Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia thời tiết từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022 sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường. Nhiệt độ trung bình trong tháng 12/2021 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C; từ tháng 1-3/2022 nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Tổng lượng mưa tháng 10 đến tháng 12 năm 2021 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt từ tháng 1-3/2022 tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 10 – 25% so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.
Căn cứ vào tình hình thời tiết, cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng, quy luật phát sinh phát triển của dịch hại, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung dự báo các đối tượng sâu bệnh chính xuất hiện và gây hại trên cây trồng vụ Đông Xuân 2021-2022 tại các tỉnh trong vùng như sau:
Đối với cây lúa
- Ốc bươu vàng: Gây hại nhiều cho lúa mới xuống giống, đặc biệt trên những ruộng trũng, không tiêu thoát nước tốt. Dự báo, thời gian tới mưa lớn kéo dài trên diện rộng sẽ tạo điều kiện cho ốc bươu vàng lây lan mạnh theo nguồn nước. Vì vậy, chú ý các đợt xuống giống ở từng vùng để hạn chế ốc bươu vàng gây thiệt hại nặng khi xuống giống (chủ yếu khu vực đồng bằng).
- Chuột: Dự báo chuột phát sinh gây hại ở mức cao hơn những năm trước. Chú ý 2 đợt chuột hại chính sau:
Đợt 1: Cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 gây hại tập trung trên lúa lúa Đông Xuân đại trà và lúa sạ sớm giai đoạn đẻ nhánh (chủ yếu Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận);
Đợt 2: Cuối tháng 1 đến hết tháng 2/2022, gia tăng gây hại, cục bộ một số diện tích lúa Đông Xuân chính vụ giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái có thể bị hại nặng nhất là những ruộng lúa gần vườn, gò cao, bờ bao có cỏ rậm rạp hoặc những ruộng xuống giống sớm hoặc trễ trong khu vực.
- Bệnh đạo ôn: Gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – đòng trỗ, những ruộng gieo trồng các giống lúa nhiễm bệnh, sạ dày, bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng. Cao điểm bệnh gây hại đạo ôn lá từ đầu đến giữa tháng 02/2022 trên lúa sớm, chân 3 vụ (chủ yếu ở Bình Định, Bình Thuận) và lúa Đông Xuân chính vụ. Cao điểm bệnh đạo ôn cổ bông trong tháng 3/2022.
Đối với cây điều
Mưa trái mùa, ẩm độ cao và có sương là điều kiện thuận lợi cho bọ xít muỗi, bệnh thán thư phát sinh gây hại nặng ở giai đoạn ra lộc non - phân hóa chồi hoa, ra quả trong tháng 12/2021 và tháng 1, tháng 2/2022. Vì vậy, các địa phương phân công cán bộ điều tra, dự tính dự báo và theo dõi thời tiết để có biện pháp chỉ đạo và xử lý kịp thời.
Đối với cây sắn
Các tỉnh trong vùng đang tiến hành thu hoạch và trồng sắn vụ Đông Xuân. Bệnh khảm lá virus hại sắn tiếp tục lây lan nhanh và gây hại nặng, vì vậy đặc biệt chú ý trong chỉ đạo phòng trừ và sử dụng giống sạch bệnh trong trồng mới vụ Đông Xuân 2021-2022 (khu vực đồng bằng). Các đối tượng rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng, nhện đỏ…tiếp tục phát sinh, tái nhiễm và gia tăng gây hại trong điều kiện nắng hạn.
Đối với cây sầu riêng
Trong điều kiện nóng ẩm do các cơn mưa trái mùa kéo dài cần chú ý bệnh nứt thân xì mủ do nấm Phytopthora sp gây hại mạnh vào các tháng 1-2/2022 ở những vùng đã bị nhiễm bệnh năm trước.
Đối với cây tiêu
Đặc biệt chú ý điều tra theo dõi bệnh chết nhanh-chết chậm trên cây tiêu. Ngoài ra, tuyến trùng rễ, bệnh đốm đen lá, rệp sáp…hại chủ yếu tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và rải rác ở các tỉnh đồng bằng giai đoạn nuôi quả.
Đề nghị Chi cục các tỉnh, thành trong khu vực phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sinh vật gây hại, diễn biến thời tiết và sinh trưởng của cây trồng để có những nhận định đúng về thời gian phát sinh, mức độ phân bố, khả năng gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại chính trên cây trồng, nhất là tại các vùng trọng điểm sản xuất và những nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Trên cơ sở đó, thông tin nhanh và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, áp dụng các biện pháp chủ động phòng chống dịch hại kịp thời và hiệu quả.