| Hotline: 0983.970.780

Dự án thủy lợi sông Lèn chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng

Thứ Tư 01/12/2021 , 16:05 (GMT+7)

Sau gần nửa năm triển khai, Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn (Thanh Hóa) mới chỉ bàn giao mặt bằng sạch 70% diện tích cho chủ đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra tiến độ Dự án thủy lợi sông Lèn. Ảnh: LH.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra tiến độ Dự án thủy lợi sông Lèn. Ảnh: LH.

Sáng 1/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra tình hình thực hiện Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn.

Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn do Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư khởi công ngày 21/6/2021 với tổng mức đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ODA hơn 1.250 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương là gần 285 tỷ đồng, vốn đối ứng tỉnh Thanh Hóa là gần 78 tỷ đồng.

Tiểu dự hệ thống thủy lợi sông Lèn sẽ kiểm soát mặn, ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới cho gấn 19 nghìn ha đất canh tác, trên 4,4 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, tiêu thủy cho 3.930ha; tạo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 613.000 người; cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực dự án; kết hợp giao thông thủy, bộ trong khu vực.

Theo báo cáo, đến ngày 1/12, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Thanh Hóa đã phối hợp với UBND các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Bỉm Sơn hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với giá trị 30,44/49,76 tỷ đồng (61,2%) và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 26,78/38,18 ha (70% - không bao gồm khu tái định cư).

Về phần xây lắp, đơn vị thi công mới hoàn thành một số hạng mục như bến phà tạm, mặt bằng công trường, cầu tạm phục vụ thi công, đóng cọc đại trà các hạng mục của dự án… Công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ còn chậm so với yêu cầu.

Trước tình hình trên, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện trong vùng dự án sớm hoàn thiện phương án, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo cam kết.

Ông Giang cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cho chủ trương để tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chủ đầu tư dự án rà soát các công trình thủy lợi liên quan đến Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn để bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy định.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư thực hiện Tiểu dự án theo cam kết.

Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là dự án thủy lợi quan trọng, góp phần kiểm soát mặn, ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới cho canh tác, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp. Công trình hoàn thành đi vào sử dụng còn là điểm đến tham quan của người dân trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ; đẩy nhanh tiến độ nguồn vốn Bộ NN-PTNT đã cấp cho công tác giải phóng mặt bằng theo quy định. Các địa phương hưởng lợi bởi dự án phải tập trung giải phóng mặt bằng để làm bãi thải cho dự án trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng ý chủ trương, giao cho Cục Quản lý xây dựng công trình phối hợp với tỉnh Thanh Hóa rà soát, xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn khoảng 600 tỷ đồng của Tiểu dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình đê điều, trạm bơm, hệ thống tiêu thoát lũ trong vùng tiểu dự án. 

Thứ trưởng đề nghị đơn vị thi công, ngoài việc tăng cường giám sát chất lượng các hạng mục công trình của tiểu dự án cần phải bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm soát và khai báo công nhân đến công trường lam việc theo quy định.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.