| Hotline: 0983.970.780

Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến và logistics nông sản

Thứ Ba 18/02/2020 , 08:13 (GMT+7)

Chế biến nông sản sẽ được Bộ NN-PTNT tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đưa nước ta thành trung tâm chế biến và logistics nông sản toàn cầu vào 2030.

Chế biến nhân điều xuất khẩu.

Chế biến nhân điều xuất khẩu.

Đóng góp lớn vào phát triển nông nghiệp, nông thôn

Theo Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2013–2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước đó (2007 - 2012), với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD.

Với sự phát triển của chế biến nông sản trong nhiều năm qua, ở nước ta đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản hiện có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.

Trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành.

Một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm hiện đã có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra.

Có thể nói, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, đã đóng góp tích cực trong cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn. Cụ thể: Hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực xây dựng các nhà máy chế biến; giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng; góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Nhiều ngành hàng trong lĩnh vực chế biến nông sản đã hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản.

Mới ở trình độ trung bình của thế giới

Tuy liên tục phát triển trong nhiều năm qua, nhưng trình độ công nghệ chế biến nông sản ở nước ta hiện mới chỉ ở mức độ trung bình của thế giới. Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác).

Phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng phục vụ chế biến. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ (ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm).

Khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa sử dụng hết công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ như rau quả, thịt (số lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5-10% sản lượng); mía đường, lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản (gây tổn thất sau thu hoạch).

Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu (rau, quả, sắn đáp ứng được 20-30%; cà phê, tiêu, điều, chè 10-15%; thủy sản đánh bắt 15-20%; lúa gạo 5-7%).

Chế biến cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng (GTGT) thấp, chiếm 70-85%. Sản phẩm chế biến có GTGT cao mới chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng 30%; các loại nông sản khác khoảng 10-20%; sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%).

Cơ chế chính sách hiện chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách như đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế, nên hiệu quả chính sách không cao.

Trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp, số lượng qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp. Có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống. Có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Mục tiêu vào Top 10 nước chế biến nông sản

Với tầm quan trọng của chế biến nông sản, Bộ NN-PTNT đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu.

Đến 2030, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên; trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần nâng cao GTGT và kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Cụ thể: Tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao.

Để đạt mục tiêu nói trên, Bộ NN-PTNT đã đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Trước hết là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là các giải pháp như tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.

Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO 22000 ... trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; xây dựng và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.