| Hotline: 0983.970.780

Dư địa phát triển ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế còn rất lớn

Thứ Sáu 22/04/2022 , 11:17 (GMT+7)

Thừa Thiên - Huế có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp. Hiện tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển nông nghiệp của địa phương còn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Điền.

Ngày 21/4 tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, một số  đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) về định hướng phát triển kinh tế bền vững ngành nông lâm nghiệp và thủy hải sản của địa phương, giai đoạn 2022-2026 và tầm nhìn đến 2030.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT chủ trì buổi làm việc.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, Thừa Thiên - Huế là tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam. Với những thuận lợi này, tỉnh có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Trong đó tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển nông nghiệp rất lớn.

Thời gian qua, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của địa phương này có những bước phát triển khá toàn diện; nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP).

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT): Thừa Thiên - Huế có những lợi thế so sánh mà các nơi khác khó có được, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, không gian văn hoá, môi trường xã hội.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT): Thừa Thiên - Huế có những lợi thế so sánh mà các nơi khác khó có được, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, không gian văn hoá, môi trường xã hội.

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành nông nghiệp đạt 3,62%, chiếm khoảng 11,7% trong cơ cấu GRDP của tỉnh; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 7.627 tỷ đồng, tăng 4,4%, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 366 nghìn tấn, tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 150 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020 (thủy sản đạt 45 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 83 triệu USD)

Để nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa. Tiếp tục rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ.

Địa phương cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển các giá trị phi nông nghiệp thông qua các hoạt động như gắn du lịch với nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái dựa vào các hệ sinh thái tự nhiên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là rà soát ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý, quy trình sản xuất theo từng lĩnh vực. Triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ ý kiến về phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP tại buổi làm việc. Ảnh: Công Điền.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ ý kiến về phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP tại buổi làm việc. Ảnh: Công Điền.

Phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức của tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại buổi làm việc, các chuyên gia kinh tế nông nghiệp và đại diện các tổ chức quốc tế đã tư vấn, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, gợi ý, đề xuất những hướng chuyển dịch mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, phát triển xanh, bền vững.

"Thực tế tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy Thừa Thiên - Huế có những lợi thế so sánh mà các nơi khác khó có được, từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, không gian văn hoá, môi trường xã hội...

Đồng hành với tỉnh, từ kinh nghiệm thực tiễn, cũng như nắm bắt các xu thế phát triển, các mô hình hay cách làm tốt ở trong nước và quốc tế, chúng tôi mong muốn sẽ giới thiệu, tư vấn, chung tay đóng góp ý tưởng, đặc biệt là giới thiệu các cơ hội hợp tác quốc tế kết nối với các chương trình trong và ngoài nước, qua đó góp phần hiện thực hoá một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đặt ra", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về định hướng phát triển kinh tế bền vững ngành nông lâm nghiệp và thủy hải sản của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Công Điền.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về định hướng phát triển kinh tế bền vững ngành nông lâm nghiệp và thủy hải sản của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Công Điền.

Tại cuộc làm việc, đại diện các tổ chức FAO, WWF cũng trình bày các tham luận về Phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ven đô; Bảo tồn và phát triển bền vững; Các dự án lâm nghiệp tiềm năng hợp tác tại tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến, kiến nghị  tâm huyết đối với ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế như: phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cảnh quan; xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ lời cảm ơn về những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên đoàn công tác.

Ông Phương cho hay tỉnh sẽ tập hợp, đánh giá và bổ sung các giải pháp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ngành nông nghiệp.

Ông Phương cũng đề nghị, để có thể tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bên cạnh sự quyết tâm, phát huy nội lực của tỉnh, Thừa Thiên - Huế rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành, hợp tác từ các tổ chức quốc tế.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.