Du khách giảm
Đây là hệ quả của hơn 2 tháng biểu tình phản đối chính quyền vì dự luật dẫn độ của người dân Hong Kong. Cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997, khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc, đã tác động mạnh tới cả tình hình kinh tế hòn đảo này.
Hong Kong là một điểm du lịch quen thuộc ở châu Á và trên thế giới |
Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Carrie Lam mới đây đã lên tiếng cảnh báo, trung tâm tài chính quốc tế này đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cả dịch SARS hồi năm 2003. Mức độ nghiêm trọng của nó thậm chí ngang với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. “Tình hình lần này nghiêm trọng hơn-bà Lam cho biết, để hồi phục kinh tế cần mất nhiều thời gian”.
AFP cho biết khu vực tư nhân, đặc biệt lĩnh vực du lịch, đã bắt đầu tính chi phí vào hoá đơn để bù đắp cho hơn 2 tháng biểu tình nổ ra ở Hong Kong. Bộ luật với mục tiêu cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đã châm ngòi cho một phong trào đòi dân chủ lan rộng tại hòn đảo vốn trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất dưới tay nhà cầm quyền Anh.
Các con số thống kê cho thấy rõ mức độ tác động của hoạt động biểu tình ở Hong Kong 2 tháng qua.
Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn Hong Kong giảm 2 con số, cũng như lượng du khách tới đây trong tháng 7 vừa qua. Lượng khách đặt tour du lịch theo nhóm từ đường ngắn giảm 50%.
“Trong các tháng vừa qua, những gì xảy ra ở Hong Kong đã thực sự đặt sinh kế của người dân địa phương cũng như nền kinh tế vào tình trạng nguy hiểm”-Thư ký phát triển kinh tế và thương mại Hong Kong, Edward Yau cho biết.
Nhân viên du lịch đi nghỉ phép
Lượng khách du lịch giảm cũng đồng nghĩa các chuỗi cửa hàng bán lẻ, điểm vui chơi trở nên ế ẩm, giảm doanh thu. Khi hoạt động biểu tình nổ ra, nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Khu vui chơi Disneyland Hong Kong, một điểm du lịch nổi tiếng bất kỳ du khách nào đến Hong Kong cũng muốn ghé qua, cũng không ngoại lệ. CEO Disneyland, Bob Iger thừa nhận, đã “bắt đầu cảm thấy tác động từ các cuộc biểu tình”.
Lượng khách sụt giảm ảnh hưởng tới cả hoạt động của Cathay Pacific Hong Kong. Hãng này đã phải huỷ bỏ các chuyến bay tuần trước vì cuộc đình công gây náo loạn cả thành phố.
Hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hong Kong, đụng độ dữ dội giữa người biểu tình đeo mặt nạ với cảnh sát bắn hơi cay trên đường phố đã gây chú ý trên toàn cầu.
Một loạt cảnh báo của các quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản về tình hình Hong Kong càng tạo nên hiệu ứng tiêu cực đối với ngành du lịch hòn đảo. AFP dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Du lịch Hong Kong cho biết, số lượng đặt phòng chuyển tiếp trong tháng 8 và tháng 9 giảm đáng kể, báo hiệu tình trạng này sẽ kéo dài hết mùa hè.
“Tôi cho rằng tình hình đang ngày càng nghiêm trọng hơn”-Jason Wong, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hong Kong nói. Ông này cảnh báo, một số đại lý du lịch thậm chí đã tính tới phương án cho nhân viên nghỉ phép không lương để vượt qua cơn bão.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng ở Hong Kong có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Theo chuyên gia kinh tế, Martin Rasmussen thuộc Capital Economics, tác động của các cuộc biểu tình ở Hong Kong sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm. Nhưng từ lúc này, đã có thể đánh giá được những tác động cụ thể của nó vì càng lúc nó càng trở nên nghiêm trọng hơn. |