Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình liên kết sản xuất dưa chuột của Hợp tác xã Minh Tâm huyện Sơn Dương đang là một trong những mô hình mang lại hiệu giá trị kinh tế nông nghiệp cao ở Tuyên Quang. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc liên kết sản xuất càng khẳng định được vai trò và ý nghĩa của mình trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Tuyên Quang.
Hỗ trợ HTX phát triển chuỗi giá trị này, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cùng các đơn vị liên quan thực hiện kết nối, phối hợp với thành phố Hà Nội để cung ứng thực phẩm và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, nông lâm thủy sản; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản lâu dài cho nông dân. Hiện nay tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 24 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được lưu thông, tiêu thụ thuận lợi, trong đó có chuỗi liên kết sản phẩm dưa chuột.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Minh Tâm huyện Sơn Dương cho biết, đảm bảo tiêu thụ hết dưa chuột tại các xử đồng của bà con, HTX được các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện để làm mọi thủ tục để phân làn xanh ưu tiên cho xe ra, vào thuận lợi bao tiêu sản phẩm cho bà con trong giai đoạn dịch cao điểm bùng phát.
Bởi vậy kể cả những giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất, việc mua bán, lưu thông sản phẩm dưa chuột giữa HTX và bà con nông dân vẫn không bị vướng mắc, tồn đọng; giá thu mua luôn cao hơn 2.000 đồng/kg so với cam kết ban đầu.
Trung bình từ đầu năm đến nay, HTX thường xuyên thu mua của bà con với giá 5.000 đồng/kg, trong đó cao điểm nhất là dịp tháng 10, giá thu mua đạt 13.000 đồng/kg. Tuy nhiên, HTX cũng yêu cầu sản phẩm dưa chuột của bà con làm ra phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đúng như cam kết với HTX.
Gia đình anh Trần Văn Hòa, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương thực hiện liên kết trồng dưa chuột với HTX Minh Tâm được 3 năm nay. Tham gia mô hình liên kết, anh Hòa trồng 3ha dưa chuột theo đúng yêu cầu quy trình kỹ thuật, quy chuẩn an toàn thực phẩm HTX đề ra.
Anh Hòa cho biết, do thực hiện chặt chẽ hợp đồng liên kết nên sản phẩm dưa chuột của gia đình được thu mua kịp thời với giá ổn định. Trung bình mỗi năm vườn dưa chuột của gia đình anh Hòa cho 2 vụ thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi vụ anh Hòa thu lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang tập trung xuống giống 1 số diện tích để phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.
Việc thu mua ổn định, không bị đứt quãng lại cho hiệu quả kinh tế cao nên người nông dân Tuyên Quang rất yên tâm gắn bó và mở rộng vùng dưa chuột sản xuất hàng hóa. Chỉ tính riêng trong 2 tháng 9 và tháng 10, toàn tỉnh đã mở rộng thêm được 28ha dưa chuột tại các xã: Tân Trào, Vĩnh Lợi, Thượng Ấm, Tú Thịnh huyện Sơn Dương; xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang; xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Đến nay, diện tích dưa chuột được mở rộng lên 160ha, doanh thu hơn 20 tỷ đồng.
Có thể nói, việc liên kết sản xuất đang là cầu nối giúp người nông dân cũng như các mô hình khuyến nông ở Tuyên Quang chuyên nghiệp hơn từ sản xuất đến tiêu thụ. Thay vì làm thủ công, thiếu bài bản như trước kia, người nông dân đã dần làm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Như vậy chất lượng nông sản vừa đảm bảo, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình khảo sát lựa chọn địa điểm triển khai thực hiện mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột Nhật xuất khẩu vụ đông năm 2021 tại xã Tân Thịnh, Yên Lập huyện Chiêm Hoá, quy mô 10ha. Người nông dân tại địa phương đang làm đất được 8ha để chuẩn bị trồng dưa. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 1 lớp tập huấn việc trên đồng ruộng cho các hộ trồng dưa.
Hạn chế tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến tiêu thụ sản phẩm nông sản, từ tháng 8, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội. Cùng với đó, tỉnh còn liên kết tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, là đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử… để tiếp cận được nhiều thị trường hơn.