| Hotline: 0983.970.780

Đưa lúa lên xe, tính tiền tại ruộng

Thứ Năm 23/05/2024 , 19:14 (GMT+7)

Nông dân Thanh Hóa phấn khởi vì lúa xuân được mùa, được giá. Nhiều doanh nghiệp đã đưa phương tiện đến chân ruộng để thu mua lúa cho bà con.

Sáng sớm, thương lái đã có mặt tại chân ruộng xã Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để thu mua lúa cho bà con. Bờ thửa tại xã Xuân Lập cơ bản được bê tông hóa, lòng đường rộng rãi nên xe cả chục tấn ra vào khá tiện lợi. 

Tại các cánh đồng lúa xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, máy gặt đang tất bật thu hoạch lúa và đóng thành bao, vận chuyển lên bờ. Phía bờ đối diện rộn ràng kẻ bán, người mua không khác gì “trẩy hội”. Chỉ trong vòng 1 tuần trở lại đây đội máy gặt của các hợp tác xã làm việc không kịp ngơi nghỉ để cho kịp thời vụ. Cánh tài xế chuyên vận chuyển lúa có vẻ phờ phạc vì di chuyển nhiều, trong khi bà con ai nấy phấn khởi vì lúa năm nay được mùa, được giá. Có ngày, sản lượng lúa tươi xuất bán tại các hợp tác xã lên tới gần 50 tấn.

Doanh nghiệp đưa xe tới chân ruộng để thu mua lúa cho bà con. Ảnh: QT.

Doanh nghiệp đưa xe tới chân ruộng để thu mua lúa cho bà con. Ảnh: QT.

Cũng như nhiều nông hộ khác, vụ xuân năm nay, bà Đỗ Thị Hà (thôn Trung Lập 3, xã Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã thu hoạch xong gần 2 mẫu ruộng với năng suất đạt hơn 3,5 tạ/sào và giá lúa năm nay cao hơn hẳn so với năm trước.

“Giá lúa tươi được doanh nghiệp thu mua tại ruộng với mức 7.300 đồng/kg và 10.000 đồng/kg đối với lúa khô. So với giá bán năm ngoái, năm nay lợi nhuận tăng hơn 20%. Đặc biệt, các giống lúa của Tập đoàn ThaiBinh Seed (các giống lúa chủ lực gồm lúa lai Thái Xuyên 111, lúa thuần TBR225, TBR97...) được doanh nghiệp bao tiêu hoàn toàn nên nông dân yên tâm đầu ra”, chị Hà chia sẻ.

Cũng theo bà Hà, việc trồng lúa liên kết và được bao tiêu đầu ra giúp nông dân khỏe re: "Việc cấy, gặt, phun thuốc đều có máy móc thay công người làm. Ngoài ra, nông dân còn được trả chậm tiền giống, phân bón. Cũng nhờ liên kết sản xuất và bao tiêu với hợp tác xã, doanh nghiệp nên bà con không còn phải vất vả khi chở lúa về nhà phơi phóng".

Giống lúa TBR97 cho sản lượng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Giống lúa TBR97 cho sản lượng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QT.

Ông Đỗ Văn Lãm, nông dân xã Xuân Minh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) có 3 mẫu lúa đã thu hoạch, cho sản lượng khoảng 10 tấn. Năm nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh nhập lúa tươi cho bà con tại ruộng với giá 7.500 đồng/kg (năm ngoái 6.300 đồng/kg lúa tươi), lúa khô làm giống có giá khoảng 12.000 đồng/kg (năm ngoái 9.500 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Lãm thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ trồng lúa 2 vụ.

“Trồng lúa liên kết trên cánh đồng mẫu lớn và được bao tiêu sản phẩm giúp việc gieo cấy tập trung hơn, năng suất, sản lượng ổn định, tiết giảm chi phí vật tư đầu vào nhờ áp dụng cơ giới hóa tập trung. Khi liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp, nhà nông được tập huấn, canh tác lúa theo quy trình nhằm đảm bảo chất lượng, năng suất. 

Ngoài ra, trồng lúa liên kết giúp gia đình có lợi nhuận, không lo đầu ra, sản phẩm của người dân không bị thương lái ép giá vào mỗi dịp thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, nông dân được cam kết giá cả, lợi nhuận, đảm bảo người trồng lúa luôn có lãi trên chính thửa ruộng của mình. Doanh nghiệp trả tiền tươi cho dân ngay tại ruộng sau khi đưa lúa lên xe”, ông Lãm chia sẻ.

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá. Ảnh: QT.

Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá. Ảnh: QT.

Do giá lúa đang ở mức cao, ngay từ đầu vụ xuân 2024, đơn vị bao tiêu sản phẩm đã đặt vấn đề thu mua lúa tươi tại ruộng cho bà con thông qua đầu mối là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Bà Mai Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: "Vụ xuân năm nay, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp nhận bao tiêu cho hơn 200ha lúa cho bà con xã Xuân Lập và các xã lân cận của huyện Thọ Xuân. Đến nay, hợp tác xã đã bao tiêu hơn 500 tấn lúa và được thương lái trả tiền ngay tại chân ruộng".

Tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) năm nay, Tập đoàn Thaibinh Seed thu mua gần 700 tấn lúa (200 tấn lúa khô và 500 tấn lúa tươi) với giá cao hơn so với năm ngoái. Nhiều thương lái bên ngoài đặt vấn đề bao tiêu cho bà con, nhưng hợp tác xã không thể đáp ứng nhu cầu do đã ký kết với các doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. 

Ông Lãm chở lúa tới điểm tập kết để đưa hàng lên xe. Ảnh:QT.

Ông Lãm chở lúa tới điểm tập kết để đưa hàng lên xe. Ảnh:QT.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa gieo trồng 114.000ha lúa, tăng gần 2.000ha so với kế hoạch; năng suất dự kiến vụ xuân trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 68 tạ/ha. Trong đó, Thọ Xuân là một trong số các huyện có diện tích gieo cấy lúa xuân lớn của tỉnh Thanh Hóa với 7.900ha, năng suất trung bình đạt 71,6 tạ/ha.

Hiện nay, nông dân tại các huyện có diện tích gieo trồng lớn như Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn… cơ bản đã thu hoạch xong vụ xuân 2024 và tiến hành làm đất, gieo cấy để kịp thời vụ. Điều đáng mừng là tất cả các giống lúa trong cơ cấu giống của Thanh Hóa đều đạt năng suất, sản lượng khá cao. Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá và thu nhập ổn định.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bắt tay BigDutchman, Tập đoàn Hùng Nhơn hiện thực hóa tham vọng tỷ USD

Tập đoàn Big Dutchman và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ bắt tay hợp tác trong 12 dự án chăn nuôi gia cầm, gà đẻ và heo ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.