| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/12/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 16/12/2015

Đừng chất thêm gánh nặng lên vai nông dân

Theo tin từ các báo, ngày 14/12, Bộ Công thương vừa nhận được đề nghị của Bộ Tài chính, xin ý kiến về chính sách thuế nhập khẩu với mặt hàng phân bón DAP của Bộ Tài chính.

Cụ thể, hiện nay việc sản xuất phân bón DAP trong nước đang gặp khó khăn do lượng phân bón này được nhập khẩu từ Trung Quốc quá lớn.

Giá nhập khẩu phân bón DAP các loại của Trung Quốc chỉ từ 9,3 đến 9,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành sản xuất phân bón DAP của các doanh nghiệp trong nước cũng như các công ty cổ phần DAP của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã là 9,8 triệu đồng/tấn.

Bộ Tài chính cho rằng, kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phân bón DAP từ 3% hiện tại lên 6% của các doanh nghiệp Việt Nam là hợp lý, và đã đưa ra dự thảo thông tư về việc này.

Về phía Bộ Công thương, một quan chức của Bộ này cho biết, Bộ Công thương ủng hộ việc tăng thuế nhập khẩu nói trên của Bộ Tài chính.

Thật là những quan điểm ngược đời. Kinh doanh chính là cuộc chạy đua giữa giá thành và chất lượng sản phẩm. Ai làm ra sản phẩm với giá thành thấp và chất lượng tốt, thì người đó chiếm lĩnh được thị trường.

Trước tình hình giá phân bón DAP của Trung Quốc thấp, lẽ ra các doanh nghiệp và các công ty SX phân DAP của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải tìm hiểu nguyên nhân, và tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, từ đó hạ giá bán của mình xuống, để thắng hàng Trung Quốc ngay trên sân nhà.

Nhưng thay vì làm công việc đó, họ lại chỉ biết xin Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu loại phân bón này, đẩy giá hàng nhập lên cao, giúp họ tiêu thụ được lượng hàng tồn kho lên tới 685 ngàn tấn của mình.

Cạnh tranh kiểu đó là cạnh tranh không lành mạnh. Và ở đây đã thấp thoáng thấy dấu hiệu của lợi ích nhóm.

Tăng thuế nhập khẩu phân bón DAP từ 3% lên 6%, đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào trong sản xuất của người nông dân tăng thêm, gánh nặng trên vai họ lại bị chất thêm một tầng nữa.

Xưa nay, nông dân vốn đã là những người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Ngoài phải chịu những rủi ro về thời tiết, sâu bệnh… người nông dân đang còn phải gánh đủ mọi thứ giá vật tư nông nghiệp quá cao như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…

Cứ mỗi lần giá của một loại vật tư nông nghiệp tăng lên, là thu nhập của họ lại bị gặm mòn đi một ít. Còn nhớ, ngày 17/10/2012, tại Hà Nội, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố báo cáo “ai được lợi khi giá gạo tăng cao?”.

Trong báo cáo đó, có một con số khiến dư luận lặng người: Thu nhập trung bình của các hộ trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế trồng lúa tốt nhất của cả nước, chỉ đạt 535 ngàn đồng/người/tháng. 3 năm nay, mức thu nhập đó vẫn không tăng thêm là mấy.

Thử hỏi có bao nhiêu quan chức của Bộ Tài chính và Bộ Công thương cảm thấy đau lòng, thấy bức xúc về con số đó?

Đừng chất thêm gánh nặng lên vai nông dân. Thiết nghĩ hai bộ Tài chính và Công thương cần xem xét lại động cơ và mục đích của các doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP khi họ đề nghị tăng thuế nhập khẩu loại hàng này.