| Hotline: 0983.970.780

Đưa công nghệ số vào quản lý chăn nuôi

Thứ Tư 22/03/2023 , 06:56 (GMT+7)

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chăn nuôi, từ đó giúp ngành quản lý sâu sát cùng với địa phương.

Empty

Nhiều năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp với VNPT An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm 4.0 để quản lý trong chăn nuôi đã đem lại hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xây dựng nền tảng số từ cấp cơ sở

Bà Nguyễn Thị Xoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang cho biết, trước đây công tác quản lý chăn nuôi tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn tỉnh An Giang đều thông qua các nhân viên chăn nuôi và thú y ghi chép vào sổ sách, tổng hợp và báo cáo định kỳ hay đột xuất về Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Tuy nhiên, việc quản lý này làm tốn thời gian, công sức của các nhân viên, mà đôi khi gây nhầm lẫn, mất sổ, không chính xác và thông tin chưa kịp thời đã ảnh hướng đến công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh, dự báo và khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh, chính sách hỗ trợ chăn nuôi, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi chưa kịp thời, chưa bao quát hết đối tượng chăn nuôi.

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chăn nuôi và thú y, từ đó giúp ngành quản lý sâu sát cùng với địa phương, từ nền tảng đó đã giúp ngành chăn nuôi An Giang đang trên đà phá triển mạnh. Nhiều năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp với VNPT An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm 4.0 để quản lý trong chăn nuôi đã đem lại hiệu quả.

Empty

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý chăn nuôi và thú y từ đó giúp ngành quản lý sâu sát cùng với địa phương. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện, toàn tỉnh An Giang có 156 xã, phường và thị trấn đều có 1 cán bộ chuyên trách về mảng chăn nuôi và thú y. Cao hơn có 11 Trạm Chăn nuôi và Thú y thuộc cấp huyện, thị xã và thành phố với 22 cán bộ chuyên trách quản lý ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi và thú y.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tình hình chăn nuôi tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn tỉnh An Giang là cần thiết và phù hợp với định hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý phát triển chăn nuôi.

Việc ứng dụng phần mềm công nghệ 4.0 này vào quản lý chăn nuôi bước đầu đã tạo nhiều tín hiệu tích cực. Các thông tin về số lượng các hộ, trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hộ hay cơ sở kinh doanh giống vật nuôi, cơ sở ấp nở… trên địa bàn cấp xã, cấp huyện đều được cập nhật và được lưu trên hệ thống để Chi cục Chăn nuôi và Thú y có thể cập nhật báo cáo Sở NN-PTNT, UBND tỉnh An Giang, Bộ NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Nguyễn Thị Xoàn cho biết thêm: Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý chăn nuôi ở An Giang bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Mục đích là nhằm giúp cập nhật số liệu chính xác và hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi hơn.

Từ đó cơ quan quản lý thông tin kịp thời thông báo, khuyến cáo cho các địa phương và từng cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi ở trong tỉnh. Mô hình quản lý số còn mang ý nghĩa đặc biệt trong tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi, dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò… luôn tìm ẩn nguy cơ khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người chăn nuôi.

Các số liệu thống kê trên phần mềm là cơ sở để đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, cân đối cung cầu sản phẩm chăn nuôi, định hướng phát triển vật nuôi lợi thế. Tính đến nay, phần mềm đã cập nhật gần 37 ngàn cơ sở chăn nuôi. Nhân viên chăn nuôi thú y thường xuyên cập nhật trên hệ thống phần mềm khi có sự thay đổi tình hình chăn nuôi tại địa bàn quản lý (tăng đàn, phát sinh nuôi mới hoặc giảm đàn, nghỉ nuôi).

Empty

Ứng dụng 4.0 trong chăn nuôi mục đích là nhằm giúp cập nhật số liệu chính xác và hỗ trợ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lập nhóm Zalo cập nhật số liệu hoạt động chăn nuôi

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết, qua nhiều năm nay huyện đã triển khai phần mềm quản lý vật nuôi do VNPT cung cấp đến tất cả nhân viên Chăn nuôi và Thú y các xã, thị trấn trên địa bàn.

Đồng thời, lãnh đạo các Trạm đã phân công viên chức trạm phụ trách theo dõi và quản trị việc nhập số liệu chăn nuôi vào phần mềm, qua đó đã giúp cho nhân viên Chăn nuôi và Thú y các xã, phường, thị trấn giải đáp, hỗ trợ, tháo gỡ một số thắc mắc, khó khăn trong việc nhập liệu vào phần mềm quản lý vật nuôi.

Đến nay nhân viên Chăn nuôi và Thú y các xã, thị trấn đã thực hiện tương đối hoàn chỉnh trên phần mềm quản lý vật nuôi. Đồng thời, thành lập nhóm Zalo về cập nhật số liệu hoạt động chăn nuôi để thuận lợi cho việc trao đổi thông tin

“Từ khi phần mềm quản lý vật nuôi được đưa vào sử dụng đây là vấn đề rất cần thiết và mang lại hiệu quả cao. Qua đó đó ngành nông nghiệp huyện rất quan tâm và thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các nhân viên Chăn nuôi và Thú y nhập dữ liệu.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y còn đề ra một số giải pháp như: phân công các nhân viên, đồng nghiệp thành thạo hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp chưa thành thạo vào các ngày trong tuần tại Trạm. Điều này sẽ làm cho việc nhập dữ liệu chăn nuôi đầy đủ hơn và hiệu quả hơn.

Trao đổi với các đồng nghiệp về kinh nghiệm nhập liệu và lắng nghe các ý kiến phản hồi về những vấn đề khó khăn vướng mắc chưa thực hiện được. Đến nay tình hình cập nhật số liệu chăn nuôi đã và đang từng bước điều chỉnh số liệu báo cáo và phần mềm trùng khớp với nhau” ông Văn thông tin.

Empty

Thực hiện tốt công tác quản lý chăn nuôi nên nhiều năm trên địa bàn An Giang ít xảy ra dịch bệnh. Ảnh: Lê Hồ Thảo.

Anh Phạm Xuân Tiến, nhân viên Chăn nuôi và Thú y xã Mỹ An, huyện Chợ Mới cho biết: Phần mềm quản lý vật nuôi do VNPT đã ra đời gần 4 năm nay, đã giúp cho cán bộ chuyên trách phần chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn quản lý giám sát được số hộ chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Giúp cho việc cập nhật số liệu chính xác, hổ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh được thuận lợi hơn. Góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi tại địa phương.

Đồng thời, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh để giúp cơ quan quản lý và người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Từ những yếu tố thuận lợi đó, giúp dự báo về mặt sản lượng, truy suất được nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm chăn nuôi.

Hiện nay, việc ứng dụng phần mềm vào quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang đã tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý chăn nuôi, góp phần kiểm soát dịch bệnh đàn vật nuôi tại địa phương, tạo thuận lợi trong việc truy cập dữ liệu lịch sử chăn nuôi và lịch sử diễn biến dịch bệnh để giúp cơ quan quản lý và người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Quản lý chăn nuôi tốt, hạn chế được dịch bệnh, sẽ dự báo được sản lượng, truy xuất được nguồn gốc và định hướng thị trường cho từng loại sản phẩm.

“Trong thời gian tới, việc cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm vào phần mềm sẽ giúp địa phương quản lý tốt công tác chăn nuôi, và kịp thời hỗ trợ người dân trong việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Trên cơ sở đó có dữ liệu để nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý phát triển chăn nuôi, quản lý dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh” Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Nguyễn Thị Xoàn nhấn mạnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.