Quảng Ninh dành 45.000 ha khu vực nuôi biển chào đón nhà đầu tư. Thả hơn 1 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển Cát Bà. Dâu tằm vào vụ, người dân thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Trồng chuối lùn bản địa hiệu quả gấp 3-4 lần trồng keo.
Quảng Ninh dành 45.000 ha khu vực nuôi biển chào đón nhà đầu tư
Đồng chủ trì “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” cùng với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, cho biết: Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thuỷ sản của miền Bắc, và đã quy hoạch hơn 45.000 ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Tỉnh Quảng Ninh luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nuôi biển và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nuôi trồng biển không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là vấn đề xã hội của con người và giải quyết thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang bị suy kiệt. Không gian biển chỉ hài hòa khi có sự ham gia có trách nhiệm của hệ sinh thái ngành hàng thủy sản, bao gồm một vòng tròn kết nối, từ các cơ quan ban ngành trung ương, trong đó có Bộ NN-PTNT, cơ quan xây dựng thể chế pháp luật, cùng với cộng đồng doanh nghiệp, các viện, trường, các đối tác quốc tế và tổ chức nghề nghiệp, bà con ngư dân, phải hiểu được giá trị chúng ta đang làm. Giá trị càng cao thì thôi thúc động lực càng mạnh mẽ, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn để phát triển các vùng nuôi biển hiện đại, quy mô lớn, qua đó nâng tầm vị thế quốc gia.
Thả hơn 1 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển Cát Bà
Chiều ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà và thả hơn 1 triệu con giống thủy sản xuống biển.
Các đại biểu đã thả gần 108 vạn con giống thủy sản nước mặn gồm: cá song, cá vược, tôm sú, tôm rảo ra vùng biển Cát Bà.
Để chuẩn bị cho sự kiện này, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã bố trí 6 phương tiện gồm 2 tàu kiểm ngư, 3 tàu Tender mạn thấp và xuồng để các đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương thực hiện hoạt động thả con giống. Qua đó bảo tồn, phát triển quỹ gen, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên và bảo vệ sự đa dạng sinh học trên các thủy vực tự nhiên.
Dâu tằm vào vụ, người dân thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Những ngày này, người dân ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội lại tất bật vào vụ thu hoạch dâu tằm để cung ứng ra thị trường.
Gia đình chị Dương Thị Liên trồng hơn 50 gốc dâu. Các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau thu hoạch vì dâu chín quá sẽ mất giá.
Chia sẻ với phóng viên, chị Liên cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên dâu được mùa, giá rẻ hơn so với năm ngoái. Gia đình chị đổ buôn cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg. Một buổi, một người có thể hái được khoảng 20-30kg dâu, cuối ngày bán cho thương lái gia đình chị có thể thu về khoảng 1 triệu đồng.
Trồng chuối lùn bản địa hiệu quả gấp 3-4 lần trồng keo
Từ vài năm nay, các hộ đồng bào dân tộc Pakô, Vân Kiều dưới chân dãy núi Trường Sơn thuộc huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị đã chuyển 1 phần diện tích trồng keo sang trồng chuối lùn bản địa.
Tại các địa bàn này, đường sá, giao thông đi lại khó khăn nên keo nguyên liệu thu mua tận vườn rừng chỉ khoảng 50-60 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ trồng 6-7 năm. Tuy nhiên, với cây chuối lùn bản địa, mỗi năm có thể cho đồng bào thu nhập 20-30 triệu đồng/ha.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Đakrông, chuối lùn bản địa trồng tại một số xã như A Ngo, A Vao, Tà Rụt… chất lượng thơm ngon hơn hẳn so với trồng ở các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, việc canh tác cây chuối lùn hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa trở thành vùng hàng hóa tập trung và đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi.