Bãi tắm Bãi Cháy. |
Bức tranh buồn qua hai thập kỷ
Ngày 17/12/1994, trong Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới. Thông tin này nhanh chóng lan rộng, đưa Vịnh Hạ Long nổi danh toàn cầu.
Thế nhưng, sau ánh hào quang đó, Quảng Ninh vẫn chỉ mang tiếng có di sản thiên nhiên thế giới, chứ không phải là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Suốt 20 năm sau khi được UNESCO công nhận, Quảng Ninh vẫn là vùng đất của “vàng đen” – ngành kinh tế chính là khai thác mỏ.
Du lịch – những tưởng là thế mạnh của Quảng Ninh, song lại mang “tiếng xấu” với cách làm "mài dao 9 tháng chém 3 tháng". Bãi tắm Bãi Cháy suốt bao năm được gọi tên “bãi chém”, nhếch nhác và đầy rác thải. Cách làm du lịch chộp giật, manh mún, nhỏ lẻ đó đã vô tình “đuổi khách”.
Du khách đến Hạ Long thậm chí còn không bước chân xuống bãi tắm, vì quá bẩn và dịch vụ yếu kém. Thêm sự nghèo nàn về dịch vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú, kết cục là khách chỉ đến ăn hải sản rồi về, có khi cũng chẳng buồn ngủ đêm tại vùng di sản.
“Cục tẩy kỳ diệu”
Những nét vẽ xấu trên bức tranh du lịch của Hạ Long, Quảng Ninh suốt 2 thập kỷ dài sau khi nhận danh hiệu cao quý đã dần được xóa bỏ.
Kể từ 30/4/2015, khi bãi tắm Bãi Cháy mới chính thức khai trương, vùng di sản lại đông vui tấp nập. Không còn cảnh nhếch nhác, bãi tắm Bãi Cháy đã được cải tạo lại hoàn toàn mới với biển xanh, cát trắng, nắng vàng – cảnh tượng trước đó chưa từng xuất hiện ở Hạ Long.
Song bước ngoặt lớn nhất của du lịch Quảng Ninh phải kể đến năm 2016, khi tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp Sun World Halong Complex ở Bãi Cháy khai trương. Lần đầu tiên, Hạ Long “bừng sáng” với hàng ngàn du khách đổ về mỗi ngày, dịp cuối tuần khách sạn liên tục “cháy phòng”. Kể từ năm 2016, khách du lịch không ngừng đổ về Hạ Long, năm sau cao hơn năm trước, kéo theo sự phát triển “phi mã” của các ngành dịch vụ, vận tải, thương mại…
Sun World Halong Complex ở Bãi Cháy không chỉ tạo nên điểm đến vui chơi giải trí sôi động mà còn bắt đầu cho một “quỹ đạo” làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại.
Xóa đi hình ảnh “mài dao 9 tháng chém 3 tháng” của Hạ Long, Quảng Ninh, những khu du lịch, điểm đến mới mang tới cho vùng di sản một cách làm du lịch chuyên nghiệp, văn minh. Du khách đến Hạ Long bất ngờ với những nụ cười xin chào ở Sun World Halong Complex. Một tủ đồ thất lạc đã trao trả nhiều trăm triệu cùng vô số đồ vật thất lạc do du khách vui chơi tại tổ hợp này bỏ quên. Giá cả được niêm yết minh bạch, du khách không phải vừa ăn vừa lo nơm nớp tới khi tính tiền.
Những nét vẽ tươi sáng cho bức họa mới
Những hình ảnh chuyên nghiệp nói trên mới chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh tươi sáng của Hạ Long, Quảng Ninh. Du lịch Quảng Ninh đang được họa thêm rất nhiều sắc màu mới, khi các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đi vào hoạt động như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, những cao tốc hiện đại, đẹp bậc nhất cả nước… Nhiều trải nghiệm du lịch mới được mở ra, từ những công trình nghỉ dưỡng mới mà nhà đầu tư chiến lược như Sun Group sẽ đưa vào khai thác.
Một khu nghỉ dưỡng mới Sun Premier Village Halong Bay dự kiến sẽ chính thức khai trương cuối năm 2019. Khu du lịch Quang Hanh onsen cũng đang rục rịch chuẩn bị đi vào hoạt động. Chuỗi nhà phố thương mại dịch vụ thời thượng đang được đẩy nhanh tiến độ, để kiến tạo nên một quần thể du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hoàn chỉnh, đồng bộ đầu tiên bên vịnh biển.
Từ chỗ không có nổi một khách sạn 5 sao chỉ 5 năm về trước, đến giờ, Hạ Long đã hội đủ “anh tài” du lịch như Vinpearl Resort & Spa Hạ Long, FLC Halong Bay Golf Club & Luxury Resort.... Tới đây, sẽ có thêm nhiều khu phức hợp du lịch cao cấp mang tính biểu tượng sẽ xuất hiện ở đất rồng.
Bức tranh du lịch hiện đại của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung đã và đang được “vẽ lại” bởi chính tư duy đột phá, “trải thảm đỏ” hút được các nhà đầu tư chiến lược. Và đằng sau bức tranh đó là những con số tăng trưởng mà nhiều tỉnh, thành thèm muốn.
Chỉ trong vòng 2 năm từ 2014 - 2015, tổng số vốn đầu tư vào Quảng Ninh là 100.000 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến nay, chỉ riêng vốn đầu tư vào hạ tầng của tỉnh là 36.000 tỉ đồng, trong đó 3/4 vốn là từ xã hội hóa.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh phấn khởi nói: “Những đột phá về hạ tầng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong đó có ngành dịch vụ và du lịch. Đường xá giao thông tốt, nhà đầu tư nhìn thấy khả quan khi đầu tư ở đây. Thời gian qua những nhà đầu tư lớn nhất về dịch vụ của đất nước đều có mặt ở Quảng Ninh. Vì vậy đã mang lại diện mạo mới cho du lịch”.
Sau 25 năm Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, miền đất này đã được “đánh thức”. Năm 2018, Vịnh Hạ Long đón 4,13 triệu lượt khách – bằng 1/7 so với con số 28,8 triệu lượt khách đến Vịnh của cả 18 năm tính từ 1996 đến 2014. Tính chung cả tỉnh, 9 tháng năm 2019, Quảng Ninh đón 11,3 triệu lượt khách, gần bằng tổng số khách du lịch của cả năm 2018 (12 triệu lượt). Mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030 và đón 50 triệu lượt khách như Thủ tướng kỳ vọng, chắc chắn sẽ được Quảng Ninh hoàn thành, sớm hơn dự kiến.