Bất chấp việc chính quyền đặc khu hoãn đưa ra thảo luận luật dẫn độ, đông đảo người dân Hong Kong vẫn xuống đường biểu tình bày tỏ sự phản đối, đồng thời đưa ra những đòi hỏi về dân chủ.
Luật dẫn độ chỉ là mồi lửa
Trung Quốc nhượng Hong Kong lại cho Anh năm 1842 sau một cuộc chiến giữa đôi bên. Từ đó tới khi được trao trả lại Trung Quốc năm 1997, Hong Kong đã có hơn 150 phát triển dưới sự quản lý của người Anh, trở thành một cảng giao dịch tấp nập, trung tâm tài chính, kinh tế lớn.
Trước khi trả lại Hong Kong, giữa Anh và Trung Quốc đã đạt thoả thuận để bán đảo này hưởng nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, tức ngoại trừ các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, Hong Kong được tự chủ cao độ trong 50 năm.
Hong Kong có hệ thống pháp lý, biên giới riêng, quyền tự do ngôn luận được bảo vệ. Rất ít người biết nhờ đó, Hong Kong là số ít khu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc có quyền tổ chức tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Mặc dù vậy, tình hình đã thay đổi trong các năm qua. Người Hong Kong cảm thấy bàn tay ngày một siết chặt từ chính quyền Bắc Kinh. Xung đột giữa người dân Hong Kong và Trung Quốc bắt đầu trở nên nặng nề khi từ năm 2014, Bắc Kinh muốn dân chúng Hong Kong chỉ được phép bầu cử dựa theo danh sách các ứng viên đã có sự phê chuẩn từ chính quyền trung ương. Với nhiều người Hong Kong, đây là một “nền dân chủ giả tạo”.
Vụ bắt giữ nhiều nhân vật có tư tưởng chống chính quyền Trung Quốc sau đó, gồm nhiều nhà sản xuất sách càng khiến nỗi lo của người Hong Kong tăng cao. Cho tới khi chính quyền đặc khu đưa ra kế hoạch thông qua luật dẫn độ, hàng chục nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối.
Sức ép của phong trào biểu tình khiến chính quyền đặc khu chùn tay, phải hoãn kế hoạch trên. Mặc dù vậy, phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong vẫn tiếp diễn.
Reuters cho biết, trong cuộc họp với giới lãnh đạo, tài chính Trung Quốc ở Thẩm Quyến, quan chức cấp cao phụ trách Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau, Trương Hiểu Minh thừa nhận, Hong Kong “đang trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1997”. Trương cũng cho biết, chính quyền Trung Quốc đang “đặc biệt quan ngại” với những diễn biến xảy ra ở Hong Kong.
Tờ SCMP cho biết, trong cuộc nói chuyện, ông Trương thậm chí đã dẫn lời cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình về việc nếu Hong Kong có biến động, chính quyền trung ương “phải can thiệp”.
Theo giới phân tích, nỗi sợ về sự can thiệp của Bắc Kinh ẩn chứa sau phong trào phản đối luật dẫn độ của người Hong Kong. Điều này khiến cho ngay cả khi chính quyền đặc khu đã nhượng bộ, người biểu tình Hong Kong vẫn không dừng lại. Nỗi lo càng hiện hữu hơn khi để ngăn chặn người biểu tình, cảnh sát Hong Kong đã ra tay rất nặng. Đấy là chưa kể, nhiều vụ người biểu tình bị tấn công bởi các đối tượng xã hội đen, và cảnh sát Hong Kong bị cho đã chậm can thiệp (hoặc cố tình làm lơ). |
Không coi là người Trung Quốc
Hầu hết dân Hong Kong là người gốc Hoa và thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng phần lớn không coi mình là “người Trung Quốc”. Một cuộc khảo sát năm 2017 cho kết quả, chỉ 3% người Hong Kong ở độ tuổi 18-29 coi mình là người Trung Quốc.
Điều này dường như cũng giống tình trạng ở Đài Loan hiện nay, khi đa số dân chúng coi mình là “người Đài Loan”.
Theo SCMP, dân Trung Quốc thậm chí đối diện sự kỳ thị khi tới Hong Kong. Với nhiều người Hong Kong, những người đến từ đại lục “ồn ào” và thường gây ra các tình trạng xã hội tệ hại.
Những gì xảy ra ở Hong Kong khiến Bắc Kinh thực sự quan ngại, đặc biệt khi Trung Quốc tin đằng sau các hoạt động biểu tình có bàn tay của “các thế lực nước ngoài”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng yêu cầu Anh và Mỹ ngừng can thiệp công việc nội bộ Hong Kong. Trung Quốc cũng tuyên bố đáp trả mọi hành động xâm hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Theo Reuters, thậm chí đã có những quan điểm ở Trung Quốc muốn triển khai quân đội nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng Hong Kong. Hoàn Cầu thời báo, một ấn bản thuộc cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã đăng video hàng nghìn cảnh sát đại lục diễn tập chống bạo động ở Thẩm Quyến, sát biên giới Hong Kong.