| Hotline: 0983.970.780

Dừa Bình Định với thị trường tỷ đô: Viễn cảnh tươi sáng

Thứ Sáu 13/09/2024 , 07:00 (GMT+7)

Dừa uống nước của Bình Định được đánh giá có nhiều ưu thế hơn dừa miền Nam, đường vận chuyển đi Trung Quốc ngắn hơn 730km so với đi từ Bến Tre

Giảm gần 1/3 chi phí vận chuyển

Ông Phan Thanh Bút, người con của vùng đất Bình Định hiện đang là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi (địa chỉ tại huyện Châu Thành, Bến Tre) rất phấn chấn trước thông tin dừa tươi được xuất khẩu chính gạch sang Trung Quốc từ ngày 19/8. Doanh nghiệp này đang xuất khẩu dừa kim cương (dừa tươi đã gọt vỏ) sang thị trường Hàn Quốc với số lượng 100 container hàng từ trung tuần tháng 8/2024 đến Tết dương lịch năm 2025.

Mỗi ngày, Công ty xuất một container dừa, mỗi container là 19.800 quả. Khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho dừa tươi Việt Nam, ông Bút quyết định sẽ về quê thu mua dừa của Bình Định để xuất khẩu sang thị trường tỷ đô này.

Theo đánh giá của ông Bút, doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc nếu đi từ Bến Tre sẽ phải vượt qua chặng đường dài khoảng 2.400km, còn nếu thu mua dừa Bình Định vận chuyển đi Trung Quốc thì chặng đường được rút ngắn chỉ còn 1.670km (giảm được gần 1/3 quãng đường).

“Khi rút ngắn được 730km quãng đường vận chuyển, doanh nghiệp giảm được chi phí ít nhất 15 triệu/container”, ông Phan Thanh Bút chia sẻ.

Dừa uống nước ở Bình Định to đều quả, vỏ mỏng, sọ to nên chứa nhiều nước. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa uống nước ở Bình Định to đều quả, vỏ mỏng, sọ to nên chứa nhiều nước. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Xuân Bá ở khu vực Tăng Long 2, phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), người đang sở hữu 1ha dừa xiêm lùn (có nguồn gốc từ Bến Tre) trên vùng đất cát ven biển mang lại hiệu quả cao.

“Giống dừa xiêm lùn da xanh trồng trên vùng đất cát ven biển khoảng 3 năm là cho quả, vị ngọt đậm hơn một số giống truyền thống trồng trên những đất khác, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt, cây cho quả rất sai, mỗi buồng 30-40 quả, trung bình mỗi tháng tôi thu hoạch một lần khoảng 600 quả”, ông Bá cho hay.

Ưu điểm quả to, vỏ mỏng, nhiều nước

Chúng tôi đến thăm vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ của anh Lưu Anh Vũ ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) đúng lúc chủ nhà vườn đang hái những buồng dừa đã đến thời điểm thu hoạch. Anh Vũ chặt ngẫu nhiên 3 quả dừa từ 3 buồng khác nhau để cân thử trọng lượng. Thật bất ngờ khi quả đầu tiên cân được 2kg, quả thứ 2 cân được 1,9kg và quả thứ 3 cân được 1,8kg.

Dừa uống nước ở Bình Định có trọng lượng quả bình quân đạt 2kg/quả. Ảnh: V.Đ.T.

Dừa uống nước ở Bình Định có trọng lượng quả bình quân đạt 2kg/quả. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phan Thanh Bút, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải có trọng lượng tối thiểu là 1,2kg/quả”, tương đương 2 quy cách đóng gói: Loại 1 là 9 quả có tổng trọng lượng 13kg, loại 2 là 9 quả có tổng trọng lượng 11kg. Dừa tươi uống nước ở Bình Định vào mùa nắng mà quả đã có trọng lượng tối thiểu là 1.8kg thì vào mùa mưa (mùa chính vụ), quả dừa còn to và nặng hơn nữa. Như vậy, dừa Bình Định vượt quy chuẩn của thị trường Trung Quốc. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi quyết định sẽ về Bình Định tìm đối tác, liên kết xây dựng nhà máy sơ chế dừa tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Bút, dây chuyền sơ chế dừa tươi không đắt, chỉ khoảng 7 tỷ đồng. Quy trình sơ chế cũng đơn giản, sau khi cắt ra từng quả, dừa được đưa vào máy rửa cho sạch bụi bẩn và côn trùng. Sau khi rửa, những quả dừa sẽ được đưa qua máy thổi nhiệt để làm khô. Sau khi được thổi khô, những quả dừa được đưa vào máy phân kích cỡ, rồi đưa sang máy quấn màng bảo vệ thực phẩm để trái dừa tươi lâu, sau đó cho vào thùng các-tông đóng hộp. Rõ ràng tiêu chuẩn cơ sở đóng gói dừa tươi phía Trung Quốc quy định là không cao, nên vốn đầu tư máy móc thiết bị thấp.

“Nếu vùng nguyên liệu dừa uống nước của Bình Định được mở rộng thì tôi sẽ chuyển máy móc thiết bị của nhà máy đang hoạt động tại Bến Tre về Bình Định, thu mua, chế biến để xuất khấu sang Trung Quốc”, ông Phan Thanh Bút kỳ vọng.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Hậu Giang 'phủ kín' cán bộ thú y 3 cấp từ tỉnh đến xã

Lực lượng thú y được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp, đảm bảo nhân lực phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào ruộng lúa, lợi nhuận tăng 6,5 triệu đồng/ha

KIÊN GIANG Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất lúa.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.