| Hotline: 0983.970.780

Đưa người dân lên chùa tránh bão

Thứ Ba 27/09/2022 , 15:29 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Những căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng, người dân vội vã đóng dằn cửa nẻo, sơ tán đến nơi an toàn tránh bão Noru. Nhà chùa cũng được sử dụng làm nơi trú bão.

Sáng 27/9, theo chân lãnh đạo xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) chúng tôi về thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận), một trong những vùng trọng điểm thường xuyên bị thiên tai gây thiệt hại nặng nề vào những mùa bão lũ hàng năm.

Lực lượng xung kích giúp người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) giằng chống nhà cửa trước khi đi sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng xung kích giúp người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) giằng chống nhà cửa trước khi đi sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Con đường độc đạo chạy ven sông nhỏ tí tẹo, chỉ đủ 1 xe máy đi, dài chưa đầy 1km đường chim bay nhưng phải hơn nửa tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được xóm 3 thôn Diêm Vân, khu vực xung yếu cần phải di dời 25 hộ dân với 127 nhân khẩu, trong đó có 28 trẻ em và 4 người già.

Theo ông Lê Văn Trương, Trưởng thôn Diêm Vân, đặc thù của vùng quê sông nước này là dân cư sống rải rác dọc 2 dòng sông là sông Định Bình và sông Đình Đăng. Nhà cửa của người dân ở đây toàn bộ là nhà cấp 4, nhiều căn nhà “quá cao niên” hiện đã xuống cấp trầm trọng, tường loang, vách nứt. Những căn nhà nằm sát đầm Thị Nại hứng trọn gió từ biển thốc vào, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi bão Noru được dự báo đổ bộ với sức gió khủng khiếp.

Mì ăn liền và nước uống được lực lượng xung kích vận chuyển về vùng trọng yếu về thiên tai thôn Diêm Vân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mì ăn liền và nước uống được lực lượng xung kích vận chuyển về vùng trọng yếu về thiên tai thôn Diêm Vân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đi dọc xóm 3, chúng tôi thấy hàng chục trai tráng, nhìn những bộ quân phục thì biết đó là những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn và lực lượng dân phòng của xã Phước Thuận đi rầm rập trên đường. Họ vào từng nhà dân, người cầm theo búa, người ôm theo những bó gỗ thanh để giúp bà con xóm 3 đóng dằn những cánh cửa trước khi đi sơ tán. Tiếng đóng đinh vang khắp xóm. Những phụ nữ lo sắp xếp gọn gàng đồ đạc trong nhà, những món đồ dễ ướt, bếp ga, chăn đệm được kê lên chỗ cao cho an toàn mới yên tâm đi sơ tán.

“Mùa bão lũ năm nào cũng uy hiếp người dân xóm 3, đây là vùng xung yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai, nhất là với cơn bão Noru lần này được dự báo là có sức gió rất lớn. Thế nên sáng nay lãnh đạo xã Phước Thuận đã trực tiếp về cùng với lực lượng vũ trang để giúp dân dằn chống nhà cửa trước khi bão Noru đổ bộ, đồng thời động viên bà con sơ tán về chùa Pháp Hải nằm trên địa bàn trước 12 giờ trưa hôm nay”, Trưởng thôn Diêm Vân Lê Văn Trương cho hay.

Áo phao, mì tôm và nước uống từ UBND xã Phước Thuận vận chuyển về xóm 3 thôn Diêm Vân để cung cấp cho bà con ứng phó với bão Noru. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Áo phao, mì tôm và nước uống từ UBND xã Phước Thuận vận chuyển về xóm 3 thôn Diêm Vân để cung cấp cho bà con ứng phó với bão Noru. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về chùa Pháp Hải, chúng tôi nhận thấy chốn tôn nghiêm hôm nay bỗng dưng rất huyên náo, những chiếc xe máy do những thanh niên lực lượng dân phòng xã Phước Thuận điều khiển chở những thùng mì tôm, những lốc nước uống về tập kết tại chùa để chuẩn bị đón những người dân sơ tán về tránh trú bão Noru.

Thượng tọa Giác Quang, trụ trì chùa Pháp Hải hôm nay cũng trở nên tất bật. Thầy Giác Quang đi ra đi vào, hướng dẫn phật tử dọn dẹp nơi chuẩn bị tiếp đón bà con sơ tán. 1 căn phòng rộng nối liền với căn nhà bếp bàn ghế đã được xếp gọn gàng, đó là bàn ăn của người dân sơ tán về đây tránh trú bão Noru.

Thượng tọa Giác Quang nhớ lại, năm 2009, trên địa bàn xảy ra trận lụt lớn, khi đó chùa Pháp Hải chưa được trùng tu, còn rất tềnh toàng nên cũng bị ngập nước. Sau năm 2009, chùa Pháp Hải được tôn tạo, căn cứ vào mực nước lũ năm 2009, ngôi chùa mới được xây trên nền rất cao.

Nhà chùa Pháp Hải tiếp nhận lương thực để bà con sơ tán về sinh hoạt trong những ngày tránh trú bão Noru. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhà chùa Pháp Hải tiếp nhận lương thực để bà con sơ tán về sinh hoạt trong những ngày tránh trú bão Noru. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Sau khi chùa Pháp Hải được tôn tạo, vào những mùa bão lũ, chính quyền địa phương và lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh về thăm và nhờ nhà chùa tạo điều kiện cho bà con địa phương, đặc biệt là bà con xóm Bắc có nhà nằm dọc bờ sông tiềm ẩn nguy cơ cao trước gió bão về đây tránh trú. Nhà chùa luôn sẵn lòng để bà con về đây nương tựa trong những ngày bão lũ, đó cũng là đóng góp nhỏ của nhà chùa cho bà con địa phương”, Thượng tọa Giác Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sửu, một trong những bậc cao niên ở xóm 3 thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận) cho hay: “Khu vực xóm bờ sông nơi chúng tôi đang ở rất nguy hiểm, nhất là những năm có lũ hoặc bão lớn bà con rất lo lắng cho tính mạng và tài sản của mình. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, khi có bão lũ, bà con được di dời đến nơi an toàn để tránh trú nên chúng tôi rất an tâm”.

Xem thêm
Tàu cá vi phạm về VMS còn nhiều, Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để

Nếu không xử phạt nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS, khả năng gỡ được cảnh báo 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024 là rất thấp.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.