| Hotline: 0983.970.780

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Trên 3.600 tỉ mua cái dở dang

Thứ Sáu 01/08/2014 , 10:04 (GMT+7)

Kể từ năm 2012 đến nay việc triển khai dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 gần như không tiến triển./ Khổ vì nhà thầu Trung Quốc

Lý do là nhà thầu - Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) liên tục gây khó dễ cho việc thi công.

Vũng lầy

Vậy là sau 7 năm tính từ ngày khởi công, đến nay toàn dự án đã thi công 140/163 tiểu hạng mục nhưng hầu hết các hạng mục đều dở dang: bãi liệu, thiêu kết, luyện gang, luyện thép và oxy đều chưa hoàn thiện.

Tổng khối lượng bê tông toàn công trường đạt 72,2%; khối lượng kết cấu thép đã chế tạo xong được chuyển đến công trường đạt 60,3%, khối lượng kết cấu thép đã lắp đặt được 36,5%... Tất nhiên, kèm theo đó là hệ lụy không thể tránh khỏi, lãng phí hàng nghìn tỉ đồng.

Ngày 23/8/2012, TCty Thép VN đã có văn bản gửi Bộ Công thương về việc xin điều chỉnh tổng mức đầu tư. Lý do phải xin điều chỉnh là vì thời gian thực hiện công trình kéo dài quá lâu rồi gặp phải khủng hoảng tài chính, biến đổi tỉ giá và thêm nhiều chi phí phát sinh nên đã làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Theo Cty CP Gang thép Thái Nguyên thì số tiền giải ngân cho dự án tính đến ngày 7/8/2012 đã là 3.639 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư là 3.843 tỉ đồng. Tiêu gần hết số tiền được phê duyệt nhưng nhà máy vẫn chưa thành hình hài, vậy nên Cty Gang thép Thái Nguyên đề nghị được tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỉ đồng lên thành 8.104 tỉ đồng, tăng thêm 4.261 tỉ đồng.

Trông vào số tiền phát sinh của dự án, ai cũng phải giật mình bởi thông thường các dự án chỉ để dự phòng đến tối đa 10% chi phí nhưng riêng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 thì khoản chi phí phát sinh còn lớn hơn cả tổng mức đầu tư ban đầu. Việc này, thoạt nghe đã thấy bất hợp lý và nếu tính toán đến hiệu quả của dự án lại càng lo ngại.

Việc đàm phán phụ lục hợp đồng lần thứ 9 kéo dài hơn 2 năm với 6 đợt đàm phán tại Thanh Đảo – Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa kí được phụ lục lần thứ 9 của Hợp đồng EPC gói thầu số 1. Điều đó cho thấy thái độ bất hợp tác của nhà thầu Trung Quốc cũng như năng lực quản lý yếu kém của chủ đầu tư.

Mặc dù, TCty Thép VN cũng như chủ đầu tư là Cty Gang thép Thái Nguyên một mực khẳng định rằng việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư như trên đã có sự tính toán, thẩm tra và vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế nhưng trên thực tế nhìn vào đề xuất của chủ đầu tư, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công thương đều phải hết sức “thận trọng” khi xem xét đánh giá hiệu quả của dự án này.

Chủ đầu tư ngây thơ?

Suy đi tính lại thì mọi dự án kinh tế đều phải căn cứ vào thị trường nhưng kể từ năm 2009 đến nay cùng với việc đóng băng thị trường bất động sản, nhu cầu sử dụng thép giảm, giả định dự án nhà máy gang thép giai đoạn 2 hoàn thành đúng tiến độ từ năm 2011 và đúng mức đầu tư thì việc kinh doanh cũng chưa mấy lạc quan.

Nay tổng mức đầu tư lại tăng gấp đôi, thị trường vẫn ảm đạm không có gì khởi sắc, không biết sau khi nhà máy đi vào hoạt động có vận hành hết công suất hay lại chỉ hoạt động cầm chừng và tiếp tục cộng dồn các món nợ ngân hàng?

Đó là chưa kể đến yếu tố cạnh tranh về mặt công nghệ, bởi dự án được xây dựng từ năm 2005, phê duyệt từ năm 2007 tính đến nay đã mất gần chục năm chưa đi vào hoạt động.

Thêm một vấn đề đáng phải quan ngại đó chính là năng lực quản lý của Cty Gang thép Thái Nguyên quá yếu. Ở vai trò chủ đầu tư nhưng Cty lại bị chi phối, lệ thuộc hoàn toàn vào tổng thầu MCC dẫn đến việc dự án bị đình trệ. Trong trường hợp tổng thầu MCC vi phạm hợp đồng hay cố tình chây ỳ gây chậm tiến độ, chủ đầu tư có thể phạt thậm chí có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn.

Tính đến thời điểm 30/6/2014 Cty Gang thép Thái Nguyên đã phải chi trên 1.410 tỉ đồng từ nguồn vốn ngắn hạn để trả nợ gốc lẫn lãi. E ngại trước hiệu quả của dự án nên các ngân hàng thương mại: Vietinbank, VDB vẫn chưa có ý kiến về việc tiếp tục cho vay mở rộng nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên để làm được việc đó chủ đầu tư phải có những quy định chặt chẽ trong hợp đồng và hơn hết là phải nắm chắc “con át” tài chính. Hoạt động của dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 dường như không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào: dự án thì đang còn dở dang nhưng tiền đã giải ngân gần hết.

Tổng thầu được thuê thực hiện dự án thì cư xử như chủ đầu tư và ngược lại. Đây là lỗi ngây thơ nhất nhưng cũng lại bí hiểm nhất của chủ đầu tư, là căn nguyên khiến cho dự án bị sa lầy.

Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông

Trở lại câu hỏi ban đầu, liệu với năng lực quản lý như thế khi nhà máy đi vào hoạt động, Cty Gang thép Thái Nguyên có thể vận hành tốt hay không? Câu trả lời nằm ở thực tế hoạt động quản lý của doanh nghiệp.

Mặc dù đã được ưu ái, nắm trong tay nhiều mỏ sắt, mỏ than có trữ lượng lớn để phục vụ sản xuất nhưng thời gian qua hàng loạt những công ty con do Cty Gang thép Thái Nguyên cử cán bộ đại diện vốn nhà nước quản lý làm ăn kém hiệu quả.

Có đơn vị như Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng trước đây từng là “trái tim”, niềm tự hào của gang thép Thái Nguyên mà giờ chỉ còn bãi đất hoang, dây chuyền công nghệ bị trộm cắp tháo dỡ bán theo giá đồng nát công khai giữa ban ngày. Đơn kiện từ các công ty thành viên gửi đi khắp các cơ quan chức năng: Bộ Công an, Bộ Công thương, báo chí…

Đi tiếp hay từ bỏ dự án? Có lẽ đây là quyết định đặc biệt khó khăn đối với Bộ Công thương vì tiền đã tiêu trên 3.600 tỉ nếu không đi tiếp thì sẽ phải giải quyết vấn đề công nợ như thế nào? Nhưng ngược lại, nếu tiếp tục đầu tư rất có thể sẽ “sa lầy” thêm 4.261 tỉ vào dự án, lúc ấy trách nhiệm sẽ còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm