Những tưởng danh hiệu ấy giản đơn với một xã có các khu công nghiệp (KCN) trù phú, nhưng thực tế chặng đường đi lên của Đức Hòa Đông không hề dễ dàng.
Ông Lê Anh Dũng, cư dân ngụ tại ấp 5 của xã cho biết, 20 năm trước, mỗi khi mưa xuống, tỉnh lộ 10, đoạn 825, nước ngập tới đũng quần. Giao thông khó khăn, không có hệ thống thủy lợi cũng không có kênh tưới, môi trường bất lợi cho SX nông nghiệp, vì vậy sau 20 năm giải phóng mà Đức Hòa Đông vẫn nghèo.
Ông Trần Huy Cường, Chủ tịch UBND xã nhớ lại, trước đây đất đai của xã thuộc loại nhiễm phèn nặng, muốn cải tạo để sản xuất phải đầu tư rất lớn. May mắn, với vị trí đắc địa gần TP.HCM, Đức Hòa Đông đã được quy hoạch thuộc vùng kinh tế trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Long An.
Ông Trần Huy Cường, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Đông
Sau 1995, các KCN hình thành, nhưng xã vẫn phát triển tự phát do quy hoạnh không theo kịp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy được đầu tư lớn song nhiều khu vực còn yếu kém. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Sau 5 năm các KCN đi vào hoạt động, thu nhập bình quân chỉ đạt 14,5 triệu đồng/người.
Bước vào phát động xây dựng NTM, xã đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp hơn 6.000 triệu đồng để xây dựng hệ thống giao thông. Nhờ vậy, giờ đây các tuyến đường của xã đều đạt chuẩn, phương tiện đi lại dễ dàng.
Kinh tế nông nghiệp của xã chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, lao động chuyển dịch sang làm việc trong các KCN, sản xuất nông nghiệp co hẹp dần, lao động nông nghiệp chỉ còn 2.336 người (chiếm tỷ lệ 17,49%). Vì vậy, xã tập trung phát triển mô hình sản xuất có giá trị tăng cao như chăn nuôi trâu, bò lấy thịt là chủ lực. Đặc biệt thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi trâu ở ấp 3, mô hình vỗ béo bò thịt. Đời sống nông dân từ đó khá dần lên.
Sự phát triển các KCN khiến Đức Hòa Đông trở thành nơi đất lành của gần 15.000 công nhân lao động phổ thông làm việc tại 186 công ty, xí nghiệp. Trong 9.370 lao động của xã thì có 6.729 người có việc làm ổn định (tỷ lệ 50,39%) tại các KCN. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95,3%. Thu nhập năm 2015 đạt 30,45 triệu đồng/người. So với năm 2010 tăng 15,95 triệu đồng. Số hộ nghèo là 32/3795 hộ, tỷ lệ 0,8%.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà trọ Bảy Công và khu nhà trọ gần 200 phòng
Đô thị hóa nhanh đồng thời với việc gia tăng các khu - cụm công nghiệp, khu dân cư và các hoạt động dịch vụ thương mại. Ông Trần Huy Cường cho biết, hơn 500 hộ đã chuyển hẳn sang ngành dịch vụ cho thuê nhà trọ, trong đó có hơn 200 hộ có trên 10 phòng trọ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ nhà trọ Bảy Công, nhà trọ lớn nhất ấp 5 của xã với với gần 200 phòng trọ cho biết, giá cho thuê là 1,4 triệu đồng/phòng/tháng. Người trọ chủ yếu từ miền Đông, miền Tây đến làm việc trong các KCN. "Để đảm bảo an ninh trật tự, tôi giao các hộ lập ra ban tự quản. Để cuộc sống các em, các cháu yên tâm sinh hoạt, tôi cũng có một phòng sinh hoạt cho công nhân khi cần như đám cưới, sinh nhật…", ông Hòa nói.
+ Ông Cường chia sẻ: "Để đạt được các tiêu chí NTM ngoài công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện, bài học kinh nghiệm là khi có vấn đề, phải tập trung giải quyết những bức xúc chính đáng của dân, đặc biệt là các bức xúc về môi trường. Hiện trên địa bàn xã vẫn có 37 công ty chưa đảm bảo điều kiện môi trường. Chúng tôi đang phối hợp Phòng TN-MT kiểm tra xử lý". + Ông Trần Minh Thông, Trưởng phòng TN-MT huyện cho biết, vấn đề được người dân quan tâm nhất là môi trường đất và nước ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước tiên, tất cả các KCN phải tách rời, không được đặt gần khu dân cư. Đối với cơ sở gây ô nhiễm như thuộc da, tái chế da bò, thức ăn chăn nuôi… sau khi xử phạt 3 lần không khắc phục thì kiên quyết đóng cửa. |