Họ yêu cầu rút hoàn toàn dự luật, buộc đặc khu trưởng Carrie Lam xin lỗi và từ chức.
Người Hong Kong không có niềm tin vào hệ thống tư pháp Trung Quốc |
Đây là lần thứ 3 người Hong Kong xuống đường phản đối dự luật dẫn độ, được ủng hộ từ phía Trung Quốc. Bà Carrie Lam, đặc khu trưởng, bị chỉ trích vì những phản ứng được đánh giá là mạnh tay của lực lượng cảnh sát Hong Kong với người biểu tình.
Gần 80 người đã bị thương trong tuần lễ biến động ở Hong Kong, trong đó có 22 nhân viên công quyền. Một người đàn ông đã thiệt mạng khi rơi từ tầng cao toà nhà trung tâm khi tham gia biểu tình hôm 15/6. Cảnh sát Hong Kong đã sử dụng đạn hơi cay để trấn áp đám đông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), từ đầu giờ chiều qua, hàng nghìn người biểu tình bắt đầu tập trung ở công viên Victoria và Causeway Bay. Tất cả mặc đồ đen, mang theo hoa để tưởng nhớ người thiệt mạng. Một cửa hàng bán hoa phục vụ lễ tang ở Hung Hom đã miễn phí hoa cho những người biểu tình.
Đôi bạn trẻ Ng và Chu lần đầu xuống đường tưởng nhớ người biểu tình thiệt mạng |
SCMP dẫn lời một thanh niên 25 tuổi cho biết, đã không tham gia 2 cuộc xuống đường hôm 9 và 12/6. “Nhưng hôm nay khi nghe tin một người trẻ tuổi thiệt mạng vì hành động của chính quyền, tôi biết tôi cần phải đến. Carrie Lam cần dừng việc gọi chúng tôi là những kẻ bạo động. Chúng tôi chỉ là những công dân bình thường yêu Hong Kong”.
Theo kế hoạch của những người tổ chức, người biểu tình sẽ đi tới trụ sở các cơ quan công quyền ở Hong Kong. AFP cho biết số lượng người tham gia đã không ngừng tăng lên. Tất cả hô vang các khẩu hiệu “Hãy tự bảo vệ chúng ta”, “Carrie Lam từ chức” hay “Hãy rút hoàn toàn luật dẫn độ”. Đoàn người tràn kín đường Henessy, cùng hướng tới quận Admiralty, nơi có Hội đồng Lập pháp và trụ sở chính quyền quận.
Người biểu tình phải đeo mặt nạ chống đạn hơi cay |
Ông Lee Cheuk-yan, một nhà hoạt động dân chủ tuyên bố, việc chỉ hoãn thảo luận về dự luật này có nghĩa, nó có thể được đưa ra bất kỳ lúc nào. Sự giận dữ của người Hong Kong đổ dồn vào đặc khu trưởng Carrie Lam, người bị cáo buộc có tư tưởng phục tùng Bắc Kinh.
Còn Jimmy Sham, thuộc phong trào Mặt trận Dân quyền công dân (CHRF) tuyên bố, bà Lam là “con dao” xuyên thẳng vào Hong Kong.
“Hãy ngừng tốn tiền thuế của người dân, Carrie Lam không còn khả năng lãnh đạo nữa. Bà ấy nên xin lỗi và từ chức”, một người biểu tình tuyên bố.
Claudia Mo, nghị sĩ đối lập ở Hong Kong cho rằng, thất bại lớn nhất của Trung Quốc là vụ việc phản ánh niềm tin của người dân Hong Kong đối với hệ thống tư pháp, luật pháp ở đại lục rất thấp. Ở một góc độ khác, phản ứng của người dân Hong Kong là một tín hiệu xấu đối với chính quyền ông Tập Cận Bình, trong bối cảnh đối đầu thương mại với Mỹ gia tăng. |