| Hotline: 0983.970.780

Dự án của Xi măng Xuân Thành nhiều năm khai thác không phép

Thứ Tư 05/08/2020 , 23:02 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản vào năm 2019, nhưng Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành đã tổ chức khai thác từ trước đó nhiều năm.

Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành đóng tại xã Thanh Nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành đóng tại xã Thanh Nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Dân sống khổ dưới chân dự án của Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 

Gửi thông tin đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, những người dân ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam bức xúc về việc từ nhiều năm nay họ phải sống trong cảnh không khác gì tra tấn từ hoạt động khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành.

Núi Lời và Khe Non 2 thuộc các xã Thanh Hương, Thanh Lưu và Liêm Sơn trước đây vốn là vùng canh tác trồng dong, trồng sắn, trồng chè, keo của nhiều hộ dân sống quanh chân núi, họ nói “nếu không có nó chúng tôi không thể đi qua những mùa giáp hạt”. Ngoài củ dong, củ sắn, núi Lời và Khe Non còn là nguồn nước sinh hoạt, nước tưới sản xuất của các hộ dân và là “lá phổi xanh” của cả một vùng quê.

Thế nhưng tất cả trở nên tan hoang kể từ khi Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành (đóng tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) thực hiện dự án khai thác mỏ sét tại nơi đây.

Có mặt tại thôn Lời, xã Thanh Hương, một trong những địa phương giáp ranh với dự án, nhìn từ xa cả một dãy núi bị móc loang lổ, ô tô, máy xúc, máy cẩu hoạt động rầm rập như một đại công trường. Tấm biển “không phận sự miễn vào” đặt cạnh sào chắn ở lối vào công trường, sẵn sàng ngăn cản người lạ muốn tiếp cận. Xe trọng tải lớn liên tục từ khu vực mỏ đá sét chạy sang nhà máy xi măng Xuân Thành ở xã Thanh Nghị. Đi sâu vào trong thôn, có cảm giác bức xúc của người dân đối với dự án này đã lên đến đỉnh điểm.

Người dân thôn Lời tố cáo dự án của Xuân Thành 'tra tấn' đời sống của họ. Ảnh: Quang Dũng.

Người dân thôn Lời tố cáo dự án của Xuân Thành "tra tấn" đời sống của họ. Ảnh: Quang Dũng.

Dân thôn Lời cho biết, Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành bắt đầu đền bù, giải phóng mặt bằng mỏ sét từ năm 2012. Nhiều gia đình trong thôn nhận bồi thường với mức giá 3,5 nghìn đồng cho mỗi m2 đất, đổi lại núi Lời, Khe Non bị doanh nghiệp bao vây và khai thác.

 Đã 6 - 7 năm nay, những người dân thôn Lời phải đối mặt và đấu tranh với những hệ lụy của việc khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành đem đến. “Trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy. Cả ngày cả đêm việc khai thác khiến nhà cửa chúng tôi rung chuyển, ruộng đồng không thể sản xuất được, hồ cá cũng bị bùn đất tràn xuống lấp. Hệ thống giếng nước sinh hoạt của người dân bao đời nay bị dự án làm cho hư hỏng hết. Giếng chúng tôi thuê đào bao nhiêu năm chẳng trả tiền, bây giờ nước ăn không có, nhà cứ mở cửa ra là không chịu được. Chén uống nước để ở bàn sáng đến trưa đóng bụi dưới đáy. Bàn thờ ông bà tổ tiên cứ hôm nay lau ngày mai lại trắng xóa vì khói bụi”, người dân tố cáo dự án của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành.

Ở tuổi 83, nhưng từ nhiều năm nay, mỗi lần khói bụi, mưa ngập từ hoạt động của mỏ đất sét, bà Trần Thị Việt (83 tuổi) lại chống gậy đi đấu tranh. Lúc thì lên núi đòi bồi thường, lúc thì chặn xe, lúc lại kéo lên xã đòi công lý. “Dân chúng tôi thấp cổ bé họng, bị dự án hành chỉ biết kêu nhờ chính quyền can thiệp cho dân chúng tôi sống với, nhưng cứ mỗi lần đi kêu thì cán bộ lại bảo dân về đi”, bà Việt nói.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tạo sống ngay cổng ra vào mỏ sét Khe Non. Cứ mỗi lần xe tải chạy qua không khác gì động đất. Nhà cửa rung bần bật, cốc chén va vào nhau, đến cái hồ cá của gia đình cũng bị bùn đất tràn xuống lấp.

Còn bà Nguyễn Thị Miền (65 tuổi) bức xúc: “Chúng tôi đề nghị phía công ty Xuân Thành cùng với chính quyền địa phương sớm có các giải pháp đồng bộ, cụ thể để khắc phục ngay các tình trạng trên để đời sống của những hộ dân sống ngay dưới chân núi Lời này được bảo đảm".

