Hoạt động thả giống thủy sản nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản và cân bằng, phát triển hệ sinh thái dưới nước. Những năm gần đây, dưới tác động của tình trạng khai thác thủy sản quá mức, sự phát triển của các ngành nghề kinh tế khác ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sản, khiến cho nguồn lợi thủy sản của Quảng Ninh ở các vùng nước ngọt, lợ, mặn đều suy giảm.
Khắc phục tình trạng này, Quảng Ninh có những chính sách mạnh tay xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép cũng như làm ô nhiễm môi trường nước, đồng thời thả hàng triệu con giống thủy sản mỗi năm để tăng khả năng tái tạo nguồn lợi.
Theo đó, hàng năm cứ vào dịp 1/4, các thế hệ ngư dân cùng cán bộ quản lý ngành thuỷ sản phối hợp thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Công việc này còn góp phần phát triển ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập sâu rộng, đóng góp quan trọng trong nền kinh quốc dân, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Trong dịp này, tỉnh Quảng Ninh đã thả hơn 2,3 triệu giống thủy sản các loại gồm: Tôm sú, cá song, vược, hồng mỹ... xuống vùng biển vịnh Bái Tử Long và huyện Hải Hà.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, để tiếp tục khai thác lợi thế kinh tế thủy sản gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh - quốc phòng, biên giới biển đảo, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các nghề cấm, tận diệt nguồn lợi tự nhiên.
Cùng các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường quản lý, chống đánh bắt bất hợp pháp; phát triển các khu bảo tồn biển gắn với du lịch sinh thái; bảo vệ và tái tạo các hệ rạn san hô hiện đang phát triển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; sản xuất giống để thả giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Mặt khác, tỉnh cũng thu hút các nhà đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thủy sản mới theo hướng hiện đại, chế biến sâu; đẩy mạnh phát triển các cơ sở chế biến tiêu thụ nội địa, gắn với chương trình OCOP của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích nuôi trồng thủy sản nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại gắn với công nghiệp phụ trợ và liên kết chặt chẽ với các vùng nuôi trồng tập trung, vùng đánh bắt trọng điểm của tỉnh, qua đó góp phần đảm bảo kịch bản tăng trưởng trong năm 2022 của toàn ngành nông nghiệp đạt 4,5%.
Năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản đạt 13.009,59 tỷ đồng, chiếm 52,5% giá trị của toàn ngành; giải quyết việc làm cho 55 ngàn lao động. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi tự nhiên được ngành quan tâm triển khai hiệu quả, quyết liệt.