Dịp này, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Trần Đề tổ chức thả trên 2 triệu con tôm sú giống về môi trường tự nhiên, giá trị tương đương khoảng 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và hỗ trợ của mạnh thường quân.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, những năm gần đây, ngành thủy sản của tỉnh đang đối diện với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác thiếu trách nhiệm. Điều này khiến môi trường sống của các loài thủy sản bị đe dọa, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh.
Đặc biệt, cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác, xuất khẩu hải sản của cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Do đó, việc thả giống thủy sản để bổ sung, phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là rất cấp thiết, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện.
Hoạt động thả giống thủy sản bổ sung không chỉ góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản theo điều kiện tự nhiên, mà còn tạo sinh kế cho ngư dân giữ cân bằng hệ sinh thái; Hướng hoạt động khai thác của ngư dân chuyển đổi đến có trách nhiệm hơn, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức xã hội cần có kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên, liên tục. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay, tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức 3 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên. Đến nay, trên 2 triệu con tôm sú giống và 300kg cá giống các loại đã được thả về tự nhiên, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hằng năm, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp, sở ban ngành và tổ chức cá nhân trong chuỗi ngành hàng.
Bình quân mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng thả về tự nhiên trên 4 triệu con giống thủy sản các loại, tập trung chủ yếu giống tôm sú, cua, cá nước ngọt và một số đối tượng cá có giá trị kinh tế.
Ông Cô Minh Phương, Chủ tịch Nghiệp đoàn đánh bắt hải sản thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề bày tỏ, hoạt động thiết thực và ý nghĩa này là giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất. Bà con ngư dân vừa đánh bắt, khai thác vừa bảo vệ, phục hồi nguồn lợi.