| Hotline: 0983.970.780

Bản Đoòng ngút ngàn giữa lòng di sản: [Bài 1] Du cư trên đỉnh Trường Sơn

Thứ Ba 19/03/2024 , 06:45 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch), gần 35 năm qua thăng trầm giữa bốn bề rừng núi, giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng…

Thoáng thấy dáng tôi mang ba lô đi dưới con đường mòn xuyên dọc qua bản, ông già Tòa, trưởng bản Đoòng đã mừng, bước như tụt từ trên cầu thang xuống đất rồi ồ à: “Ui, cái thằng nhà báo Quảng Bình lại trèo núi lên được với miềng nữa à. Lâu rồi hè, bà con bữa ni không còn thiếu đói nữa mô mà biết bảo vệ rừng cho di sản, biết làm cái việc du lịch rồi. Mấy đứa thanh niên, con nít còn nói tiếng Tây với khách du lịch nghe như tiếng con chào mào hót đầu hồi nhà ấy chớ”. Chúng tôi gặp lại nhau trong cảm xúc vui mừng là thế!

Trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, tôi cũng đã băng rừng lên bản với số lần chưa quá ngón một bàn tay. Trừ lần đầu tiên, mấy lần sau đó, già Tòa đều gọi tôi bằng cái tên chỉ có già nhớ là “thằng nhà báo Quảng Bình”…

Đường vào bản Đoòng xuyên qua những cánh rừng già Trường Sơn. Ảnh: T. Phùng.

Đường vào bản Đoòng xuyên qua những cánh rừng già Trường Sơn. Ảnh: T. Phùng.

Đoạn cuối cuộc di cư…

Việc đầu tiên là già làng Tòa kéo tôi lên ngôi nhà sàn của ông làm đúng ba chén rượu rồi lại kéo tôi xuống cầu thang ra ngôi nhà lợp lá nhỏ trước sân để chăm cái nồi to tướng bắc trên bếp củi đỏ phừng phực. Nước trong nồi sôi nghe réo ù ù. “Đang luộc cái nồi ngô thì cái nhà báo mày lên đó. May hung, sắp được ăn bắp non rồi đó hè”- tiếng già Tòa át cả tiếng réo của lửa.

Già làng vừa là trưởng bản (có tên gọi là Nguyễn Sỹ Trắc), sau khi lấy vợ sinh con trai ông đặt tên là Nguyễn Sỹ Tòa thì mọi người chuyển sang gọi tên của ông là ông Tòa hay bố Tòa, già Tòa chứ không còn gọi là ông Trắc nữa.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì bà con dân tộc Vân Kiều sinh sống trên dãy Trường Sơn đều có họ Hồ, nhưng ở bản Đoòng thì lại có họ khác. Già Trắc bảo, trước ông là người có gốc tích ở vùng Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), do cuộc sống cơ cực nên lên vùng núi kiếm sống và ở cùng với bà con dân tộc Vân Kiều.

Đến ông Tòa, sau khi đi bộ đội thì phải lòng cô gái dân tộc Vân Kiều gần chỗ đóng quân nên thành duyên vợ chồng cho đến bây giờ. Ra quân, ông ở lại với bản chứ không về quê cũ. Hồi đó, bà con dân tộc Vân Kiều còn du canh du cư chứ không chọn nơi nào làm chỗ sinh sống cố định. Ông Tòa theo vợ, theo bà con cứ di cư trên dãy Trường Sơn, có khi sang ở bản bên đất Lào. Sau một lần bản bị dịch bệnh chết người nhiều lắm, già dẫn một nhóm người mang được mất cái nồi sứt quai vượt núi đi mấy ngày đêm liền. Khi đến nơi này là vào khoảng năm 1990, cả 4 gia đình đồng ý chọn vùng đất này khai phá làm rẫy, dựng nhà để sinh sống.

Lối vào bản Đoòng (ảnh chụp năm 2009). Ảnh: T. Phùng.

Lối vào bản Đoòng (ảnh chụp năm 2009). Ảnh: T. Phùng.

“Hồi đó, tui với 4 người nữa đến khai khẩn lập làng này. Bây giờ chỉ còn tui thôi, mấy ông nớ chết hết rồi, mồ mả có bên kia núi” - già Tòa bắt đầu câu chuyện.

Lúc đông nhất, bản có 17 hộ, nhưng sau này một số hộ đã di dời đi ở nơi khác nên chỉ còn lại 10 hộ với 42 nhân khẩu. Bản duy nhất chỉ có gia đình Hồ Nhỏ vừa mới ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) di cư về, còn lại là con cháu của già làng. Vợ chồng già có 8 người con với 5 con trai và 3 con gái. Người con gái đầu và con trai Nguyễn Văn Tòa có gia đình ở tại xã Trường Sơn, còn lại thì làm nhà ở quây quần trong bản. Khi lập làng được khoảng 10 năm thì anh trai già là Nguyễn Sỹ Hiền đưa gia đình từ bên Lào về nhập bản. Nhà ông Hiền có 3 con là Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Thị Chiều và Nguyễn Văn Ninh. Ninh lập gia đình và ở bên bản A Rem, Triều ở trong nhà với ông Hiền. Mười ngôi nhà sàn chỉ có nhà già làng và con trai già Nguyễn Văn Tường là vững chắc, còn lại là nhà gỗ lợp lá…

Già làng kể tôi nghe, mấy tháng trước, bản tổ chức lễ “tả ra dốp” (như là lễ tảo mộ của miền xuôi) to lắm. “Từ hồi lập bản đến chừ mới làm đó. Làm trâu, làm bò và gà heo nhiều lắm. Mọi người ăn uống đến hai ngày mà”- già làng khoe. Cũng theo già kể, họ Nguyễn ở các bản khác cũng được mời về dự và đóng góp mỗi nhà 2,5 triệu đồng.

