu dự án này cho Tập đoàn Bitexco, tuy nhiên quá trình kiểm tra đã không chứng minh được cấp bách, cấp thiết ở chỗ nào. Từ những sự ưu ái đó, Tập đoàn Bitexco trong quá trình thực hiện dự án BT này đã tính sai khối lượng, áp dụng định mức đơn giá không đúng số tiền hơn 27 tỷ đồng.
Sau Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng đã vào cuộc kiểm tra làm rõ và tiếp tục phát hiện dự án của Tập đoàn Bitexco đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng.
Đối với dự án The Manor Central Park, Tập đoàn Bitexco có những dấu hiệu coi thường pháp luật khi xây dựng chui và bán hàng loạt biệt thự khi chưa đủ căn cứ pháp lý.
Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện Tập đoàn Bitexco xây 6 căn nhà cao hơn bản vẽ được phê duyệt. Năm 2018, quận Hoàng Mai phát hiện Tập đoàn Bitexco tổ chức xây dựng không phép trên ô đất 3-CC... Mặc dù chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường (ĐTM) hạng mục nhà ở thấp tầng theo quy định, nhưng từ năm 2016, Bitexco đã xây dựng 552 căn dạng liền kề, biệt thự và bán cho khách hàng về ở với mức giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn.
Thời điểm UBND Thành phố Hà Nội “sờ” đến Tập đoàn Bitexco thì doanh nghiệp này đã bán được 552 căn và còn 375 thấp tầng đã xây dựng xong phần móng, đang được rao bán giai đoạn 2 với giá từ 16 - 39 tỷ đồng/căn.
Tổng cộng, toàn bộ khu vực hơn 10ha được chấp thuận xây nhà thấp tầng, Tập đoàn Bitexco đã xây dựng và bán chui gần hết khi chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.