| Hotline: 0983.970.780

Dự án Jica 2 thay đổi diện mạo miền núi

Thứ Ba 02/08/2022 , 00:44 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Dự án Jica 2 tại Bình Định thực hiện trên 8.239ha rừng tại 12 xã thuộc 6 huyện thị đã góp phần nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, cải thiện đời sống người dân.

Phục hồi bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn 

Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (viết tắt là Dự án Jica 2) tại Bình Định được thực hiện trên 8.239ha rừng, triển khai tại 12 xã thuộc 6 huyện, thị xã trên địa bàn gồm: Vĩnh An (huyện Tây Sơn); Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, Mỹ An (huyện Phù Mỹ); Ân Nghĩa, Ân Sơn, Ân Tín, Bok Tới (huyện Hoài Ân); Hoài Sơn (Thị xã Hoài Nhơn) và Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh).

Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án Jica 2 Bình Định, đến nay, những diện tích rừng trồng sau khi kết thúc thời gian đầu tư đã khép tán, đảm bảo chất lượng. Những diện tích rừng tự nhiên thực hiện khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và bảo vệ rừng cũng được các đơn vị thi công thực hiện đảm bảo kỹ thuật, quản lý bảo vệ tốt.

Các chuyên gia của dự án tham gia quy hoạch, thiết kế tại hiện trường. Ảnh: DA Jica 2 Bình Định.

Các chuyên gia của dự án tham gia quy hoạch, thiết kế tại hiện trường. Ảnh: DA Jica 2 Bình Định.

Đến hết năm 2021, Dự án Jica 2 đã trồng mới được 1.658ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh được 3.452ha; giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn được 2.868ha. Với kết quả trên, Dự án Jica 2 góp phần tăng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 0,28%. Hiệu quả của Dự án ngoài nâng cao chất lượng rừng, còn bảo vệ đa dạng sinh học, giảm xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước, hạn chế lũ lụt. Nhờ áp dụng những biện pháp kỹ thuật phù hợp, Dự án Jica 2 tại Bình Định còn hạn chế tối đa các tác động tiêu cực và chất thải phát tán ra môi trường.

Theo ông Nguyễn Rê, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Dự án Jica 2 Bình Định, sau thời gian triển khai, Dự án đã có tác động tốt cho môi trường tự nhiên, đặc biệt là khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, mang đến những kết quả tích cực trong kiểm soát các vấn đề về thiên tai. Cách làm của chuyên gia Dự án Jica là chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phù hợp để khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học vùng rừng đầu nguồn, góp phần tăng cường kỹ năng, năng lực cho cán bộ quản lý của ngành lâm nghiệp, nhân rộng và đề ra phương án bảo vệ rừng bền vừng trên địa bàn.

Người dân tham gia thực hiện trồng rừng khôi phục rừng phòng hộ. Ảnh: Dự án Jica 2 Bình Định.

Người dân tham gia thực hiện trồng rừng khôi phục rừng phòng hộ. Ảnh: Dự án Jica 2 Bình Định.

Dự án Jica 2 triển khai trên địa bàn Bình Định gồm 7 hợp phần: Rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc; phát triển và cải thiện rừng phòng hộ; hỗ trợ phát triển sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng sinh kế; phát triển cơ sở hạ tầng lâm sinh; kiểm soát cháy rừng…

Thay đổi diện mạo miền núi

Xã vùng cao Vĩnh An (huyện Tây Sơn, Bình Định) từng là địa phương heo hút, có cơ sở hạ tầng rất tuyềnh toàng, thế nhưng khi Dự án Jica 2 có mặt, diện mạo của vùng đất này thay đổi trông thấy. Ông Lý Phùng Lê, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Sơn cho hay: “Trên địa bàn xã Vĩnh An hiện đã phủ kín những con đường bê tông mang tên Jica 2. Đường bê tông rộng, đẹp nối liền từ các làng tới trung tâm xã.

Từ khi có những con đường bê tông, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, đặc biệt hàng hóa vận chuyển dễ dàng hơn, nông sản không còn bị thương lái ép giá với lý do vận chuyển đi lại khó khăn, nhờ đó đời sống kinh tế của người dân được nâng cao”.

Cũng theo ông Lê, trong khuôn khổ Dự án Jica 2, Vĩnh An được hỗ trợ xây dựng 5km đường nằm trong hợp phần hỗ trợ hạ tầng sinh kế, đồng thời được hỗ trợ mô hình nuôi bò thịt kết hợp trồng cỏ tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. 

Từ sự hỗ trợ của Dự án Jica 2, các tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn, Bình Định) được đổ bê tông. Ảnh: V.Đ.T.

Từ sự hỗ trợ của Dự án Jica 2, các tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn, Bình Định) được đổ bê tông. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ Dự án Jica 2, địa phương đã sớm hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt hơn, Dự án đã hỗ trợ sinh kế từ mô hình chăn nuôi bò thịt kết hợp với trồng cỏ. Giờ đây ở Vĩnh An nhà nào cũng có trồng cỏ kết hợp nuôi nhốt bò thịt, biết trồng lúa lai năng suất cao. Điều đáng mừng nhất là bà con đã tự nguyện tham gia giữ rừng, biết làm giàu nhờ kết hợp giữ rừng đầu nguồn và khai thác lâm sản hợp pháp dưới tái rừng”, ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An phấn khởi cho hay.

Cũng theo ông Bình, nếu như trước đây bà con trong làng cứ vào rừng chật cây lấy gỗ về dựng nhà sàn thì nay chuyện ấy đã không còn. Nhà sàn là nét văn hóa đặc trưng của bà con, thế nên dù gia đình nào đã xây dựng được nhà kiên cố, nhưng bên cạnh vẫn có một ngôi nhà sàn. Thế nhưng nhà sàn bây giờ không còn được làm bằng gỗ rừng nữa, mà làm bằng gỗ keo khai thác từ rừng trồng và tre, nứa. Đó là kết quả thiết thực mà Dự án Jica 2 mang lại.

Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Hoài Ân (Bình Định) trồng cây bản địa sao đen thay thế dần keo lai để chuyển sang chức năng phòng hộ bảo vệ lưu vực hồ. Ảnh: BQL Rừng phòng hộ Hoài Ân.

Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Hoài Ân (Bình Định) trồng cây bản địa sao đen thay thế dần keo lai để chuyển sang chức năng phòng hộ bảo vệ lưu vực hồ. Ảnh: BQL Rừng phòng hộ Hoài Ân.

“Mỗi dự án liên quan đến phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn Bình Định khi đã được triển khai đều mang tới hiệu quả lớn. Riêng với Dự án Jica 2, những cánh rừng phòng hộ được giữ gìn, tạo ra giá trị về môi trường, về khí hậu, hạn chế được sạt lở, sụt lún mùa mưa; bảo vệ nguồn nước, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Giữ được rừng bằng việc tạo môi liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, giao khoán rừng cho động đồng quản lý là thành công to lớn của Dự án Jica 2 tại Bình Định”, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định đánh giá.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.