“Tất cả có 18 nhà, ai cũng phải đóng đậu. Không có cũng phải vay mượn cho có. Cũng để xin ông bà cho cái sức, cho cái mà ăn chớ” - già vừa kể như vừa an ủi mình.

Cũng vì đi mời họ hàng dự lễ mà anh Ninh con ông Hiền đột tử ở nhà người khác. Ông Hiền ngồi lặng như cột nhà ở sát cửa sổ giọng rầu rầu kể lại: “Nó chết mà phải để vậy, chờ cho làm xong lễ “tả ra dốp” mới đưa đi chôn. Cũng chôn ở bên đó luôn chớ không đưa về bản được đâu”. 

Một góc bản Đoòng cách đây gần 15 năm. Ảnh: T. Phùng.

Một góc bản Đoòng cách đây gần 15 năm. Ảnh: T. Phùng.

Sau khi anh Ninh chết, đứa con gái chưa đầy tuổi được đưa về cho anh Triều nuôi. Suốt ngày, chị Phươn (vợ anh Triều) phải địu cháu trên lưng. Chị Phươn người dân tộc A Rem, lấy chồng về ở đây cũng chẳng biết mình được mấy tuổi, chỉ biết thằng cu Chẹn đầu lòng năm nay học lớp 7. Cu Chẹn hôm nay nghỉ học nên lên rừng chặt củi. Gần trưa, Chẹn vác bó củi to và cao hơn cả người mình về. Cách nhà còn vài chục bước chân nhưng củi to và nặng quá nên đành vứt xuống, đứng thở lấy sức.

Góc sân nhà, con chó săn nằm lết rên ư ử. Chị Phươn đến ngồi cạnh, vuốt ve nó rồi kể: “Hôm qua, heo rừng về phá rẫy sắn, đàn chó vây  sủa. Con chó nhà bị heo rừng đớp cho mấy cái liệt chân rồi đó”.

Vô tình “lọt” giữa lòng di sản

Bản Đoòng năm ở một thung lũng nhỏ, tương đối bằng phẳng, cách trung tâm huyện lỵ Bố Trạch chừng 75 cây số và cách trụ sở xã Tân Trạch khoảng 50 cây số. Khu vực này thuộc địa giới hành chính của xã Tân Trạch và nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo già làng, tên này do bản nằm gần một cái hang đá mà lâu nay người bản địa gọi là hang Đoòng nên lấy tên đó đặt cho bản luôn. Khi ông Tòa đưa cả gia đình vào định cư ở giữa rừng già Phong Nha và bản Đoòng được ra đời từ đó. Trước năm 2004, bản Đoòng được UBND huyện Bố Trạch tạm giao cho xã Sơn Trạch quản lý. Mười năm sau, đến năm 2004, trước yêu cầu đăng ký đơn vị bầu cử, huyện thấy bản Đoòng nằm trên địa phận xã Tân Trạch nên đăng ký tổ bầu cử này thuộc xã Tân Trạch và giao cho xã quản lý từ đó đến nay.

“Do điều kiện giao thông khó khăn, không có điều kiện hỗ trợ, đầu tư theo các dự án, rồi gặp thiên tai nên hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào chưa có gì”, ông Đinh Hòe, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch cho hay.

Vùng lúa nước của bà con bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Vùng lúa nước của bà con bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Bản Đoòng như một ca khúc lúc trầm lúc bổng. Lúc đông nhất, bản có 17 hộ, 69 nhân khẩu, nhưng sau này một số hộ đã di dời đi ở nới khác nên chỉ còn lại 7 hộ với 32 nhân khẩu. Hiện là 11 hộ với 54 nhân khẩu. Xét về góc độ huyết thống thì bản chỉ có “nhánh” của dòng họ. Phía già làng Nguyễn Sỹ Trắc có hai con trai Nguyễn Sỹ Tòa và Nguyễn Sỹ Tường có gia đình ở riêng. Ở với vợ chồng già làng còn bốn đứa nữa. “Nhánh” thứ hai là của ông Nguyễn Sỹ Hiền. Nhà có ba con trai là Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Văn Chiều và Nguyễn Văn Ninh có gia đình riêng…

Sau khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập và được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới thì câu chuyện bản Đoòng nằm giữa vùng lõi của di sản lại thành chuyện lớn. Vì vùng lõi di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt và càng không thể tồn tại một bản sinh sống ở đây nên buộc phải di dời và câu chuyện di dời lại như bộ phim nhiều tập.

Khi thành lập Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có nhiều gia đình bà con dân tộc Vân Kiều nơi khác đã đến để xin được định cư ở đây. Già Tòa bảo: “Không được mô. Về ở đông người, ruộng rẫy không có lấy cái chi mà ăn. Hồi trước, đi từ bản ra đường cái (nhánh Tây - đường Hồ Chí Minh) thì chỉ hơn giờ đồng hồ thôi. Nhưng bây giờ thì cái chân không còn khỏe nên khó lắm”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.