Đưa trình độ công nghệ sinh học Việt Nam ngang bằng các nước tiên tiến
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 2006 - 2020, chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo các dòng giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống vật nuôi, thủy sản, chế phẩm bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi…
Chương trình cũng đã triển khai nhiều dự án vi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên các đối tượng cây lâm nghiệp, hoa, khoai tây…; đã xây dựng được các quy trình nuôi cấy mô tế bào ở quy mô rộng, chuyển giao cho các cơ sở sản xuất và cung cấp hàng triệu cây giống cho nhiều doanh nghiệp, nông dân.
Chương trình đã tạo được nhiều loại chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, chế phẩm bảo quản chế biến sản phẩm nông sản, xử lý môi trường. Nhiều sản phẩm đã được mở rộng quy mô thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, một số chế phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất.
Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn.
Chương trình triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ gen, tạo ra những sản phẩm làm tiền đề để tiến tới tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ sinh học cao; phân lập được các gen có giá trị kinh tế, xác định được nguồn gen kháng bệnh, chống chịu ở các giống cây trồng, vật nuôi thông qua lập bản đồ gen phục vụ công tác chọn tạo giống.
Từ những kết quả đã đạt được, Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển ngành công nghiệp sinh học có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng thời nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực trên thế giới.
Từ đó, Đề án cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học nông nghiệp; truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp.
Thời gian tới, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án như phát triển khoa học công nghệ; xây dựng và phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp (tăng cường đầu tư và đào tạo nhân lực); hợp tác quốc tế và cơ chế chính sách.
Đồng thời, Vụ sẽ trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch hành động của Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghiệp sinh học phục vụ mục tiêu phát triển của ngành NN-PTNT, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Song song đó, Vụ sẽ lồng ghép các nội dung tăng cường năng lực (đào tạo và đầu tư trang thiết bị) với các kế hoạch đầu tư công, đào tạo sau đại học tại nước ngoài. Tổ chức và thực hiện công tác thông tin và truyền thông về công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp.
Tạo dựng cơ chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghiệp sinh học
Theo ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT), tính đến cuối năm 2020, đầu năm 2022, Bộ GD-ĐT có tổng số 31 cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ sinh học trên cả nước với đội ngũ khoảng 1.300 giảng viên. Trong đó, giáo sư, phó giáo sư chiếm khoảng 120 người, tiến sĩ chiếm hơn 620 người. Bên cạnh công nghệ sinh học nói chung, lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học trong nông nghiệp tại các cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT cũng được tập trung phát triển.
Theo đó, ông Trần Nam Tú đề xuất công tác đào tạo của Bộ NN-PTNT cần tập trung vào lĩnh vực công nghiệp sinh học trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, không nên dàn trải ở tất cả các trường mà chỉ cần tập trung vào một số cơ sở giáo dục.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) bày tỏ quan điểm: Để phát huy yếu tố hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp sinh học trong nông nghiệp, cần huy động đội ngũ chuyên gia người Việt, kể cả Việt kiều để phối hợp, thậm chí có cơ chế mời họ về làm việc.
“Đối với những tổ chức nghiên cứu quốc tế lớn mà Bộ NN-PTNT đang có quan hệ tốt, cần cử người của Việt Nam tham gia vào các nghiên cứu của họ. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng cần phối hợp các viện trường bên ngoài ngành nông nghiệp để bắt kịp xu thế công nghệ sinh học của thế giới”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề xuất.
"Con sếu đầu đàn" trong ngành khoa học công nghệ đất nước
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho công nghiệp sinh học trong nông nghiệp chưa cao. Những năm qua, số lượng các chuyên gia có sự mai một, giảm sút rõ rệt.
Cùng với đó, Thứ trưởng cho rằng, hợp tác quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng với công nghiệp sinh học khi chúng ta có thể vừa đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, vừa có thể tận dụng, học hỏi công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh hợp tác quốc tế gắn với đào tạo phải có sự chọn lọc, phải tìm những nhà khoa học yêu và tâm huyết với ngành.
“Khoa học công nghệ sẽ phát huy vị thế của ngành nông nghiệp. Nếu giải phóng được tiềm lực của khoa học công nghệ, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ có thể tăng gấp 10 lần. Tháo gỡ được những vướng mắc từ cơ chế, khoa học công nghệ trong nông nghiệp sẽ đi tiên phong, trở thành "con sếu đầu đàn" trong ngành khoa học công nghệ của đất nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, thời xưa, nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật đích thực không phải là nghệ thuật vị nghệ thuật mà phải là nghệ thuật vị nhân sinh. Thời nay, khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy. Trong nông nghiệp, khoa học phải hướng tới mục đích phục vụ cho cuộc sống của hàng chục triệu nông dân Việt Nam.
“Dư địa để phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn rất lớn. Chúng ta cần một cách tiếp cận có hiệu quả mối liên kết giữa 3 chủ thể nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Có như vậy các nghiên cứu khoa học - một điều kiện cần, thông qua doanh nghiệp - một điều kiện đủ, mới có thể tiếp cận thị trường và phục vụ hiệu quả trong sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Theo đó, Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức một diễn đàn để các doanh nghiệp, các viện trường, các nhà khoa học tham gia, góp ý để phát triển công nghiệp sinh học trong nông nghiệp.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cho đến nay, đội ngũ các nhà khoa học trong công nghiệp sinh học càng ngày càng được đào tạo và nâng cao chất lượng. Từ đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ NN-PTNT nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất cho các viện trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi tắt đón đầu với xu thế phát triển công nghiệp sinh học trên thế giới.
Còn theo đại diện Bộ Tài chính, ngoài nhân lực, nguồn lực tài chính cũng là yếu tố quan trọng trong việc triển khai Đề án. Từ đó đưa ra kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bổ sung mục nguồn lực để thực hiện Đề án một cách hiệu quả.