| Hotline: 0983.970.780

Đưa măng tây 'kết duyên' đất Tây Nguyên

Thứ Ba 17/08/2021 , 18:57 (GMT+7)

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng mặt hàng măng tây do gia đình anh Hạnh sản xuất ra vẫn không đủ để bán, chủ yếu cung cấp cho hệ thống các siêu thị.

Nhổ cà phê, trồng măng tây

Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, vợ chồng anh Trần Văn Hạnh ở thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông (Gia Lai) luôn cần mẫn trên rẫy măng tây xanh mướt. Lao động vất vả nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn vui vì cây măng tây đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập cao, ổn định hơn các loại cây trồng khác.

Anh Trần Văn Hạnh tiên phong đưa cây măng tây về xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: Đỗ Doanh.

Anh Trần Văn Hạnh tiên phong đưa cây măng tây về xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai). Ảnh: Đỗ Doanh.

Anh Trần Văn Hạnh chia sẻ: Mấy năm trước, khi các mặt hàng nông sản xuống thấp, loay hoay không biết trồng cây gì cho hiệu quả cao, gia đình anh cũng như nhiều hộ nông dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2017 khi 27 tuổi, chưa lập gia đình, trong một lần đi thăm quan mô hình trồng cây măng tây ở tỉnh Ninh Thuận, anh đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi và bàn với gia đình nhổ 100 cây cà phê đã già cỗi để trồng thử nghiệm 1000 m2 (1 sào) cây măng tây. Qua việc đầu tư, chăm sóc và bán sản phẩm, thấy cây măng tây mang lại hiệu quả cao, anh đã quyết định mở rộng diện tích lên 7 sào.

Cũng theo anh Trần Văn Hạnh, trồng cây măng tây không quá tốn kém, dễ trồng. Tuổi thọ của cây măng tây trung bình là 10 năm, nếu chăm sóc tốt tuổi thọ có thể lên đến 15 năm. Đầu tư cho một sào măng tây bao gồm: Giống, phân bón, hệ thống tưới, số vốn khoảng 30 triệu đồng (không tính tiền mua đất).

Cây măng tây trồng chỉ 5 tháng là đã cho thu hoạch, thời gian thu hoạch một năm là chín tháng. Bình quân một sào măng tây cho năng suất 300 kg/tháng. Với giá bán như hiện nay (bán sỉ) khoảng 50.000 đồng/kg, một tháng cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/sào.

Nói về hiệu quả của việc trồng cây măng tây, anh Trần Văn Hạnh phấn khởi cho hay: Cây măng tây rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Chư Prông nói riêng và Tây nguyên nói chung. Cây măng phát triển rất tốt, chất lượng sản phẩm ngon, ngọt hơn so với các vùng khác.

Tiềm năng đất Tây Nguyên

Thực tế trồng cây măng tây 5 năm qua, anhg Hạnh nhận thấy đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, giá ổn định hơn so với các loại cây trồng khác, nhu cầu thị trường lớn. Vì vậy anh đã liên kết cùng các hộ nông dân trong xã mở rộng diện tích lên 5 ha.

Anh Hạnh đã liên kết với hàng chục hộ dân để thành lập chuỗi sản xuất, cung cấp măng tây sản xuất theo VietGAP và đang hướng tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Đỗ Doanh.

Anh Hạnh đã liên kết với hàng chục hộ dân để thành lập chuỗi sản xuất, cung cấp măng tây sản xuất theo VietGAP và đang hướng tới sản xuất hữu cơ. Ảnh: Đỗ Doanh.

Anh Hạnh cũng cho biết sản phẩm măng tây xanh với đọt non dùng làm rau xanh trong bữa ăn với nhiều chất dinh dưỡng. Măng tây xanh phơi khô dùng làm trà để uống. Măng tây xanh nghiền thành bột bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể...

Vì sức khỏe cộng đồng nên việc sản xuất măng tây của gia đình anh được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường

Trong hai năm 2020 - 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng mặt hàng măng tây do gia đình anh Hạnh sản xuất ra vẫn không đủ để bán, chủ yếu cung cấp cho hệ thống các siêu thị ở Gia Lai, Sài gòn, Bình Dương.

Được biết, sản phẩm măng tây xanh của gia đình anh Trần Văn Hạnh (Trần Hạnh) đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để đảm bảo cho việc sản xuất ổn định, anh Hạnh đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm măng tây xanh với các cửa hàng tiêu thụ.

Dù dịch bệnh Covid-19, măng tây của nhóm hộ sản xuất của anh Hạnh vẫn luôn 'cháy hàng'. Ảnh: Đỗ Doanh.

Dù dịch bệnh Covid-19, măng tây của nhóm hộ sản xuất của anh Hạnh vẫn luôn "cháy hàng". Ảnh: Đỗ Doanh.

Nhờ trồng măng tây, kinh tế của gia đình anh Hạnh ngày một phát triển. Hiện anh đã xây dựng gia đình, làm được nhà ở khang trang với đầy đủ tiện nghi và còn chuẩn bị mua mua xe ô tô hàng tỷ đồng trong năm 2021.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn tận tình hướng dẫn các hộ nông dân trong xã cùng làm. Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp ổn định cho các siêu thị trong và ngoài tỉnh, hiện anh đã liên kết với 10 hộ nông dân cùng sản xuất măng tây trong xã với diện tích hơn 5 ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập ổn định từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, anh còn là người trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong bối cảnh giá các mặt hàng nông sản xuống thấp nhiều năm nay, mô hình trồng cây măng tây là một hướng đi mới mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân. 

Mặc dù cây măng tây mới xuất hiện ở huyện Chư Prông chừng 5 năm nay, nhưng qua thực tế sản xuất, hiệu quả kinh tế, đến nay trên địa bàn huyện Chư Prông đã có 19 hộ nông dân trồng cây măng tây với diện tích gần 10 ha.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.