Bà Việt: Mỗi lần đi kêu cán bộ lại bảo dân về đi. Ảnh: Hoàng Anh.

Bà Việt: Mỗi lần đi kêu cán bộ lại bảo dân về đi. Ảnh: Hoàng Anh.

Khai thác trước khi có giấy phép 5 năm

Ngày 4/7/2018, Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành mới được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận đầu tư dự án “Khai thác sét làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Khe Non 2 thuộc địa bàn xã Thanh Hương, Liêm Sơn và Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh). Cũng phải đến tận ngày 29/3/2019 Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành mới được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 780/GP-BTNMT và Quyết định số 781/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ đá sét làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Khe Non 2. Người ký các quyết định trên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân.

Theo đó, Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành được phép khai thác lộ thiên đá sét xi măng trên diện tích 74,5 ha với trữ lượng khai thác hơn 30,8 triệu tấn. Giấy phép nêu rõ: Trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt, thẩm định, báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nam để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác. Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng yêu cầu Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật...

Hoạt động khai thác tại mỏ Khe Non 2. Ảnh: Quang Dũng.

Hoạt động khai thác tại mỏ Khe Non 2. Ảnh: Quang Dũng.

Nhưng thực tế, theo phản ánh của người dân, từ năm 2012, doanh nghiệp này đã khai thác thử và từ năm 2014 đến nay đã tổ chức khai thác ồ ạt kiểu móc đồi, bạt núi. “Không hề có chuyện khai thác thử như một số ý kiến mà là khai thác ồ ạt, máy móc hoạt động cả ngày lẫn đêm, thời điểm Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp giấy phép khai thác thì khu vực này đã tan hoang rồi”, người dân thôn Lời bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Thanh Hương xác nhận Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành khai thác từ năm 2013. Minh chứng rõ ràng nhất là trước khi Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành được cấp phép, UBND xã Thanh Hương đã nhiều làn có văn bản kiến nghị cấp trên: “Việc khai thác mỏ núi sét của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành có nhiều xe chở sét có trọng tải lớn chạy qua tuyến đường trên đã làm hỏng đường, mặt đường một số vị trí bị gãy, xuất hiện hố to, nhỏ, một số xe chạy không phủ bạt, chở quá tải làm văng vãi sét, công tác tưới nước mặt đường không đảm bảo…”. Tuy nhiên kiến nghị của xã không được cấp huyện, cấp tỉnh xem xét xử lý.

Sét từ mỏ Khe Non 2 được chở về nhà máy của Xuân Thành ở xã Thanh Nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Sét từ mỏ Khe Non 2 được chở về nhà máy của Xuân Thành ở xã Thanh Nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Kết luận khó hiểu của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nam

Trước những phản ánh về hoạt động của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành tại dự án khai thác sét ở khu vực Khe Non 2, ngày 25/3/2020, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam có kết luận kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản của doanh nghiệp này với nội dung: Trong quá trình hoạt động công ty đã cơ bản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản như đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ; căm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác…

Điều khá lạ là mặc dù có những bằng chứng tương đối rõ ràng về việc Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành khai thác tại mỏ Khe Non 2 trước thời điểm được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép, thậm chí là trước khi được UBND tỉnh Hà Nam cấp chủ trương đầu tư nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nam vẫn cho rằng: Sở chưa nhận được báo cáo nào của UBND huyện Thanh Liêm, UBND các xã Thanh Hương, Liêm Sơn, thị trấn Tân Thanh hoặc đơn thư phản ánh của công dân về hoạt động khai thác sét trái phép tại địa phương của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành.

Thiết nghĩ, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Nam nên căn cứ vào thông tin phản ánh của báo chí và làm việc trực tiếp với người dân các xã bị ảnh hưởng của dự án để từ đó làm rõ tính pháp lý về hoạt động khai thác của Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành, thay vì kết luận một cách thiếu thực tế như vậy.

Trong khi Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng dự án của Xuân Thành hoạt động 'cơ bản đúng pháp luật' thì người dân thôn Lời hàng ngày phải đối phó khói bụi như thế này. Ảnh: Quang Dũng.

Trong khi Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng dự án của Xuân Thành hoạt động "cơ bản đúng pháp luật" thì người dân thôn Lời hàng ngày phải đối phó khói bụi như thế này. Ảnh: Quang Dũng.

Theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án mỏ sét Khe Non 2 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân ký nêu rõ: Dự án chỉ được phép triển khai khi đã thực hiện khoanh vùng ranh giới dự án, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng… Tiếp tục xin ý kiến và nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND các xã Thanh Hương, Liêm Sơn, Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh)… Đạt được sự đồng thuận với người dân xung quanh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và công tác môi trường… Tuy nhiên, tất cả những nội dung này gần như đang bị doanh nghiệp bỏ qua khi người dân thôn Lời vẫn đang sống khổ sở cạnh khu vực dự án.

    Tags:
Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất